Gia đình đã làm hồ sơ đến BHXH các huyện Con Cuông, Anh Sơn nhưng vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị BHXH tỉnh và các cấp xem xét, hướng dẫn cụ thể để gia đình hoàn tất thủ tục hưởng chế độ, chính sách theo quy định”.

Ảnh minh họa

Về kiến nghị của cử tri thị xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, Bảo hiểm xã hội tỉnh trả lời như sau:

1. Tại điểm a, b của khoản 1, khoản 3 Điều 23 Nghị định số 115/2015/NĐ- CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc:

“Điều 23. Tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội

1. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà được tính là thời gian công tác liên tục nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể:

a) Người lao động làm việc trong khu vực nhà nước liên tục công tác đến ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian làm việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội;

b) Người lao động có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì việc xác định thời gian công tác để tính hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ quy định tại Điều 3 của Nghị định số 66/CP ngày 30 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội đối với lực lượng vũ trang; Điều 3 của Nghị định 43/CP ngày 22 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội; Điều 54 của Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định số 12/CP ngày 26 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ; Điều 49 Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ và Khoản 4 Điều 139 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.

c) Người lao động làm việc thuộc khu vực nhà nước, nghỉ chờ việc từ ngày 01 tháng 11 năm 1987 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 do doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức không sắp xếp, bố trí được việc làm, chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 vẫn còn có tên trong danh sách lao động của đơn vị thì được tính thời gian công tác trước khi nghỉ chờ việc để tính hưởng bảo hiểm xã hội”.

2. Tại điểm a, c khoản 12; điểm d khoản 13 Mục II Thông tư số 13/NV ngày 04/9/1972 của Bộ Nội vụ Hướng dẫn và quy định cụ thể về việc tính thời gian công tác của công nhân, viên chức nhà nước:

“12. Thời gian nghỉ việc do yêu cầu của tổ chức, nghỉ việc vì mất sức lao động, thời gian đi an dưỡng, thời gian ở trại thương binh

a) Do đặc điểm tình hình của nước ta, có những trường hợp do yêu cầu tổ chức, công nhân, viên chức được cơ quan, xí nghiệp cho thôi việc vì giản chính, giảm nhẹ biên chế, kiện toàn tổ chức và quân nhân tình nguyện được phục viên hoặc giải ngũ, sau được tuyển dụng trở lại làm việc ở cơ quan, xí nghiệp, nếu trong thời gian nghỉ việc vẫn nghiêm chỉnh chấp hành mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thì được cộng thời gian đã công tác trước khi nghỉ việc với thời gian trở lại công tác sau này để tính là thời gian công tác liên tục (trừ thời gian nghỉ việc không tính).

c) Còn những trường hợp không do yêu cầu của tổ chức mà công nhân, viên chức tự ý xin thôi việc, quân nhân xin giải ngũ vì hoàn cảnh riêng, sau được trở lại làm việc thì thời gian công tác trước khi nghỉ việc hoặc giải ngũ không được tính là thời gian công tác liên tục mà chỉ được tính là thời gian công tác nói chung (thời gian nghỉ việc không tính). Riêng đối với cán bộ đã hoạt động cách mạng từ trước ngày 19-8-1945 và công nhân, viên chức đã tham gia kháng chiến và được tặng thưởng Huân chương và Huy chương kháng chiến, Huân chương hay Huy chương chiến thắng thuộc đối tượng thi hành của Thông tư số 84-TTg ngày 20-8- 1963 của Hội đồng Bộ trưởng, nếu có trường hợp vì hoàn cảnh riêng phải tạm thời nghỉ việc thì được áp dụng theo Điều 2 phần II đã nói ở trên.

13. Thời gian nghỉ phép, nghỉ ốm đau, vì tai nạn lao động

d) Thời gian công nhân, viên chức nghỉ dài hạn không lương và thời gian tự tiện bỏ việc không được tính là thời gian công tác. Thời gian công tác trước đó được tính vào thời gian công tác nói chung, nếu trong khi bỏ việc không có hành động chống đối chính sách, chống phá cách mạng”.

3. Tại khoản 17 Mục D của Bản hệ thống hóa kèm theo Công văn số 169/BHXH ngày 17/02/1981 của Bộ Thương binh và Xã hội về việc thực hiện các chế độ hưu trí, mất sức lao động và tử tuất, quy định:

"17. Thời gian nghỉ việc do yêu cầu của tổ chức, nghỉ việc vì mất sức lao động, thời gian đi an dưỡng, thời gian thương binh ở trại thương binh

- Thời gian nghỉ việc do giảm nhẹ biên chế, thời gian nghỉ việc vì mất sức lao động, thời gian đi an dưỡng (theo Chỉ thị 100-TTg ngày 05/8/1956), thời gian thương binh ở trại thương binh thì không tính, còn thời gian công tác trước được tính là thời gian công tác liên tục.

- Trường hợp xin thôi việc, thì thời gian công tác trước tính là thời gian công tác nói chung, nhưng nếu tự ý bỏ việc thì không được tính, còn thời gian công tác liên tục tính kể từ khi trở lại làm việc. Riêng trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ vì gia đình ở vùng bị đánh phá ác liệt nên thực sự gặp khó khăn mà tự ý bỏ việc một thời gian ngắn, sau được gọi trở lại làm việc, thì thời gian câng tác trước khi bỏ việc được tính là thời gian công tác liên tục”.

4. Tại khoản 1, khoản 2 Điều 34 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc:

"Điều 34. Tính thời gian công tác đối với người lao động làm việc thuộc khu vực nhà nước, nghỉ chờ việc từ ngày 01 tháng 11 năm 1987 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 1995

1. Người lao động làm việc thuộc khu vực nhà nước, nghỉ chờ việc từ ngày 01 tháng 11 năm 1987 đến trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 do doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức không sắp xếp, bố trí được việc làm, chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc bảo hiểm xã hội một lần, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 vẫn còn có tên trong danh sách lao động của đơn vị thì được tính thời gian công tác trước khi nghỉ chờ việc để tính hưởng bảo hiểm xã hội.

2. Hồ sơ đề nghị tính thời gian công tác trước khi nghỉ chờ việc bao gồm:

a) Tờ khai tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

b) Lý lịch gốc và lý lịch bổ sung (nếu có) của người lao động, quyết định tiếp nhận, hợp đồng lao động, các giấy tờ có liên quan khác như: quyết định nâng bậc lương, quyết định điều động hoặc quyết định chuyển công tác, quyết định phục viên xuất ngũ, chuyển ngành, giấy thôi trả lương.

c) Danh sách của đơn vị có tên người lao động đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 hoặc các giấy tờ xác định người lao động có tên trong danh sách của đơn vị đến ngày 31 tháng 12 năm 1994;

d) Quyết định nghỉ chờ việc. Trường hợp không có quyết định nghỉ chờ việc thì phải có xác nhận bằng văn bản của thủ trưởng đơn vị tại thời điểm lập hồ sơ đề nghị cấp sổ bảo hiểm xã hội, trong đó đảm bảo người lao động có tên trong danh sách của đơn vị tại thời điểm có quyết định nghỉ chờ việc và chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc bảo hiểm xã hội một lần.

Trường hợp đơn vị đó giải thể, thì do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp xác nhận".

5. Tại khoản 2, 3 Mục I Công văn số 3595/LĐTBXH-BHXH ngày 18/9/2020 của Bộ LĐ-TB&XH về việc hướng dẫn tính thời gian công tác đối với người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trước ngày 01/01/1995, quy đỉnh:

“2. Trường hợp người lao động không còn hồ sơ gốc thể hiện thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì việc xem xét, quyết định tính hoặc không tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 là thời gian công tác đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động do Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết định, dựa trên cơ sở đơn đề nghị của người lao động, văn bản xác nhận của cơ quan quản lý người lao động và các giấy tờ có liên quan đến thời gian công tác đề nghị tính hưởng bảo hiểm xã hội để đối chiếu như: Lý lịch Đảng viên, Lý lịch đoàn viên, sổ lao động, danh sách lao động, sổ theo dõi, danh sách chi trả lương, sổ lương thực, giấy khen, bằng khen, kỷ niệm chương, văn bằng, chứng chỉ, hồ sơ giải quyết chế độ của người lao động khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

3. Nội dung văn bản xác nhận của cơ quan quản lý người lao động bao gồm các thông tin: lý do không còn hồ sơ gốc của người lao động, thời điểm tuyển dụng, diễn biến quá trình công tác, diễn biến tiền lương của người lao động; việc người lao động chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, lý do chưa được giải quyết; lý do gián đoạn hoặc nghỉ việc và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý trong việc giải quyết chế độ tại thời điểm nghỉ việc đối với người lao động có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995.

Văn bản xác nhận phải được lập bởi cơ quan tuyển dụng và quản lý người lao động (trường hợp cơ quan quản lý đã giải thể thì cơ quan quản lý cấp trên thực hiện việc xác nhận) và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xác nhận ”.

6. Công ty cổ phần Tổng Công ty chè Nghệ An - Xí nghiệp Chế biến Dịch vụ chè Bãi Phủ (trước đây gọi là Nông trường Bãi Phủ) là đơn vị sử dụng lao động do BHXH huyện Anh Sơn trực tiếp quản lý về BHXH. Trên cơ sở báo cáo của BHXH huyện Anh Sơn thì mọi trường hợp người lao động của Xí nghiệp Chế biến dịch vụ chè Bãi Phủ làm việc và đóng BHXH sau ngày 01/01/1995 đều đã được cấp sổ BHXH, khi nghỉ việc đã giải quyết, hưởng chế độ BHXH theo quy định.

Trường hợp nếu chồng của bà Lê Thị Dung, bà Lê Thị Phúc có thời gian làm việc và đã nghỉ việc trước ngày 01/01/1995, BHXH tỉnh Nghệ An kính đề nghị bà Lê

Thị Dung, bà Lê Thị Phúc đối chiếu trường hợp nghỉ việc của chồng với các quy định nêu trên, nếu trường hợp nghỉ việc của chồng mà có quy định thời gian làm việc trước khi nghỉ việc được tính là thời gian công tác liên tục, hoặc thời gian để tính hưởng BHXH, BHXH tỉnh Nghệ An kính đề nghị bà Lê Thị Dung, bà Lê Thị Phúc hướng dẫn chồng phối hợp, yêu cầu Chi nhánh Công ty cổ phần Tổng Công ty chè Nghệ An - Xí nghiệp Chế biến Dịch vụ chè Bãi Phủ:

a) Trích lục, hoàn thiện các loại hồ sơ gốc theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH (nêu cụ thể tại Mục 4 nêu trên).

b) Trường hợp không còn đầy đủ các loại hồ sơ gốc theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH, hoàn thiện các loại hồ sơ theo quy định tại khoản 2, 3 Mục I Công văn số 3595/LĐTBXH- BHXH của Bộ LĐ-TB&XH (nêu cụ thể tại Mục 5 nêu trên).

c) Sau khi hoàn thiện, có các loại hồ sơ nêu tại khoản a Mục này, hoặc khoản b Mục này, đơn vị hoặc người lao động gửi toàn bộ hồ sơ (bản chính kèm theo bản chụp, hoặc bản sao) đến BHXH huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.