Ngày 17/01/2024, Bộ Công an có Văn bản số 185/BCA-V01 trả lời kiến nghị cử tri. Theo đó:

Thời gian qua, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương rà soát và đã phát hiện có khoảng 460 người thuộc 21 địa phương sử dụng trang phục quần áo gần giống với lực lượng vũ trang; 17 hội, nhóm trên không gian mạng lôi kéo người dân sử dụng trang phục này để bán hàng, tụ tập gây mất an ninh, trật tự. Người sử dụng trang phục quần áo gần giống với lực lượng vũ trang chủ yếu mua trên mạng và một số điểm bán hàng nhỏ lẻ, nguồn hàng chuyển từ nước ngoài vào, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Ngoài những cơ sở trong Công an, Quân đội hiện được cấp phép sản xuất trang phục Công an và Quân đội, Bộ Công an chưa phát hiện và cấp phép cho cơ sở khác trong nước được sản xuất mặt hàng liên quan đến quần áo, trang phục của lực lượng vũ trang.

Hiện nay, số người sử dụng trang phục quần áo gần giống với lực lượng vũ trang thuộc các nhóm sau: (1) Người dân sử dụng trang phục gần giống lực lượng vũ trang chủ yếu là lao động tự do, yêu thích đồ gần giống lực lượng vũ trang, không nhận thức được trang phục gần giống lực lượng vũ trang có tác động, ảnh hưởng đến dư luận xã hội và tình hình an ninh, trật tự nên tìm mua sử dụng. (2) Một số theo hội nhóm sử dụng trang phục gần giống lực lượng vũ trang đi chơi, ăn uống, du lịch, cafe, quay phim, chụp ảnh đăng trên các trang mạng xã hội nhằm gây ấn tượng, lôi kéo người sử dụng để thu lợi từ kinh doanh mặt hàng này, một số đối tượng mặc trang phục này khi tham gia vào hoạt động đòi nợ thuê. (3) Một số đối tượng ngụy quân, ngụy quyền, thương phế binh có dấu hiệu thành lập các hội, nhóm theo đơn vị, binh chủng, sắc lính, khóa học của Việt Nam Cộng hòa để vận động, kêu gọi các thành viên sử dụng trang phục lính Việt Nam Cộng hòa tham gia các hoạt động từ thiện xã hội, “chiêu hồn”, “cúng vong linh”, tìm hài cốt, thăm viếng “chiến trường xưa” và số lính Việt Nam Cộng hòa chết trận, nhằm khơi gợi hận thù quá khứ, nhận tài trợ từ cá nhân, tố chức bên ngoài phục vụ hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước, tiềm ẩn yếu tố chính trị, gây mất an ninh, trật tự.

Ngoài ra, một số đối tượng “hậu duệ Việt Nam Cộng hòa” cố tình chống chính quyền bằng cách đăng tải, chia sẻ các bài viết, hình ảnh “ca ngợi” chế độ Việt Nam Cộng hòa, sự ưu việt của lính nước ngoài nhằm khơi gợi hận thù, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc, đả kích, chống Đảng, Nhà nước, tác động tiêu cực đến an ninh, trật tự đất nước.

Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiến hành gọi hỏi, đấu tranh với số đối tượng tàng trữ, sử dụng, sản xuất, mua bán trang phục gần giống lực lượng vũ trang. Ảnh: Báo CAND

Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiến hành gọi hỏi, đấu tranh với số đối tượng tàng trữ, sử dụng, sản xuất, mua bán trang phục gần giống lực lượng vũ trang; phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra các cơ sở kinh doanh trang phục gần giống lực lượng vũ trang, qua đó phát hiện, thu giữ 9.428 vật phẩm, trong đó có nhiều loại chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ, đã tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

Để quản lý, ngăn chặn người dân không tự do sử dụng trang phục quần áo gần giống với lực lượng vũ trang gây mất an ninh, trật tự, tạo dư luận phức tạp, Bộ Công an đã và sẽ thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ sau:

(1) Đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Ban Bí thư:

- Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung và đề xuất hoàn thiện các quy định về thương mại để quản lý, thắt chặt hoạt động xuất, nhập khẩu, mua bán, kinh doanh, sản xuất mặt hàng này.

- Giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu với Chính phủ xây dựng nghị định quy định về nếp sống văn minh trong đời sống dân cư; trên cơ sở đó sẽ có căn cứ xử lý đối với hành vi sử dụng trang phục phản cảm, trang phục gần giống lực lượng vũ trang ở nơi công cộng, không phù hợp với thuần phong mỹ tục nơi công cộng.

(2) Phối hợp với Bộ Công Thương tập trung phát hiện, thu giữ, xử lý đối tượng mua bán, kinh doanh, sản xuất trang phục gần giống lực lượng vũ trang sai quy định, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

(3) Tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương, trong quá trình chờ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này, tiếp tục rà soát, phát hiện, ngăn chặn người dân sử dụng trang phục gần giống lực lượng vũ trang trong sinh hoạt cộng đồng, tại nơi cộng cộng; tiến hành các biện pháp giáo dục, thuyết phục, yêu cầu người dân, các hội, nhóm không sử dụng, quảng cáo, bán trang phục gần giống lực lượng vũ trang không rõ nguồn gốc và kêu gọi người dân nêu cao tinh thần vì sự bình yên, phát triển của đất nước, không sử dụng trang phục lính sai quy định./.