UBND tỉnh thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch, tổ chức lấy ý kiến người dân bằng những hình thức phù hợp… Chưa xác định được tính đồng bộ, phù hợp

Đối với việc lập, thẩm định và quyết định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, Đoàn giám sát nhận thấy, công tác lập quy hoạch tỉnh được Nghệ An chủ động triển khai kịp thời, quyết liệt. Việc lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch được thực hiện công khai, minh bạch; tổ chức xét chọn, đánh giá năng lực đơn vị tư vấn chặt chẽ, khách quan… Tuy nhiên, do quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia chưa được phê duyệt nên quá trình lập quy hoạch tỉnh việc xác định quan điểm, mục tiêu phát triển và bố trí không gian trên địa bàn còn gặp khó khăn, chưa đánh giá liên kết vùng cũng như chưa xác định tính đồng bộ, phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng.

Tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên địa bàn tỉnh được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm yêu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước và kêu gọi đầu tư; rà soát công tác lập quy hoạch để tiến hành điều chỉnh, lập mới các khu vực phù hợp với tình hình thực tế… Tuy nhiên, một số dự án đã được phê duyệt, giao đất nhiều năm nhưng vẫn chưa triển khai được. Công tác quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất nhiều nơi chưa có sự đồng bộ, thống nhất. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết mặc dù đã thực hiện nhưng số lượng ý kiến góp ý chưa nhiều, chất lượng các ý kiến chưa chuyên sâu.

Trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, bên cạnh những kết quả đạt được, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng dẫn đến khó khăn trong quản lý, thu hút đầu tư, triển khai dự án theo quy hoạch xây dựng được duyệt. Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết đã được thực hiện theo các quy định của pháp luật; tuy nhiên, số lượng ý kiến góp ý chưa nhiều, chất lượng các ý kiến chưa chuyên sâu. Một số đồ án quy hoạch sau khi được phê duyệt tổ chức công bố quy hoạch còn chậm hơn so với quy định.

Giai đoạn 2016 - 2020, việc lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã thực sự trở thành công cụ pháp lý hết sức quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về đất đai. Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện nhìn chung còn chậm. Việc lập quy hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính kết nối liên vùng và phát huy được thế mạnh của từng vùng, do vậy quy hoạch thiếu tính đồng bộ, thiếu cân nhắc đến lợi ích chung, đến sự phát triển hài hòa của toàn khu vực, đến chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững... Quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau khi được xét duyệt chưa có chế tài, công cụ đủ mạnh.

%C4%90o%C3%A0n%20%C4%90BQH%20t%E1%BB%89nh%20Ngh%E1%BB%87%20An%20kh%E1%BA%A3o%20s%C3%A1t%20th%E1%BB%B1c%20t%E1%BA%BF%20c%C3%B4ng%20t%C3%A1c%20quy%20ho%E1%BA%A1ch%20tr%C3%AAn%20%C4%91%E1%BB%8Ba%20b%C3%A0n%20th%E1%BB%8B%20x%C3%A3%20Th%C3%A1i%20H%C3%B2a%20-%20%E1%BA%A2nh%20Mai%20Hoa.jpg Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An khảo sát thực tế công tác quy hoạch trên địa bàn thị xã Thái Hòa. Ảnh: Mai Hoa Xác định rõ định hướng phát triển quốc gia, ngành quốc gia

Qua giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An kiến nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch 2017, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai 2013 theo hướng quy định rõ việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện cần quan tâm kế thừa, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch ngành xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất được duyệt các thời kỳ.

Kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thành quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xác định rõ định hướng phát triển quốc gia, ngành quốc gia (nhất là quy hoạch không gian biển, quy hoạch mạng lưới điện, quy hoạch sử dụng đất đai) để các địa phương căn cứ lập quy hoạch tỉnh, bảo đảm phù hợp với quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia. Đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo hướng tiếp cận phương pháp tiên tiến; quan tâm đến vấn đề kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, có tính đến tác động của biến đổi khí hậu; tạo sự đồng bộ giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng; có phân tích không gian nhu cầu sử dụng đất; công khai và tham vấn các bên liên quan trong quá trình lập quy hoạch.

Đối với UBND tỉnh, Đoàn giám sát nhấn mạnh việc chỉ đạo các ngành, địa phương lựa chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm, năng lực và trình độ chuyên môn cao, có các đề xuất định hướng mang tính chiến lược, sâu sát với cơ sở, các huyện, xã; thực hiện tốt công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch và tổ chức lấy ý kiến của người dân bằng những hình thức phù hợp. Quan tâm hỗ trợ các ngành, địa phương bố trí nguồn kinh phí thực hiện các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt là các huyện miền núi. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong quản lý quy hoạch, chỉnh trang đô thị; có cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin về quy hoạch đô thị, về nhà ở và thị trường bất động sản, hạ tầng kỹ thuật đô thị; dự án và địa điểm kêu gọi đầu tư; số hóa toàn bộ các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đã được phê duyệt (ưu tiên thực hiện trong năm 2022) trên phạm vi toàn tỉnh.

THÁI HÒA