Đó là một trong những nội dung đáng chú ý được Bộ Nội vụ đề xuất trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 138/2020 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.

Rút ngắn quy trình tuyển dụng

Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị đổi mới quy trình tuyển dụng nhằm nâng cao chất lượng tuyển dụng, bảo đảm tuyển được những thí sinh đạt kết quả cao hơn khi dự thi vào cùng một vị trí việc làm ở nhiều cơ quan sử dụng khác nhau; thí sinh trúng tuyển sẽ có cơ hội lựa chọn nhiều hơn 2 nguyện vọng.

Theo quy trình tuyển dụng công chức quy định ở Nghị định 138 đang áp dụng thì thời gian tối thiểu là 200 ngày kể từ ngày đăng thông báo tuyển dụng cho đến ngày có quyết định tuyển dụng. Còn thời gian tối đa không xác định.

tuyecongchuc-1-832.png?width=0&s=XhEvCcH3exhlMBYcBGUAbQ
Quy trình tuyển dụng công chức theo Nghị định 138
tuyencongchuc-2-833.png?width=0&s=1wsW7uGV-VJqRPmah4aBRQ
Quy trình tuyển dụng công chức theo dự thảo mới

Với đề xuất lần này, Bộ Nội vụ rút ngắn quy trình tuyển dụng còn từ 125 - 145 ngày, rút ngắn ít nhất 55 ngày so với quy định hiện hành.

Một trong những điểm đáng chú ý là nếu như theo quy định cũ, người trúng tuyển phải nộp phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp thì ở dự thảo nghị định, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ thủ tục này và thời gian hoàn thiện hồ sơ cũng rút ngắn lại 10 ngày so với trước.

Theo Điều 16 Nghị định 138/2020 quy định về hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng phải có phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền cấp. Năm 2023 đã xảy ra tình trạng hàng trăm người dân có nhu cầu làm lý lịch tư pháp phải đi từ 4 - 5h sáng đến Sở Tư pháp Hà Nội lấy số thứ tự, nhiều người đã tới 4 lần mới đến lượt làm hồ sơ. Một số thành phố lớn khác như TP.HCM cũng xảy ra tình trạng tương tự. Sau đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký chỉ thị về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu có biện pháp chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp của tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Sau đó một số địa phương đề xuất miễn phí cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VneID. Ngày 12/6 mới đây, Thủ tướng ban hành Quyết định số 498 phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định, thủ tục hành chính liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu với thủ tục thi tuyển công chức, xét tuyển công chức, sẽ thực hiện bỏ yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp từ phía cá nhân. Việc này được thay bằng biện pháp cơ quan tuyển dụng chủ động yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, nhằm tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí xã hội và thực hiện quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của cơ quan nhà nước.

Dự thảo cũng quy định, trường hợp đã được xác định trúng tuyển ở vị trí việc làm được tuyển dụng chung nhưng không còn biên chế tại cơ quan sử dụng công chức đã lựa chọn trong phiếu đăng ký dự tuyển thì hội đồng tuyển dụng có trách nhiệm thông báo tới người trúng tuyển danh sách các cơ quan sử dụng công chức còn biên chế tuyển dụng để lựa chọn theo nguyên tắc người nào có kết quả điểm cao hơn được ưu tiên lựa chọn trước.

Trường hợp người trúng tuyển không lựa chọn thì hội đồng tuyển dụng thông báo trúng tuyển tới người có kết quả trúng tuyển thấp hơn liền kề ở chỉ tiêu cuối cùng để hoàn thiện hồ sơ tuyển dụng.

Một điểm mới nữa, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định sát hạch khi tiếp nhận cán bộ, công chức cấp xã làm công chức cấp huyện trở lên; quy định sát hạch bằng hình thức phỏng vấn (thay cho quy định lựa chọn hình thức viết, kết hợp viết và phỏng vấn).

Bỏ quy định thi môn tin học, mở rộng các trường hợp miễn thi ngoại ngữ

Trường hợp đã từng là cán bộ, công chức sau đó được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển giữ các vị trí công tác không phải là công chức thì phải được cấp có thẩm quyền quyết định điều động, luân chuyển bằng văn bản đến làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ; không yêu cầu phải có đủ thời gian 5 năm công tác trở lên làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được điều động, luân chuyển đến.

Trường hợp cán bộ, công chức cấp huyện trở lên được điều động, luân chuyển về làm cán bộ, công chức cấp xã thì căn cứ vào yêu cầu công tác, cấp có thẩm quyền quyết định điều động về làm cán bộ, công chức cấp huyện trở lên.

Đáng chú ý, dự thảo nghị định quy định rõ, không bố trí những người có quan hệ vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ; cha, mẹ (vợ hoặc chồng), cha nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng của anh, chị, em ruột của người dự tuyển; những người đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang thi hành quyết định kỷ luật; những người đã bị xử lý về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ làm thành viên hội đồng kiểm tra, sát hạch.

Khi tiếp nhận vào công chức để bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý thì không phải thành lập hội đồng kiểm tra, sát hạch nhưng phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm và tiêu chuẩn, điều kiện tiếp nhận.

Góp ý dự thảo nghị định, Bộ Tư pháp đề nghị bổ sung quy định về hình thức đánh giá trình độ tin học theo yêu cầu của vị trí tuyển dụng trong trường hợp xét tuyển công chức, tiếp nhận vào công chức.

Bộ Nội vụ cho rằng, việc thống nhất bỏ thi tin học bắt buộc trong tuyển dụng công chức là phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, cắt giảm thủ tục hành chính theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Do đó, đối với hình thức thi tuyển, xét tuyển, tiếp nhận vào công chức đều không yêu cầu hình thức đánh giá về trình độ tin học. Đối với những vị trí việc làm yêu cầu trình độ chuyên môn cao về tin học thì sẽ tổ chức trong phần thi chuyên ngành.

Bộ Ngoại giao có ý kiến đề nghị bổ sung quy định người đứng đầu cơ quan tuyển dụng quyết định việc yêu cầu thí sinh nộp chứng chỉ ngoại ngữ khi ứng tuyển các vị trí việc làm yêu cầu trình độ ngoại ngữ đặc thù cao hơn khung quy định chung của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trường hợp vị trí việc làm yêu cầu trình độ ngoại ngữ đặc thù cao hơn quy định chung thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định tổ chức thi ngoại ngữ chuyên ngành.

Trường hợp có văn bằng tương đương hoặc cao hơn so với trình độ theo yêu cầu của vị trí việc làm sẽ được miễn thi ngoại ngữ. Nội dung này được ghi rõ trong thông báo tuyển dụng và thuộc thẩm quyền của cơ quan tuyển dụng.