Cử tri kiến nghị có chế độ chính sách lương, xếp lương nghề nghiệp nhà giáo phù hợp để khắc phục thực trạng ngành giáo dục hiện nay.

Ngày 29/8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn số 4672/BGDĐT-VP trả lời kiến nghị cử tri, theo đó:

Trong những năm gần đây, mặc dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chăm lo tới đội ngũ nhà giáo (có các chính sách hỗ trợ ngoài lương để nhà giáo tăng thêm thu nhập: giáo viên được tính hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên, có chính sách riêng giáo viên vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giáo viên dạy trẻ khuyết tật, dạy lớp ghép, giáo viên đặc thù,..) nhưng thực tế lương giáo viên (nhất là giáo viên mầm non) còn thấp, chưa cải thiện nhiều mức sống của giáo viên. Vì vậy, một số giáo viên có nhu cầu chuyển đổi công việc để có thu nhập cao hơn nên đã thôi việc. Mặt khác, trước áp lực của nghề nghiệp và điều kiện sống của giáo viên, một số học sinh, nhất là học sinh giỏi chưa mong muốn vào ngành sư phạm.

Cử tri kiến nghị có chế độ chính sách lương, xếp lương nghề nghiệp nhà giáo phù hợp để khắc phục thực trạng ngành giáo dục hiện nay

Nhằm khắc phục những bất cập như cử tri phản ánh, Bộ GDĐT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất chính sách tiền lương mới bảo đảm không thấp hơn mức lương hiện hưởng theo tinh thần của Nghị quyết số 27- NQ/TW. Trước mắt, Bộ GDĐT đã thống nhất với Bộ Nội vụ xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo (Luật Giáo dục 2019). Theo đó, giáo viên mầm non mới được tuyển dụng sẽ được xếp ở hệ số lương khởi điểm 2,10, giáo viên tiểu học và trung học cơ sở xếp ở hệ số lương khởi điểm là 2,34. Việc xếp lương theo trình độ chuẩn được đào tạo đã giúp cho giáo viên mới ra trường tăng thu nhập và đây cũng là một trong những yếu tố thu hút sinh viên vào học các ngành sư phạm.