Cử tri cho rằng việc giáo dục lịch sử, nhất là truyền thống lịch sử của dân tộc, của quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ là vấn đề hệ trọng và có tính bắt buộc; đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi các thế lực thù địch đang bằng mọi âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình, kể cả xuyên tạc lịch sử để chống phá cách mạng, đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, lật đổ chế độ, phá hoại nền hòa bình và độc lập dân tộc mà Nhân dân ta suốt bao thế hệ đã phải đổ máu hy sinh mới có được thì việc giáo dục lịch sử, nhất là lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa môn Lịch sử trở thành môn tự chọn trong chương trình phổ thông mới đã gây nhiều tranh cãi. Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo giải thích rõ bằng văn bản để cử tri được rõ; đồng thời đề nghị Bộ cần nghiên cứu, cân nhắc để có quy định đưa môn học này thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông. Đề nghị xem lại nội dung của sách giáo khoa tránh dàn trải, hay phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa truyền cảm đối với học sinh, từ đó chưa thu hút học sinh học môn lịch sử này.

ich-su-011960-16595256923911694517051.jpg
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Về vấn đề này, ngày 20 tháng 9 năm 2022 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 4651/BGDĐT-GDtrH trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Nghệ An như sau:

1. Về đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, cân nhắc để có quy định đưa môn Lịch sử thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông.

Ngay khi có ý kiến đề nghị môn Lịch sử cấp trung học phổ thông phải được quy định là môn học bắt buộc (thay vì là môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp) trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có báo cáo gửi Thường trực Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về việc xây dựng Chương trình môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình bày cụ thể về nội dung giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018: ở giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9), giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc với tổng thời lượng là 280 tiết; ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12), môn Lịch sử là môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp được bố trí trong tổ hợp khoa học xã hội với tổng thời lượng 210 tiết và các chuyên đề học tập lựa chọn với tổng thời lượng là 105 tiết. Với kết cấu như trên, cùng với yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã cụ thể hóa đầy đủ chủ trương đổi mới giáo dục lịch sử, thực hiện đầy đủ những quan điểm, mục tiêu và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29-NQ/TW, phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham dự các cuộc họp do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục và các đại biểu Quốc hội về nội dung giáo dục lịch sử trong giáo dục phổ thông. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các buổi làm việc với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Ban phát triển Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Ban phát triển chương trình môn học Lịch sử cấp trung học phổ thông để nghiên cứu các phương án thực hiện môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông.

Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 63/2022/QH15 Kỳ họp thứ 3, trong đó có yêu cầu “Nghiên cứu ý kiến cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục cấp Trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh”. Thực hiện yêu cầu của Quốc hội, ngày 03/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung Chương trình tổng thể trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT (chuyển môn Lịch sử từ môn học lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp trong nhóm khoa học xã hội thành môn học bắt buộc).

2. Về việc xem lại nội dung của sách giáo khoa tránh dàn trải, hay phương pháp giảng dạy của giáo viên chưa truyền cảm đối với học sinh, từ đó chưa thu hút học sinh học môn lịch sử.

Sau khi Chương trình môn Lịch sử cấp trung học phổ thông được điều chỉnh, để kịp thời triển khai chương trình mới từ năm học 2022 - 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng tài liệu và tập huấn cho cán bộ quản lí giáo dục và giáo viên dạy học môn Lịch sử trước khai giảng năm học mới, đồng thời tiếp tục chỉ đạo tăng cường truyền thông để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và xã hội hiểu sâu hơn về Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả, thực hiện tốt yêu cầu đổi mới về nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục theo yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW.

Từ nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang chỉ đạo các trường trung học phổ thông tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Lịch sử: “Tăng cường khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện, phục dựng lịch sử một cách khoa học, khách quan, chân thực; đồng thời gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh trong dạy học Lịch sử”. Để nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử nhằm tạo động lực cho học sinh yêu thích môn Lịch sử và học tốt môn Lịch sử, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội thảo toàn quốc về đổi mới dạy học và kiểm tra đánh giá cấp trung học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với môn học Lịch sử nhằm đánh giá thực trạng dạy học môn Lịch sử hiện nay ở trường phổ thông, đề xuất những giải pháp đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực nhằm nâng cao chất lượng dạy học và kiểm tra đánh giá đối với các môn học Lịch sử ở trường phổ thông.

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, tăng cường giáo dục lịch sử gắn với di sản, gắn với thực tiễn; đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá và việc ra đề thi đảm bảo những yêu cầu cơ bản của chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông, đảm bảo sự phân hóa đúng mức các đối tượng học sinh.

Hoàng Bá