Cử tri thị xã Cửa Lò phản ánh thời gian qua, giá xăng dầu tăng thì giá cả hàng hóa tăng theo, song hiện nay giá xăng dầu giảm mạnh nhưng các mặt hàng tiêu dùng, phục vụ sản xuất, kinh doanh không giảm, gây khó khăn cho đời sống nhân dân. Cử tri kiến nghị tăng cường quản lý, bình ổn giá cả kịp thời khi giá xăng dầu đã giảm.
Ngày 19/01/2023, Bộ Công thương ban hành Văn bản số 335/BCT-KHTC trả lời kiến nghị cử tri. Theo đó, hiện nay, nguồn cung một số mặt hàng thiết yếu như vật tư nông nghiệp, lương thực, thực phẩm... trên thị trường tương đối ổn định. Bên cạnh việc chịu ảnh hưởng của chi phí đầu vào tăng liên quan đến giá xăng dầu (chi phí sản xuất, vận chuyển...), giá các mặt hàng còn chịu ảnh hưởng từ xu hướng tăng giá nguyên liệu và thành phẩm trên thị trường thế giới do những bất ổn kinh tế, địa chính trị gần đây như xung đột Nga và Ukraina cùng các lệnh trừng phạt của phương Tây gây gián đoạn nguồn cung hàng hóa..., trong khi Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu hàng hóa để phục vụ sản xuất. Do vậy, giá bán hàng hóa được điều chỉnh phù hợp với các chi phí đầu vào và tuân theo quy luật thị trường.
Công tác chỉ đạo điều hành giá các mặt hàng thiết yếu nói chung thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính (thường trực Ban Chỉ đạo Điều hành Giá), về phía Bộ Công Thương, trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với Bộ Tài chính trong việc bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, tránh để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gây tăng giá đột biến. Để góp phần bình ổn thị trường, hàng năm, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các địa phương xây dựng và triển khai chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã và đang chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.