Cụ thể, cử tri kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo hướng tăng mức khoán quỹ phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, quỹ phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố và giảm mức chênh lệch quỹ phụ cấp giữa xã loại 1, loại 2 và loại 3; giữa thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo với thôn, tổ dân phố còn lại. Cử tri cũng kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ bổ sung quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP theo hướng tổ dân phố thuộc thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền và bổ sung tiêu chí phân loại diện tích thôn ở địa bàn nông thôn được áp dụng mức khoán quỹ phụ cấp 5,0 lần mức lương cơ sở.
Ngày 05/7/2023, Bộ Nội vụ có Văn bản số 3465/BNV-CQĐP trả lời bổ sung kiến nghị cử tri. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Nghị định đã quy định rõ các nội dung sau:
1. Quy định tăng mức khoán quỹ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, cụ thể như sau:
- Đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã:
Khoản 1 Điều 34 quy định mức khoán quỹ phụ cấp tương ứng với đơn vị hành chính cấp xã loại I, II, III là 21,0 lần, 18,0 lần, 15,0 lần mức lương cơ sở. Ngoài ra đối với đơn vị hành chính có số lượng người hoạt động không chuyên trách tăng thêm theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP thì tổng mức khoán quỹ phụ cấp được tính tăng thêm tương ứng mức lương cơ sở/01 người hoạt động không chuyên trách tăng thêm.
- Đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố:
Khoản 2 Điều 34 quy định mức khoán quỹ phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã biên giới, hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở; các thôn, tổ dân phố còn lại được khoán quỹ phụ cấp bằng 4,5 lần mức lương cơ sở.
Về mức chênh lệch giữa khoán quỹ phụ cấp của các đơn vị hành chính loại I, II, II; giữa thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, tổ dân phố có từ 500 hộ gia đỉnh trở lên; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; thôn, tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã biên giới, hải đảo với các thôn, tổ dân phố còn lại đã được cân nhắc phù hợp tương quan với số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tính theo phân loại đơn vị hành chính và đặc thù của các thôn, tổ dân phố.
2. Quy định bổ sung đối với tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; tổ dân phố thuộc đơn vị hành chính cấp xã biên giới, hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 6,0 lần mức lương cơ sở giống như đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự; thôn thuộc xã biên giới, hải đảo.
Đối với đề xuất bổ sung tiêu chí phân loại diện tích thôn ở địa bàn nông thôn được áp dụng mức khoán quỹ phụ cấp: Theo quy định của Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố thì điều kiện để thành lập thôn, tổ dân phố chỉ căn cứ theo số lượng hộ gia đình mà không căn cứ theo diện tích tự nhiên. Vì vậy, Nghị định số 33/2023/NĐ-CP đã căn cứ số lượng hộ gia đình của các thôn, tổ dân phố để xác định mức khoán quỹ phụ cấp là phù hợp với điều kiện về thành lập thôn, tổ dân phố.