Đối với học sinh thuộc gia đình hộ trung bình, khi tham gia BHYT vẫn phải đóng theo mức học sinh chứ không đóng theo mức hộ trung bình; đề nghị cơ quan Bảo hiêm xã hội (BHXH) tạo điều kiện để học sinh thuộc hộ trung bình tham gia BHYT theo mức hộ trung bình.
Hiện nay có chủ trương khám chữa bệnh bằng căn cước công dân, nhưng thực tế khi Nhân dân đi khám, chữa bệnh, bệnh viện yêu cầu phải có thẻ BHYT. Đề nghị có sự thống nhất giữa bệnh viện và BHXH để người dân thuận tiện khi khám, chữa bệnh.
Về kiến nghị của cử tri thị xã Hoàng Mai, Bảo hiểm xã hội tỉnh trả lời như sau:
1. Người tham gia BHYT 5 năm liên tục sẽ được hưởng quyền lợi gì?
- Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, từ ngày 01/01/2015, người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh (KCB) trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến, sẽ được hưởng 100% chi phí KCB BHYT.
Vì vậy, không phải trường hợp nào đã tham gia BHYT liên tục từ 5 năm trở lên đều được hưởng 100% chi phí KCB BHYT. Để được chi trả 100% chi phí KCB BHYT, người tham gia BHYT phải đáp ứng đủ 2 điều kiện sau: Thứ nhất: Có thời gian tham gia BHYT từ đủ 5 năm liên tục trở lên tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT đến thời điểm đi KCB; Thứ hai: Có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở tính từ thời điểm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến.
- Quyền lợi của người tham gia BHYT 5 năm liên tục tiếp theo là trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại các cơ sở KCB khác nhau hoặc tại cùng một cơ sở KCB lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh mang chứng từ đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở và nhận giấy xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó. (Cơ sở KCB có trách nhiệm cung cấp hóa đơn thu đối với số tiền cùng chi trả đủ 06 tháng lương cơ sở để người bệnh có căn cứ đề nghị cơ quan BHXH xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó)
Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả vượt quá 6 tháng lương cơ sở được tính từ ngày 1/1, quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám bệnh chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi của người bệnh kể từ thời điểm người bệnh tham gia đủ 5 năm liên tục đến hết ngày 31/12 của năm đó.
2. Đối với học sinh thuộc gia đình hộ trung bình, khi tham gia BHYT vẫn phải đóng theo mức học sinh chứ không đóng theo mức hộ trung bình; đề nghị cơ quan BHXH tạo điều kiện để học sinh thuộc hộ trung bình tham gia BHYT theo mức hộ trung bình.
- Tại khoản 2 Điều 13 Luật BHYT số 25/2008/QH12 được Luật số 46/2014/QH13 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, quy định: "Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà ngườiđó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này".
- Tại Điều 4 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, quy định Nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, gồm:
“1. Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
2. Người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định này.
3. Học sinh, sinh viên.
4. Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.”
Như vậy, theo quy định nêu trên đối tượng học sinh, sinh viên có thứ tự trước đối tượng người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình. Nên người tham gia BHYT nếu là học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục, đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng
được xác định có thứ tự trước đối tượng học sinh, sinh viên quy định tại Điều 12 Luật BHYT thì bắt buộc đăng ký tham gia BHYT thuộc đối tượng học sinh, sinh viên tại trường học là đúng theo quy định.
3. Hiện nay có chủ trương KCB BHYT bằng căn cước công dân (CCCD), nhưng thực tế khi Nhân dân đi KCB, bệnh viện yêu cầu phải có thẻ BHYT. Đề nghị có sự thống nhất giữa bệnh viện và BHXH để người dân thuận tiện khi KCB.
- Sử dụng CCCD gắn chip thay thế thẻ BHYT khi đi KCB BHYT là một bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính. Thay vì tốn thời gian vào việc làm thủ tục giấy tờ, người dân sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh chóng hơn, cải thiện chất lượng dịch vụ KCB BHYT. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 100% cơ sở KCB BHYT đã triển khai sử dụng CCCD gắn chip trong KCB BHYT, người dân chỉ cần xuất trình CCCD gắn chip để thực hiện quét mã. (Trong năm 2023, các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thực hiện tra cứu CCCD khi người có thẻ BHYT đi KCB với số lượt thực hiện thành công là 1,8 triệu lượt).
Trường hợp cơ sở KCB BHYT yêu cầu người dân phải cung cấp thẻ BHYT khi đi KCB (khi người có thẻ BHYT đã sử dụng CCCD gắn chip) là chưa đúng quy định. Rất mong cử tri phản ánh cụ thể cơ sở KCB BHYT nào yêu cầu khi người dân đã thực hiện đúng quy định để cơ quan BHXH phối hợp với Sở Y tế xác minh, làm rõ, chấn chỉnh.