Về nội dung này, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An khóa XV đã chuyển kiến nghị cử tri đến Bộ Giao thông vận tải trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV nhưng đến nay chưa được giải quyết. Đây là nội dung đã tồn tại nhiều năm, gây bức xúc, bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ngày 23/9/2022, Bộ Giao thông vận tải có Văn bản số 9776/BGTVT-KHĐT trả lời kiến nghị cử tri, cụ thể như sau:

Tuyến Quốc lộ 1 qua tỉnh Nghệ An dài 73,8 km, gồm 5 dự án thành phần được đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) và hình thức BOT. Theo cơ chế triển khai các dự án mở rộng Quốc lộ 1, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được tách thành Tiểu dự án riêng và do Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Nghệ An phê duyệt, tổ chức thực hiện. Bộ GTVT đã bố trí đầy đủ kinh phí GPMB theo các Quyết định phê duyệt của địa phương. Các dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác từ năm 2015 và đã quyết toán toàn bộ các chi phí.

images1076129_ql1a-1.jpg
Quốc lộ 1A đoạn qua xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu. (Ảnh: Báo NA)

Năm 2018, UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung kinh phí phát sinh do khiếu kiện về bồi thường, hỗ trợ GPMB các dự án với số tiền là 471,572 tỷ đồng, trong đó: (i) Các đoạn được đầu tư bằng vốn TPCP, trên cơ sở đề xuất của UBND tỉnh Nghệ An, Bộ GTVT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung đủ 222,388 tỷ đồng từ nguồn vốn TPCP còn dư của các dự án mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên để chi trả cho các hộ dân (hoàn thành chi trả năm 2020); (ii) Đoạn được đầu tư theo hình thức BOT, Bộ GTVT đã chỉ đạo các đơn vị liên quan làm việc với Nhà đầu tư, Ngân hàng cung cấp tín dụng về việc tiếp tục bố trí khoảng 249,184 tỷ đồng để thanh toán chi phí giải phóng mặt bằng phát sinh.

Tuy nhiên, việc bổ sung thêm vốn vay sẽ dẫn đến phương án tài chính của dự án không khả thi; mặt khác, Ngân hàng cung cấp tín dụng cũng từ chối cho vay bổ sung.

Đến năm 2021, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung kinh phí giải phóng mặt bằng phát sinh thêm so với số liệu năm 2018. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp với địa phương kiểm tra, rà soát chi tiết các số liệu. Kết quả rà soát cho thấy: (i) về nguyên nhân dẫn đến phát sinh, khiếu kiện, do tồn tại, bất cập trong công tác quản lý đất đai, bồi thường GPMB trước đây, từ năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An có quy định “Đối với phạm vi giải tỏa hành lang (7m từ chân ta luy đường cũ) chỉ thu hồi đất để thi công dự án, không thực hiện bồi thường về đất. Do vậy, khi triển khai Dự án, mặc dù Bộ GTVT đã dự trù kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với toàn bộ diện tích đất trong phạm vi giải tỏa hành lang nhưng UBND tỉnh Nghệ An không phê duyệt phương án bồi thường đối với phần diện tích này dẫn tới khiếu kiện sau khi Dự án đã hoàn thành; (ii) Về kinh phí đền bù phát sinh, tỉnh Nghệ An đã rà soát và xây dựng phương án bồi thường bổ sung theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường với tổng kinh phí bổ sung là 1.282,52 tỷ đồng.

Trên cơ sở kết quả rà soát, do các dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Nghệ An đã hoàn thành từ 2015, đã phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, hiện không có trong danh mục Dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ GTVT nên phương án bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Dự án là không khả thi. Bộ GTVT đã đề xuất phương án bố trí bổ sung một khoản ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho Tỉnh Nghệ An trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để xử lý dứt điểm khiếu kiện. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tiếp tục lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành có liên quan về đề xuất nêu trên và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Thảo Nguyên