Ngày 22/3/2024, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có Văn bản số 1217/BLĐTBXH-VP trả lời kiến nghị cử tri. Theo đó:
Theo quy định của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng áp dụng đối với những đối tượng bảo trợ xã hội không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Do vậy, khi người dân được hưởng lương hưu thì không thuộc diện đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Vấn đề cử tri kiến nghị cũng đã được đặt ra nghiên cứu, trao đổi trong quá trình xây dựng Đề án cải cách chính sách BHXH. Ngày 23/5/2018, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, trong đó định hướng hệ thống BHXH đa tầng gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội; BHXH cơ bản (BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện) và Bảo hiểm hưu trí bổ sung. Nghị quyết số 28-NQ/TW đã khẳng định: “Trợ cấp hưu trí xã hội: Ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu hoặc BHXH hàng tháng. Có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách”.
Triển khai Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, ngày 10/10/2023, Chính phủ đã có Tờ trình số 527/TTr-CP trình Quốc hội dự án Luật BHXH (sửa đổi), trong đó có nội dung về trợ cấp hưu trí xã hội. Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã trao đổi, thảo luận, cho ý kiến đối với dự án Luật BHXH (sửa đổi). Hiện nay, các bộ, ngành liên quan đang tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.