Con Cuông là huyện miền núi vùng cao có 7 dân tộc anh em cùng chung sống gồm: Thái, Kinh, Thổ, Mường, Hoa, Nùng, Khơ Mú, trong đó đại đa số là dân tộc Thái chiếm hơn 70%. Trong thời gian qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp đã thường xuyên quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Trước đó, Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND huyện đã tiến hành khảo sát tại các xã về việc thực hiện công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, qua khảo sát tại các xã và giám sát tại Phòng Văn hoá - Thông tin huyện thấy rằng, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số đã được Phòng chuyên môn và UBND các xã quan tâm, chỉ đạo triển khai đạt được những kết quả tích cực. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã thành lập và duy trì tốt 34 CLB dân ca, dân vũ dân tộc Thái; duy trì và phát triển tốt 04 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận gồm làng nghề dệt thổ cẩm làng Xiềng, xã Môn Sơn, Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm xã Châu Khê, làng nghề rượu cần bản Chòm Muộng xã Mậu Đức, làng nghề rượu men lá xã Đôn Phục; phát triển 05 điểm du lịch cộng đồng tại Bản Nưa, Khe Rạn, Làng Xiềng, Bãi Gao, Nam Sơn; các thiết chế văn hóa của các xã, thôn, bản, khối xóm tiếp tục được đầu tư xây dựng và từng bước hoàn thiện tiến tới đạt chuẩn theo quy định, đến nay toàn huyện có 13/13 xã, thị trấn có nhà văn hóa cộng đồng, 115/115 thôn, bản, khối xóm có nhà văn hóa, có 6/13 xã có thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn, có 80/115 nhà văn hóa thôn đạt chuẩn; các hoạt động văn hóa, văn nghệ được quan tâm tổ chức thường niên tại huyện và xã, trong đó chú trọng việc khôi phục và biểu diễn các làn điệu dân ca, điệu múa, lễ hội như hội Mừng lúa mới, Hội xăng khan, Hội cầu mùa… các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, phát huy như các điệu lăm, khắp, xuôi, nhuôn, sử dụng các nhạc cụ cồng chiêng, khắc luống, nhày sạp ...tiếp tục được quan tâm, khôi phục lại và được diễn xướng tại các không gian Ngày hội văn hóa các dân tộc của xã, của huyện và một số lễ hội khác.Trang phục của đồng bào các dân tộc cũng đang được bảo tồn và duy trì mặc trong các ngày hội, lễ, tết, trong các dịp đặc biệt của thôn, bản, cơ quan, đơn vị, trường học. Nhiều địa phương vẫn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống mang đậm bản sắc của đồng bào dân tộc Thái . Những kết quả đạt được đã thể hiện sự cố gắng, quan tâm, chăm lo của cấp uỷ, chính quyền các cấp và trực tiếp là cơ quan tham mưu Phòng Văn hoá - Thông tin huyện.
Bên cạnh đó, đoàn giám sát cũng quan tâm, trao đổi một số vấn đề như: cần tiếp tục quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa tiếng nói, chữ viết, trang phục, ẩm thực; kiểm kê, thống kê các loại hình văn hoá vật thể, phi vật thể hiện có trên địa bàn để đưa vào quản lý, bảo tồn và phát huy; nâng cao vai trò của nghệ nhân, thế hệ trẻ trong bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; thường xuyên tuyên truyền, tổ chức mở các lớp tập huấn, truyền dạy về văn hoá truyền thống, bồi dưỡng cán bộ, tuyên truyền viên văn hóa. Ngoài ra, việc đưa những giá trị truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn vào chương trình giáo dục địa phương và áp dụng số hóa trong công tác bảo tồn, lưu trữ các giá trị văn hóa, thương mại hoá sản phẩm văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng được đoàn giám sát quan tâm.
Kết luận buổi giám sát, bà Lữ Thị Khuyên - Trưởng Ban Dân tộc HĐND huyện, Trưởng đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, đồng thời đề nghị Phòng Văn hoá - Thông tin huyện cần tham mưu việc phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tạo sự đồng bộ trong hệ thống chính trị, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong việc vận dụng chính sách để phát triển và bảo tồn văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện. Thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng, nhất là phát huy sức mạnh của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; chú trọng đến vấn đề tham mưu, đề xuất xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo vệ không gian văn hóa; bảo tồn văn hóa truyền thống ở các địa phương./.