Theo số liệu báo cáo của các đơn vị, đầu năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh còn 95.205 hộ (chiếm 12,10%), số hộ cận nghèo 80.464 hộ (chiếm 10,23 %); cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 3,42%; bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,74%/năm. Kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh đã góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo.

Bình quân hàng năm tỷ lệ hộ nghèo tại 44 xã thụ hưởng chính sách giảm 5,43%/năm (giảm từ 44,08% đầu năm 2016 xuống còn 22,36% cuối năm 2019), đến cuối năm 2020 còn 18,13%, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo chung toàn tỉnh. Trong giai đoạn có 05 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 theo Quyết định số 1747/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ; có 77 thôn đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 theo Quyết định số 958/QĐ-UBDT ngày 13/12/2019 của Ủy ban Dân tộc.

ban-dan-toc-khao-sat-chuong-trinh-giam-ngheo-ben-vung-15-4-2022-1.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc

Qua khảo sát cho thấy công tác phối hợp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh của các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị trong thời gian qua được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Các sở, ngành có liên quan đã bám sát vào các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ được giao, tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và Ban chỉ đạo các giải pháp, biện pháp thực hiện Chương trình.

Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2020 là 3,42%, còn cao hơn mức bình quân cả nước là 2,75%. Hộ nghèo tập trung chủ yếu ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số (9,57%). Mô hình giảm nghèo quy mô còn nhỏ, việc nhân rộng, bao tiêu sản phẩm từ một số mô hình khó khăn, bất cập... nguồn vốn đầu tư cho huyện nghèo thấp, công tác lồng ghép nguồn lực khó khăn, thiếu bền vững. Một bộ phận người nghèo còn có tư tưởng không muốn thoát nghèo, có hiện tượng tách hộ là người già, người khuyết tật…thành hộ riêng để được thụ hưởng chính sách ưu đãi; có nơi cấp xóm, cấp xã, huyện không muốn mất chế độ nên không muốn thoát nghèo.

Phát biểu tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Như Khôi - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Ban Dân tộc tỉnh và một số sở, ngành có liên quan cần phân tích rõ những bất cập của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số thuộc phạm vi quốc gia và thực tiễn triển khai trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp cụ thể, đồng thời kiến nghị, đề xuất mang tầm vĩ mô và phạm vi cấp tỉnh để chương trình này thời gian tới được triển khai thực hiện thiết thực, hiệu quả hơn.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đặt ra nhiều vấn đề băn khoăn về tỷ lệ hộ nghèo ở một số địa bàn như Quế Phong, Quỳ Châu đang ở mức 40 - 50%; trình trạng “trẻ hoá” hộ nghèo đang diễn ra; điều kiện sinh kế của nhiều gia đình vùng dân tộc thiểu số còn nhiều thiếu thốn…

Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cũng đang đặt ra một số bất cập, hạn chế, hiệu quả chưa cao. Hàng loạt vấn đề xã hội như tình trạng nghiện rượu, ma tuý còn nhiều; tình trạng tảo hôn, bỏ học giữa chừng… cũng tác động đến công tác giảm nghèo ở vùng….

chi-ngan.jpg
Bà Lô Thị Kim Ngân - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc

Từ thực tiễn đó, đồng chí Nguyễn Như Khôi đề nghị các sở, ban, ngành và các địa phương cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; gắn với chủ động nghiên cứu để đưa ra các giải pháp, biện pháp khắc phục những vấn đề đang đặt ra nhằm tạo bước chuyển tích cực trong thời gian tới đối với công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Lô Thị Kim Ngân đã đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đề nghị Ban Dân tộc tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần đề xuất các giải pháp cụ thể về bố trí vốn và cơ chế huy động vốn, tham mưu xây dựng các nguyên tắc chỉ tiêu phân bổ vốn phù hợp với đặc điểm tình hình và sát với thực tiễn; chỉ đạo, điều hành và quản lý các Chương trình ngày càng hiệu quả, khoa học hơn.

Nguyễn Thị Hồng Sáu

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh