Ngày 11/8/2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Công văn số 3181/LĐTBXH-VP trả lời kiến nghị cử tri như sau:
- Về kiến nghị có quy định trợ cấp tuất hàng tháng cho con liệt sĩ khi hết tuổi lao động
Chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng nói chung và thân nhân liệt sĩ nói riêng cũng tương đồng với hệ thống chính sách an sinh xã hội (như bảo hiểm xã hội), được xây dựng trên quan hệ nuôi dưỡng. Cụ thể, các đối tượng mà liệt sĩ khi còn sống có trách nhiệm nuôi dưỡng như cha đẻ, mẹ đẻ, vợ (chồng) và con dưới 18 tuổi, hoặc con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học, con liệt sĩ trên 18 tuổi nhưng bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng. Do đó, không có cơ sở giải quyết chế độ ưu đãi đối với con liệt sĩ đã hết tuổi lao động theo kiến nghị của cử tri.
- Về kiến nghị có trợ cấp thâm niên chiến trường đối với người có công với cách mạng
Về nguyên tắc, chế độ trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng được xác định theo các tiêu chí khác nhau: Có đối tượng xác định theo tỷ lệ tổn thương cơ thể (thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học), có đối tượng xác định theo thời gian tham gia cách mạng (thâm niên hoạt động) như người hoạt động cách mạng được tặng thưởng huân, huy chương. Ngoài ra, các chính sách đặc thù khác đều tính theo thâm niên công tác, trong đó có thâm niên tham gia chiến trường, ví dụ như: Chế độ chính sách đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ (Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ); cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân tham gia kháng chiến chống Mỹ (Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ); đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chia, giúp bạn Lào (Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ); hưu trí, mất sức lao động. Các chính sách ưu đãi đã nêu được xây dựng và triển khai phù hợp với kiến nghị của cử tri.