Ngày 11/7/2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có Văn bản số 3026/BLĐTBXH-VP trả lời kiến nghị cử tri. Theo đó:
Thời gian gần đây dư luận xã hội bức xúc khi xảy ra một số vụ việc xâm hại tình dục trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng (trẻ em bị xâm hại tình dục mang thai và sinh con). Xâm hại tình dục trẻ em không chỉ gây hậu quả trước mắt mà còn ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời của nạn nhân. Bên cạnh đó, các hành vi xâm hại trẻ em cũng ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, biểu hiện sự xuống cấp của đạo đức xã hội, gây tâm lý lo lắng trong dư luận.
Luật Trẻ em năm 2016 quy định trẻ em bị xâm hại tình dục là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt[1] và được Nhà nước hỗ trợ theo 04 nhóm chính sách quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.
Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 76/2024/NĐ-CP ngày 01/7/2024 của Chính phủ quy định trẻ em bị xâm hại tình dục được hỗ trợ chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng[2] hoặc tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà ở xã hội[3].
Trong những năm qua, Hội đồng nhân dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (các tỉnh: Quảng Ninh, Bình Thuận, An Giang, Hậu Giang và Thành phố Hà Nội) đã ban hành Nghị quyết về chính sách cho các nhóm đối tượng đặc thù, trong đó có trẻ em bị xâm hại tình dục (tỉnh Kiên Giang và thành phố Hải Phòng đang xin ý kiến cơ quan liên quan). Năm 2024, nhân Tháng hành động vì trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương, các bộ, ngành tổ chức tăng cường “hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em’’[4], trong đó ưu tiên nghiên cứu, xây dựng, ban hành chính sách đặc thù cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ em bị xâm hại tình dục. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ, trợ giúp xã hội cho nhóm trẻ em này theo thẩm quyền.
[1]Điểm 1 khoản 1 Điều 10 Luật Trẻ em.
[2] Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.
[3]Điều 25 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.
[4] Công văn số 982/BLĐTBXH-VP ngày 12/3/2024.