Bản sắc văn hoá của các dân tộc là sức mạnh nội sinh để phát triển du lịch, dịch vụ miền Tây Nghệ An
...
Tại huyện Con Cuông - miền Trà Lân lịch sử, một trong những huyện miền Tây với phong cảnh hữu tình, đậm đà bản sắc văn hóa, là địa phương có những kết quả đáng khích lệ về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, phát triển du lịch sinh thái…, chúng ta tổ chức Hội nghị trao đổi về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đây là một hoạt động mới, một hướng nghiên cứu, tiếp cận vấn đề chủ động, tích cực trong lộ trình quyết định các chính sách phát triển KT-XH, nhiệm kỳ 2021-2026 của HĐND tỉnh Nghệ An.
Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao sáng kiến của Ban Dân tộc, Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh trong tham mưu, chuẩn bị và tổ chức Hội nghị này. Thường trực HĐND tỉnh cũng trân trọng ghi nhận, đánh giá cao sự tham gia nhiệt tình, nhiều ý kiến rất tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo địa phương, các doanh nghiệp trên lĩnh vực văn hoá, du lịch… tại diễn đàn này. Ban Tổ chức Hội nghị cần tiếp thu đầy đủ các ý kiến đã phát biểu hoặc chưa có thời gian phát biểu để nghiên cứu, làm căn cứ quan trọng cho việc xây dựng các chính sách về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch dịch vụ và phát triển kinh tế - xã hội nói chung trên địa bàn tỉnh.
Bản sắc văn hóa vùng đồng bào miền núi là “hồn cốt” của bà con các dân tộc thiểu số. Đó là sự đa dạng, phong phú, tinh hoa được kết tinh qua lao động sáng tạo từ nhiều thế hệ, với tâm hồn phóng khoáng của con người, sự bao la, kỳ vĩ của thiên nhiên cùng bao biến động của thiên tai, thời cuộc. Tất cả tạo nên bản sắc độc đáo, giá trị tốt đẹp, nhân văn, nghĩa tình; làm nên sức sống bền bỉ của mỗi dân tộc, sự trường tồn của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Ngay trong những ngày đầu vừa giành được độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Nhận thức và tư tưởng lãnh đạo về văn hoá và công tác văn hoá của Đảng ngày càng được phát triển, hoàn thiện theo tiến trình phát triển của đất nước. Đến Đại hội toàn quốc lần thứ 13, Đảng ta tiếp tục khẳng định lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế.
Quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, những năm qua Nghệ An đã tập trung xây dựng và đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng và phát triển văn hoá, con người xứ Nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trong đó, mảng văn hoá các dân tộc thiểu số được quan tâm với những chương trình, chính sách, mô hình giáo dục văn hoá, hoạt động nghệ thuật, bảo tồn tôn tạo các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; gắn với phát triển du lịch, dịch vụ nói chung. Hiện khu vực miền núi, dân tộc trên địa bàn tỉnh đã có 138 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, 12 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao; có 6 doanh nghiệp lữ hành, 184 cơ sở lưu trú với hơn 2300 phòng nghỉ, 50 nhà homestay. Trên thực tế, các hoạt động xây dựng, gìn giữ, phát huy các giá trị, bản sắc văn hoá đã góp phần rất tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh một cách ổn định, bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, nghiêm túc đánh giá, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá các dân tộc trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại đáng quan tâm. Điều đáng lưu ý là bản sắc văn hoá vùng dân tộc thiểu số, miền núi chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, đồng bộ và tương xứng với phát triển kinh tế; chưa xem các bản sắc văn hóa là nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Công tác gìn giữ, khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả chưa cao. Một số di tích lịch sử văn hóa có giá trị xuống cấp chưa được trùng tu, tôn tạo; một số phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc có nguy cơ bị mai một, thậm chí bị mất hẳn. Đầu tư huy động các nguồn lực cho văn hoá còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Có nơi, có lúc còn xem nhẹ vai trò của văn hoá so với kinh tế. Hoạt động sáng tạo trong mảng văn nghệ các dân tộc thiểu số chưa được quan tâm đúng mức, số nhạc sĩ, ca khúc viết về dân tộc, miền núi ngày càng thưa vắng trong đời sống văn nghệ của đồng bào các dân tộc miền Tây.
Cạnh đó, miền Tây Nghệ An được đánh giá giàu tiềm năng về phát triển du lịch, nhưng việc khai thác các tiềm năng đó cho phát triển còn rất khiêm tốn. Một số mô hình du lịch còn nhỏ lẻ, thiếu liên kết. Nhiều sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP, song chưa trở thành hàng hoá, chưa hấp dẫn nhiều với du khách…
Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa khẳng định “Văn hóa là bản sắc của một dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Văn hóa mất thì dân tộc mất”. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền, của đồng bào các dân tộc, kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Phát triển “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia trong thời gian tới”;
Quán triệt các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh; trên cơ sở các ý kiến phát biểu tham luận của quý đại biểu, để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị quan tâm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, khẳng định các giá trị văn hoá truyền thống, giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc miền Tây xứ Nghệ là kho tài sản vô cùng quý giá, cần phải được tiếp tục khai thác, phát huy có hiệu quả; đó là một nguồn lực, động lực rất lớn cho việc phát triển du lịch, dịch vụ nói riêng, phát triển kinh tế- xã hội, từng bước nâng cao đời sống cho vùng đồng bào các dân tộc nói chung.
Thứ hai, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá các dân tộc cần đặt trong bối cảnh hội nhập, phát triển ngày càng sâu rộng với văn hoá dân tộc Việt Nam và hội nhập với văn hoá thế giới nói chung. Cần xử lý thật tốt giữa hội nhập và phát triển, hoà nhập mà vẫn giữ gìn được bản sắc. Giữ gìn tốt bản sắc chính là góp phần quan trọng cho sự phát triển đa dạng, phong phú, bền vững của văn hoá các dân tộc nói chung, và đây là một vấn đề không mới, nhưng luôn khó.
Thứ ba, bằng nhiều giải pháp để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021-2030. Trong đó, cần đánh giá, quy hoạch tổng thể và có các giải pháp khả thi để phát huy tốt các tiềm năng lợi thế của vùng miền Tây, từ cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, khí hậu trong lành, nhiều vùng mát mẻ, nhiều nét văn hoá độc đáo, ẩm thực hấp dẫn; nhất là con người mộc mạc, hồn hậu…
Ưu tiên các chương trình, công trình phát triển kinh tế, quốc phòng gắn với bảo tồn, phát triển văn hoá; từ văn hoá truyền thống để nuôi dưỡng, phát huy nguồn lực nội sinh cho việc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, từng bước làm giàu được từ rừng núi, khí hậu, sản phẩm du lịch…
Đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực tại chỗ phục vụ cho phát triển văn hoá, du lịch, kinh tế của từng mô hình, từng địa phương và cả vùng miền Tây nói chung.
Thứ tư, cần xuất phát từ vai trò, trách nhiệm, sự liên kết, thống nhất mục tiêu, hành động giữa các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở với các nhà nghiên cứu văn hoá - kinh tế; với các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn đến giới truyền thông (báo chí chính thống và cả mạng xã hội có trách nhiệm). Tất cả cần được bắt đầu bằng tình yêu với miền Tây, bằng khát vọng bảo vệ và phát triển miền Tây dù gian khó; bằng những chương trình, kế hoạch mang tính khoa học, thực tiễn, kiên trì làm từ nhỏ đến lớn, từ dễ đến khó; bằng nguồn lực tương xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển của miền Tây và bằng sự chia sẻ, đồng hành chứ không phải xung đột lợi ích giữa Nhà nước với doanh nghiệp, xung đột giữa các doanh nghiệp, các địa phương với nhau; giữa bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên với khai thác phát triển du lịch, dịch vụ, phát triển sinh kế của người dân bản địa…
Thứ năm, trên cơ sở thu nhận được nhiều thông tin, thực tiễn phong phú cùng những đề xuất, kiến nghị từ các nhà nghiên cứu, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp, Ban tổ chức Hội nghị cần tổng hợp, phân tích để chủ động đề xuất sớm xây dựng, ban hành một số chính sách phù hợp, nhằm phát huy tốt hơn nữa các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc trở thành động lực; đánh thức, khơi dậy các tiềm năng lợi thế về cảnh quan, khí hậu, con người trong phát triển du lịch, dịch vụ có hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng miền Tây rộng lớn, góp phần vào sự phát triển nhanh, vững chắc của tỉnh Nghệ An. Thiết nghĩ đó là đóng góp lớn của Hội nghị trao đổi về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.