Thí sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10 năm học 2024-2025. |
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông để lấy ý kiến đóng góp của xã hội.
Theo đó, có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương. Sở giáo dục và đào tạo tham mưu cho ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và lựa chọn phương thức.
Đối với việc tổ chức thi tuyển, để đảm bảo thống nhất và đảm bảo quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, dự thảo Quy chế quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, gồm Toán, Ngữ văn và 1 môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học có trường trung học phổ thông lựa chọn và được công bố trước ngày 31/3 hằng năm.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở. Việc lựa chọn môn thi thứ ba có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản.
Bài thi tổ hợp các môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở.
Về thời gian thi, dự thảo Quy chế quy định Ngữ văn là 120 phút; Toán là 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba là 60 phút hoặc 90 phút; bài thi tổ hợp là 90 phút hoặc 120 phút.
Nội dung thi tuyển sinh lớp 10 nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, chủ yếu là chương trình lớp 9.
Dự thảo Quy chế cũng Quy định khung một số yêu cầu về việc ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi và công bố kết quả, điểm chuẩn, chế độ tuyển thẳng, chế độ ưu tiên… để bảo đảm chất lượng, an toàn trong tổ chức kỳ thi tại các địa phương.
Cũng theo dự thảo, tuyển sinh lớp 6 trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển. Trường hợp trường trung học cơ sở có số học sinh đăng kí vào học lớp 6 nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh thì được thực hiện tuyển sinh theo phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
Thí sinh tại điểm thi Trường THCS Lê Quý Đôn (thành phố Thủ Đức) xem thông tin phòng thi năm 2024. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10: Nên để địa phương chủ động chọn môn thi thứ ba
Việc biết trước môn thi giúp học sinh có sự chuẩn bị tốt hơn cả về mặt kiến thức và tâm lý, không áp lực; việc dạy học ở nhà trường cũng được ổn định, do đó để địa phương chủ động chọn môn thi lớp 10.
Căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học hoặc chương trình xóa mù chữ của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
Sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học hướng dẫn việc tuyển sinh theo phương thức kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.
So với dự thảo được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi lấy ý kiến góp ý của các sở giáo dục và đào tạo và các trường trung học phổ thông về dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông từ năm 2025, dự thảo Quy chế lần này đã có sự điều chỉnh khi bỏ quy định xác định môn thi thứ ba theo hình thức bốc thăm mà trao quyền lựa chọn cho các sở giáo dục và đào tạo và các trường đại học có trường trung học phổ thông.
Năm học 2024-2025 là năm khép kín chu kỳ thực hiện Chương trình giáo dục 2018 từ lớp 1 đến lớp 12. Theo đó, năm học này thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông và thi Tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo kế hoạch, việc ban hành Quy chế thi tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông sẽ sớm hơn 3 tháng so với những năm trước. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường, giáo viên, học sinh trong quá trình dạy, học, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi./.