Theo kết luận 126, Bộ Chính trị giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện).

Cả nước có 696 đơn vị hành chính cấp huyện

Qua 2 đợt sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện gần đây (2019 – 2021 và 2023 – 2025), hiện nay cả nước có 696 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó có 2 thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (Thủ Đức – TPHCM, Thủy Nguyên – TP Hải Phòng), 84 thành phố thuộc tỉnh, 53 thị xã, 49 quận và 508 huyện.

Hà Nội hiện có nhiều đơn vị hành chính cấp huyện nhất với 30 đơn vị, kế đến là Thanh Hóa có 26, TPHCM có 22, Nghệ An 20, Quảng Nam và Gia Lai 17.

w-vinh-phuc-31392.jpg?width=0&s=jCS5bw2Q51re8aEfNhuCSg
Nếu bỏ đơn vị hành chính cấp huyện, việc triển khai các nhiệm vụ sẽ thông suốt từ tỉnh xuống thẳng cấp xã. Ảnh: Hoàng Hà

4 tỉnh, thành có 15 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Kiên Giang, Long An, Hải Phòng, Đắk Lắk.

3 tỉnh có 13 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Ninh.

4 tỉnh có 12 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Hà Tĩnh, Sơn La, Hải Dương, Đồng Tháp.

8 tỉnh có 11 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: An Giang, Bình Định, Bình Phước, Đồng Nai, Hà Giang, Lạng Sơn, Sóc Trăng, Tiền Giang.

9 tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Quảng Trị, Kon Tum, Hưng Yên, Hòa Bình, Điện Biên, Cao Bằng, Bình Thuận, Bắc Giang, Lâm Đồng.

14 tỉnh, thành có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau, Cần Thơ, Khánh Hòa, Lào Cai, Phú Yên, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Nam Định.

9 tỉnh, thành có 8 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Vĩnh Long, Thái Bình, Quảng Bình, Lai Châu, Hậu Giang, Đắk Nông, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Kạn.

5 tỉnh có 7 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Bạc Liêu, Ninh Thuận, Tuyên Quang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Bình.

Hà Nam là tỉnh có 6 đơn vị hành chính cấp huyện, ít nhất so với cả nước.

Không bị rào cản ranh giới quận, huyện

Nhấn mạnh việc bỏ đơn vị hành chính cấp huyện là điều tất yếu, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng theo định hướng của Bộ Chính trị thì sau này bộ máy hành chính của Việt Nam có thể chỉ còn 3 cấp (Trung ương, tỉnh, xã) thay vì 4 cấp như hiện nay.

“Đây cũng là thông lệ của nhiều nước trên thế giới vì đa số các nước họ cũng chỉ có mô hình hành chính 3 cấp”, ông Dĩnh nhấn mạnh.

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ cho rằng, hiện nay cấp huyện là cấp trung gian và đã bộc lộ nhiều hạn chế khi Việt Nam có 4 cấp, trong đó cấp Trung ương có vai trò hoạch định chính sách, xây dựng thể chế pháp luật. Còn cấp tỉnh ngoài việc triển khai chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cấp tỉnh cũng quyết nhiều vấn đề tự quản của địa phương.

Theo đó cấp huyện chỉ là cấp trung gian truyền tải xuống. Trong khi cấp xã mới là cấp trực tiếp thực hiện.

Theo ông Dĩnh, qua cấp trung gian này có một số vấn đề đặt ra. Đó là khi triển khai các chính sách qua cấp huyện dễ có độ trễ bởi vì phải qua thêm một cấp trung gian, phải ngồi bàn, ra văn bản rồi mới tổ chức thực hiện.

“Thậm chí, không chỉ có độ trễ mà nhiều khi còn là lực cản, vì trong quá trình thực hiện nếu cấp huyện không triển khai hay triển khai không đúng thì có khi còn chậm trễ và là lực cản trong thực thi chính sách. Vì vậy khi bỏ cấp trung gian thì sẽ thông suốt luôn xuống dưới cấp xã”, nguyên Thứ trưởng Nội vụ phân tích.

nguyentiendinh-98779.jpg?width=0&s=_noWqBMGjUbhTWtwmCGPmA
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh. Ảnh: Ngọc Thắng

GS.TS Trần Ngọc Đường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng nếu bỏ cấp huyện sẽ có nhiều thuận lợi.

Cụ thể, khi bỏ cấp huyện sẽ tạo ra không gian tương đối rộng hơn để phát triển kinh tế, xã hội mà không bó hẹp trong quận, huyện nào đó; tạo ra môi trường rộng lớn hơn để thu hút tiềm năng, nguồn lực để phát triển.

“Đó là một lợi thế rất lớn trong điều kiện phát triển kinh tế hội nhập ngày càng rộng lớn. Khi đó, không bị rào cản bởi ranh giới, lãnh thổ của huyện, quận", ông Đường nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc bỏ cấp huyện còn tạo điều kiện để thu hút nguồn lực lớn hơn của cả tỉnh phục vụ cho một dự án của xã, phường nào đó.

Việc giảm tầng nấc trung gian cũng góp phần tăng ngân sách cho nhà nước, bởi chi phí cho bộ máy của quận, huyện hiện nay cũng rất nhiều.

“Nếu bỏ cấp trung gian là cấp huyện sẽ bỏ được một nấc trong phân cấp, phân quyền. Khi đó sẽ phân cấp, phân quyền thẳng từ cấp tỉnh xuống cấp xã, phường, giúp môi trường quản lý thông thoáng hơn, thuận lợi hơn”, GS. Trần Ngọc Đường nhận định.

Không phân biệt công chức cấp xã

Tuy nhiên, để thực hiện chủ trương bỏ đơn vị hành chính cấp xã, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý cần chuẩn bị một số điều kiện từ kinh phí, bộ máy, cho đến năng lực, trình độ của cán bộ, công chức cấp xã.

Nghị định 33/2023 Quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố nêu rõ tiêu chuẩn của cán bộ, công chức cấp xã theo khung năng lực từ đại học trở lên, trừ trường hợp luật hoặc điều lệ của tổ chức có quy định khác và nhiệm vụ theo bản mô tả công việc của từng chức vụ, chức danh (vị trí việc làm).

Hiện nay Bộ Nội vụ đã đề xuất liên thông công chức cấp xã, huyện, tỉnh, tức là không phân biệt công chức cấp xã với cấp tỉnh, mà gọi là công chức chung trong hệ thống hành chính nhà nước và tới đây sẽ sửa Luật Cán bộ, Công chức liên quan đến nội dung này.

Muốn sắp xếp lại, bỏ cấp trung gian là cấp huyện thì cấp xã phải được tăng cường. Đồng thời phân cấp, phân quyền phải đi đôi. Như Tổng Bí thư đã nói: Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

“Quan trọng là chúng ta phải củng cố, nâng cao chất lượng và các điều kiện để chính quyền địa phương cấp cơ sở thực hiện cho tốt thì mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao. Bên cạnh đó, chế độ chính sách cũng phải khác. Tất cả đều vì mục tiêu bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, năng lực, hiệu quả và cái gốc vẫn là hiệu lực, hiệu quả”, ông Dĩnh nhấn mạnh.