Tham dự họp thẩm tra có đồng chí Nguyễn Nam Đình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí Lãnh đạo và Ủy viên Ban Pháp chế, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.

Quang cảnh cuộc họp thẩm tra. Ảnh: Báo NA

Phát biểu tại cuộc họp thẩm tra, đồng chí Trưởng Ban Pháp chế cho biết dự thảo Nghị quyết này có nội dung rất quan trọng, được cử tri quan tâm. Các thành viên Ban Pháp chế đã tích cực nghiên cứu hồ sơ Nghị quyết, đóng góp ý kiến phục vụ phiên thẩm tra. Các thành viên Ban Pháp chế đều thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này. Đây là chính sách riêng của tỉnh, hỗ trợ thêm cho các đối tượng ngoài chính sách được hưởng tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP về tinh giản biên chế.

Đồng chí Trần Đình Toàn, Phó trưởng Ban Pháp chế thay mặt Ban tổng hợp ý kiến thẩm tra đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan giải trình, làm rõ và sửa đổi, bổ sung nội dung dự thảo Nghị quyết.

Đồng chí Trần Đình Toàn - Phó trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu ý kiến thẩm tra tại cuộc họp. Ảnh: Báo NA 

Nội dung được hầu hết các thành viên Ban Pháp chế và các thành phần dự họp thẩm tra quan tâm, có ý kiến liên quan đến nguyên tắc hoàn lại tại khoản 5 điều 3 trong trường hợp các đối tượng dôi dư được giải quyết chính sách tại Nghị quyết này được bầu cử, tuyển dụng, tiếp nhận lại vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian 05 năm (60 tháng) kể từ ngày nghỉ hưu trước tuổi, thôi việc thì phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền hỗ trợ đã nhận. Đây cũng là nội dung được các đơn vị mà Ban Pháp chế khảo sát trước thẩm tra kiến nghị không áp dụng. Lý giải cho ý kiến này, các đại biểu cho rằng nhiều đối tượng dôi dư có tuổi đời còn rất trẻ, có năng lực, trình độ, đào tạo bài bản nên nếu áp dụng nguyên tắc này sẽ tạo ra khó khăn, cản trở họ trong việc tìm kiếm việc làm sau khi nghỉ việc. Mặt khác, việc thu hồi lại số tiền đã hỗ trợ sẽ khó khả thi, nhất là khi các đối tượng dôi dư được tiếp nhận vào các cơ quan, đơn vị ở huyện khác, tỉnh khác. Cùng với đó, các ý kiến từ cơ sở đều cho rằng nếu áp dụng nguyên tắc này thì sẽ không có tính động viên các đối tượng dôi dư nghỉ việc khi sắp xếp đơn vị hành chính; gây khó khăn cho cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động sắp xếp cán bộ.

Đồng chí Nguyễn Thị Anh Hoa - Phó Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh nêu ý kiến thẩm tra tại cuộc họp. Ảnh: Báo NA

Chính vì vậy, Ban Pháp chế đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu không quy định nguyên tắc tại khoản 5 điều 3 để đảm bảo tính nhân văn, khả thi của chính sách.

Về chính sách hỗ trợ, các thành viên Ban Pháp chế cơ bản thống nhất với mức hỗ trợ quy định tại dự thảo Nghị quyết. Trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhưng việc hỗ trợ với mức như dự thảo thể hiện sự quan tâm, động viên rất lớn dành cho đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng quy định tại điểm a khoản 2 điều 4 “Người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hỗ trợ mỗi năm công tác ở chức danh hiện giữ (không tính chức danh kiêm nhiệm) bằng 01 tháng phụ cấp hiện hưởng (hỗ trợ tối đa không quá 15 tháng)” là chưa hợp lý, thiệt thòi cho đối tượng này. Nếu chỉ tính thời gian công tác để hỗ trợ theo thời gian ở chức danh hiện giữ thì sẽ rất ít, trong khi đó người hoạt động không chuyên trách cấp xã thường có thời gian công tác lâu năm, trải qua nhiều chức danh không chuyên trách khác nhau. Có ý kiến khác đề nghị làm rõ căn cứ xác định mức hỗ trợ 3,2 triệu đồng cho Ủy viên thường trực Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Ủy viên ban thường vụ các đoàn thể cấp xã.

Một số ý kiến thành viên Ban Pháp chế góp ý liên quan đến đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh của nghị quyết. Theo đó, về phạm vi điều chỉnh cần làm rõ chính sách tại nghị quyết này là chính sách riêng của tỉnh, ngoài các chính sách tinh giản biên chế do Trung ương quy định. Còn về đối tượng áp dụng, thành viên Ban Pháp chế đề nghị quy định rõ các đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; đồng thời đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động hỗ trợ, phục vụ theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 thì cần quy định rõ hình thức hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Ngoài ra, các ý kiến của thành viên Ban Pháp chế và thành phần dự họp còn có ý kiến góp ý liên quan đến căn cứ ban hành nghị quyết, tên gọi của nghị quyết, quy định về thời gian thực hiện chế độ hỗ trợ, điều khoản thi hành…

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An giải trình một số ý kiến thẩm tra tại cuộc họp. Ảnh: Báo NA

Đại diện cơ quan soạn thảo, đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ đã phát biểu tiếp thu, giải trình các ý kiến thẩm tra của thành viên Ban Pháp chế và các thành phần dự họp liên quan đến dự thảo Nghị quyết. Giám đốc Sở Nội vụ cho biết quá trình soạn thảo dự thảo Nghị quyết này, Sở đã rất cầu thị trong việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã, phối hợp chặt chẽ với Ban Pháp chế HĐND tỉnh để trao đổi, nắm bắt thông tin ngay từ khâu soạn thảo. Đồng chí Nguyễn Viết Hưng cũng chia sẻ thêm việc nhiều ý kiến đề nghị tăng mức hỗ trợ là rất chính đáng, tuy nhiên, rất khó khăn trong việc cân đối kinh phí từ ngân sách để thực hiện. Hơn thế nữa, chính sách tại dự thảo lần này đã có sự tiếp thu, kế thừa những quy định chính sách dành cho các đối tượng dôi dư trước đây; có tính đến mức tăng lương cơ sở ở thời điểm hiện tại so với thời điểm trước cũng như tương quan, so sánh với chính sách của các tỉnh có điều kiện tương đồng với Nghệ An. Đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ cũng đã tiếp thu các ý kiến thẩm tra của Ban Pháp chế liên quan đến căn cứ ban hành Nghị quyết, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng, nguyên tắc thực hiện và điều khoản thi hành của Nghị quyết. Các ý kiến còn lại đã được người đứng đầu cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, làm rõ.

Đồng chí Phạm Thành Chung - Ủy viên Thường trực, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu kết luận một số nội dung tại cuộc thẩm tra. Ảnh: Báo NA

Phát biểu kết luận cuộc họp thẩm tra, trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ban Pháp chế, các thành phần dự họp và phần tiếp thu, giải trình của Sở Nội vụ, đồng chí Phạm Thành Chung, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết với các nội dung mà cơ quan thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã thống nhất sửa trong dự thảo Nghị quyết, đồng thời nhất trí với các nội dung mà cơ quan chủ trì soạn thảo đã giải trình, làm rõ. Ban Pháp chế HĐND tỉnh sẽ ban hành Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết trình HĐND tỉnh./.