Ngày 17/1/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 254/BGDĐT-VP trả lời kiến nghị cử tri, theo đó:

1. Về nâng cấp cơ sở vật chất

Việc bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục trước hết thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp, được quy định tại điểm b khoản 5 Điều 105 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019.

Ảnh minh họa

Ngày 28/7/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 29/2021/QH15 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, giao tổng mức vốn kể hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, cụ thể mức vốn cho từng Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Đồng thời trong giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đã phê duyệt 03 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững. Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 cho các địa phương bao gồm: tổng số vốn ngân sách địa phương, chi tiết danh mục dự án và mức vốn ngân sách Trung ương từng dự án của địa phương. Trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên đã lồng ghép các mục tiêu đầu tư cho giáo dục, đề nghị địa phương chủ động tổ chức triển khai có hiệu quả nguồn vốn đã được Trung ương phân bổ, trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị trường học.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương cần ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị trường học cho các cơ sở giáo dục, bảo đảm điều kiện tối thiểu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Việc đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia cần căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương để bố trí, cân đối nguồn lực thực hiện phù hợp. Đồng thời các địa phương cần thực hiện một số nội dung: hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, trong đó thực hiện tổ chức rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục theo Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành trung ương khóa XII; lập quy hoạch xây dựng trường, đảm bảo quỹ đất cho các trường học; dành ngân sách thỏa đáng từ nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư cho giáo dục và đào tạo; thực hiện phân bổ và lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục; khuyến khích, huy động mọi nguồn lực, các nguồn vốn trong dân cư, các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các nhà đầu tư dưới nhiều hình thức (góp vốn xây dựng, hiến đất xây dựng, đầu tư xây dựng trực tiếp, cho vay vốn đầu tư xây dựng...).

Tiếp thu kiến nghị của cử tri, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 686/NQ- UBTVQH15 ngày 18/9/2023 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, năm 2024, Bộ GDĐT sẽ tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ rà soát, đề xuất hình thức hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho địa phương chưa cân đối được ngân sách để đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.

2. Về bố trí giáo viên dạy môn Tin học, Ngoại ngữ

Ngay khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, để chuẩn bị đội ngũ giáo viên dạy các môn Ngoại ngữ, Tin học, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 371/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 26/01/2021 về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy tiểu học bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, trong đó đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát giáo viên dạy môn Tiếng Anh, Tin học theo từng trường tiểu học để xác định rõ số giáo viên đã có, số giáo viên còn thiếu; số giáo viên được tuyển dụng (biên chế) và số giáo viên hợp đồng; trình độ đào tạo, năng lực của giáo viên, để có căn cứ giao số lượng người làm việc (bao gồm số lượng người làm việc trong biên chế và hợp đồng lao động) và thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ. Trên cơ sở kết quả rà soát, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện một số nội dung:

- Có lộ trình cụ thể, phù hợp để bố trí đủ giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy tiểu học cho những trường còn thiếu (tuyển dụng, ký hợp đồng lao động, ký hợp đồng thỉnh giảng, biệt phái giáo viên). Không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới;

- Chủ động nguồn tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh, Tin học dạy tiểu học. Đặt hàng với cơ sở đào tạo để đào tạo mới giáo viên Tiếng Anh, Tin học; đặt hàng đào tạo liên thông lên trình độ đại học sư phạm đối với những người đã tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học; bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những người đã tốt nghiệp trình độ đại học chuyên ngành Tiếng Anh, Tin học có nguyện vọng trở thành giáo viên dạy tiểu học; giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông;

- Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên Tiếng Anh, Tin học theo quy định tại Nghị định số 71 /2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ đối với những giáo viên chưa đạt trình độ chuẩn được đào tạo;

- Ngoài ra, tùy vào điều kiện cụ thể, địa phương cần thực hiện thêm một số giải pháp như: bố trí 01 giáo viên dạy ở các trường trên cùng địa bàn (khoảng cách địa lý không xa), dạy trực tuyến,...;

Để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (trong đó có các môn Ngoại ngữ, Tin học), đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, sử dụng hiệu quả số giáo viên hiện có. Đồng thời có chính sách thu hút để giáo viên về công tác tại địa phương (nhất là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn) và có giải pháp phù hợp, chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần để giáo viên yên tâm công tác.

3. Về việc hỗ trợ các địa phương vùng miền núi

Ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, Bộ GDĐT đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện (Quyết định số 531/QĐ-BGDĐT ngày 20/02/2023, Quyết định số 3173/QĐ-BGDĐT ngày 13/10/2023) các nội dung (trong đó có cả các chính sách đặc thù) thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia nhằm hỗ trợ cho địa phương vùng núi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.