Ngày 13/7/2023, Đoàn ĐBQH tỉnh nhận được Văn bản số 60/BNG-VP ngày 05/01/2023 của Bộ Ngoại giao trả lời kiến nghị cử tri. Theo đó:
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát và việc đi lại qua biên giới giữa Việt Nam và Campuchia thuận lợi hơn, xuất hiện nhiều cá nhân, tổ chức thông qua mạng xã hội thường xuyên đăng tin, quảng cáo, dụ dỗ tuyển lao động làm việc tại Campuchia với mức lương cao (800-2.000 USD/tháng), chế độ đãi ngộ tốt mà không đòi hỏi trình độ chuyên môn, bằng cấp, thậm chí sẵn sàng hỗ trợ chi phí, thủ tục nhập cảnh. Từ cuối tháng 11/2020, các công dân Việt Nam tại các địa phựơng giáp với Campuchia (tỉnh Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang) tin theo các lời mời chào, sang Campuchia làm việc và đến nay đã có công dân từ hầu hết các tỉnh thành trên cả nước, trong đó phần lớn là các thanh niên không có việc làm (có cả trẻ vị thành niên, người dân tộc thiểu số...).
Trên thực tế, sau khi nhập cảnh, phần lớn công dân Việt Nam bị đưa vào làm việc cho các sòng bạc hoặc công ty tổ chức đánh bạc trực tuyến tại Campuchia, tập trung chủ yếu ở thành phố Bavet, tỉnh Svay Ri eng - giáp tỉnh Tây Ninh và tỉnh Preah Sihanouk ở duyên hải miền nam Campuchia. Tại đây, họ được huấn luyện cách thức để tìm kiếm, mời chào, lôi kéo khách hàng tham gia đánh bạc. Những người này bị cưỡng bức làm việc, ép chỉ tiêu, phát sinh mâu thuẫn về mức lương, thưởng, thời gian làm việc, nội dung công việc v.v..; nếu muốn quay về Việt Nam thì bị bắt bồi thường hàng nghìn USD, có trường hợp bị bán từ chủ này sang chủ khác.
Từ đầu năm 2022, Bộ Ngoại giao nhận được nhiều thông tin, đề nghị giúp đỡ từ gia đình các công dân ta đang bị cưỡng bức lao động tại Campuchia (các thông tin này được chuyển đến qua các cơ quan ngoại vụ địa phương, Tổng đài bảo hộ công dân hoặc gửi trực tiếp đến Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở Campuchia). Ngay khi nhận được đơn, thư, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các Cơ quan đại diện ta tại Phnom Penh, Sihanoukville, Battambang liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin và có biện pháp bảo hộ kịp thời. Trong năm 2022, tổng số công dân Việt Nam được các Cơ quan đại diện ta tại Campuchia phối hợp cùng lực lượng chức năng Campuchia và các cơ quan Việt Nam giải cứu, đưa về nước là khoảng 1.400 người. Ngoài ra, do các cơ quan chức năng Campuchia cũng tiến hành xử lý mạnh loại hình tội phạm này, số công dân Việt Nam được chủ sử dụng lao động trả tự do và tự di chuyển về nước là khoảng 10.000 người.
Hiện mặc dù số vụ việc, đơn thư đề nghị giúp đỡ liên quan đến bảo hộ công dân Việt Nam bị lừa sang Campuchia lao động đã giảm, Bộ Ngoại giao vẫn tiếp tục chỉ đạo các Cơ quan đại diện tại địa bàn nắm bắt, theo dõi sát tình hình, kịp thời phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan xử lý, tiến hành các biện pháp bảo hộ, hỗ trợ công dân khi cần thiết.