Với kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, các ĐBQH chuyên trách đã thực sự thể hiện khá tròn vai cầu nối giữa thực tiễn với lý luận, giữa tâm tư, nguyện vọng của cử tri với các quyết sách dự kiến sẽ trình Quốc hội... nhằm bảo đảm chất lượng cao nhất cho các dự án luật.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An THÁI THỊ AN CHUNG: Thêm nhiều ý kiến đa dạng, nhiều chiều

bna_img_5046.jpg

Đây là Hội nghị ĐBQH chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, diễn ra trong 2 ngày và được tổ chức theo hình thức tập trung tại Hội trường Diên Hồng kết hợp trực tuyến qua phần mềm cài đặt trên thiết bị iPad của ĐBQH chuyên trách. Là một quy trình trong hoạt động lập pháp, hội nghị thể hiện rõ nhất quyền và trách nhiệm của ĐBQH hoạt động chuyên trách, thể hiện tính liên tục trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan chuyên môn của Quốc hội; đồng thời, cũng là dịp để cử tri và Nhân dân thấy được hoạt động lập pháp của Quốc hội và của đại biểu chuyên trách.

Hội nghị đã tập trung thảo luận, góp ý về 4 dự án Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Đây là 4 dự án Luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ Hai và được Ủy Ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trong các phiên họp vừa qua. Mặc dù các dự án luật được qua nhiều vòng, nhiều hội nghị, hội thảo, tham vấn về các vấn đề cụ thể, nhưng thông qua hội nghị ĐBQH chuyên trách lần này sẽ có thêm nhiều ý kiến đa dạng từ các góc độ, nhiều chiều để hoàn thiện các dự thảo luật không chỉ về kỹ thuật lập pháp, mà còn giải trình thấu đáo trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Chúng ta biết, hoạt động của ĐBQH chuyên trách không chỉ theo chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật mà còn mang ý nghĩa là hoạt động không thể thiếu, là hoạt động trụ cột, nòng cốt của Quốc hội nhất là trong xu hướng Quốc hội ngày càng đổi mới, tăng cường chuyên trách, hướng tới chuyên nghiệp… Do vậy, việc tổ chức hội nghị ĐBQH chuyên trách này là rất cần thiết, thể hiện quyết tâm cao của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thấy được tính dân chủ, tính quyết liệt cũng như tính tập trung, phát huy trí tuệ của các ĐBQH chuyên trách để tham gia vào quá trình sửa đổi, hoàn thiện các dự án Luật…

Bên cạnh giúp cho cơ quan chủ trì thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo, Hội nghị cũng giúp Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo có thêm vòng lọc hữu ích trong việc thấy được vấn đề toàn diện hơn, nhận diện thêm những vấn đề phát sinh, hướng tới chất lượng tốt nhất của dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

ĐBQH chuyên trách Cầm Thị Mẫn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa): Phát huy vai trò nòng cốt, then chốt của các ĐBQH chuyên trách

20220330063851hinhanh.jpg

Để có cơ sở cho cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện dự thảo các Dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Ba sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách. Đây là hội nghị đại biểu hoạt động chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Khóa XV. Tôi cho rằng, việc tổ chức hội nghị này là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự đánh giá đúng mức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vị trí, vai trò nòng cốt, then chốt của các ĐBQH chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật.

Tại hội nghị, với kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, các ĐBQH chuyên trách đã phát huy tinh thần, trách nhiệm đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, chỉ rõ những điểm bất cập, chưa hợp lý trong các dự luật. Trong thực tế, có những luật ban hành khi áp dụng vào cuộc sống đã nảy sinh nhiều vướng mắc, khó khăn, dẫn đến tình trạng phải sửa đổi nhiều lần. Bản thân chúng tôi là những ĐBQH chuyên trách rất quan tâm đến việc xây dựng pháp luật và luôn mong muốn các đạo luật hoàn chỉnh nhất, phù hợp với thực tiễn để phát huy hiệu quả thiết thực khi được ban hành.

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị này đã giúp các ĐBQH chuyên trách có thêm thời gian nghiên cứu chuyên sâu hơn về các dự thảo luật, có thể trao đổi trực tiếp giữa các ĐBQH và cơ quan soạn thảo để thấu hiểu và đưa ra được những điều luật hoàn chỉnh nhất, góp phần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng văn bản luật. Đúng như khẳng định trong phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Việc chúng ta chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án Luật trước khi trình Quốc hội thông qua là để nhằm bảo đảm chất lượng cao nhất cho các dự án Luật, đồng thời có thể tiết kiệm tối đa thời gian họp chính thức của kỳ họp”.

Tôi cũng cho rằng, bên cạnh sớm hoàn thiện 4 dự án Luật này, việc Quốc hội ngày càng chú trọng chức năng lập pháp sẽ góp phần xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là một trong ba khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước nhanh và bền vững đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định là khâu đột phá trọng tâm, ưu tiên hàng đầu và cả giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021 - 2030.

Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh Lê Hồng Hạnh: Các đại biểu đã thể hiện khá tròn vai cầu nối giữa thực tiễn với lý luận

20220330063930hinhanh.jpg

Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách cho ý kiến với 4 dự án luật sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Ba đã thực sự phát huy vai trò quan trọng của ĐBQH chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ làm luật. Qua theo dõi các phản ánh về hội nghị, tôi thấy các đại biểu chuyên trách thực sự đã thể hiện khá tròn vai cầu nối giữa thực tiễn với lý luận, giữa tâm tư, nguyện vọng của cử tri với các quyết sách dự kiến sẽ trình Quốc hội.

Tôi đồng tình cao với ý kiến của ĐBQH về việc cần rà soát, sửa đổi hệ thống các văn bản, luật liên quan đến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ như: Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Một thực tế hiện nay đó chính là sự mâu thuẫn, chồng chéo trong chính hệ thống các văn bản pháp luật. Do đó, việc rà soát để phát hiện, kịp thời sửa đổi các quy định của các văn bản pháp luật còn chồng chéo giữa các luật hiện nay là điều rất cần thiết.

Ý kiến của các ĐBQH chuyên trách đóng góp vào nội dung dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng đều rất có chất lượng, mang hơi thở của cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Trước hết, đó là sự bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến); chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo… Việc nhân điển hình tiên tiến cũng đi sát với việc học tập làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh mà Kết luận số 01 của Bộ Chính trị đã đề ra. Quan điểm của đại biểu về hạn chế tình trạng ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật đối với Luật Thi đua khen thưởng nhận được sự đồng tình của đa số cử tri.

Về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đa số ý kiến đại biểu đã tập trung làm rõ các nội dung. Trong đó, điều cử tri quan tâm là vấn đề hợp đồng bảo hiểm, là quyền lợi của người dân khi tham gia đã được các đại biểu lưu tâm.

DIỆP ANH - ĐÀO CẢNH - BÌNH NGUYÊN ghi