Ban Chỉ đạo tỉnh Nghệ An về xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thảo luận bước đầu về phương án tổng thể.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc làm việc.
Dự cuộc làm việc có đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo.
CHỦ ĐỘNG RÀ SOÁT, SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH GẮN VỚI XỬ LÝ TÀI SẢN CÔNG, BỐ TRÍ NHÂN SỰ
Nghệ An hiện có 21 đơn vị hành chính cấp huyện (17 huyện, 1 thành phố, 3 thị xã) và 460 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 411 xã, 32 phường và 17 thị trấn). Tại cuộc làm việc, UBND tỉnh Nghệ An trình xin ý kiến của Ban Chỉ đạo tỉnh về phương án sắp xếp.
Trong đó, ở cấp huyện, thị xã Cửa Lò sáp nhập về thành phố Vinh theo Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh hiện đang xây dựng.
Ở cấp xã qua rà soát, toàn tỉnh có 89 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp (79 xã, 4 phường, 6 thị trấn). Theo phương án được xây dựng, ở cấp xã, toàn tỉnh dự kiến có 105 đơn vị hành chính liên quan đến phương án sắp xếp; trong đó có 75 đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn thuộc diện sắp xếp và 30 đơn vị hành chính đủ tiêu chuẩn liền kề với đơn vị không đủ tiêu chuẩn sắp xếp lại để hình thành 49 đơn vị hành chính mới, giảm 55 đơn vị hành chính.
Tại cuộc làm việc, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung thảo luận, làm rõ các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đặc biệt là liên quan đến các đơn vị đề xuất chưa sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 do có các yếu tố đặc thù hoặc cụ thể hóa định hướng phát triển gắn với thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030 tầm nhìn 2045, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Các đại biểu cũng thảo luận đi đến thống nhất các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo, phương thức thực hiện nhằm triển khai quá trình sắp xếp đạt kết quả cao nhất, đảm bảo sự ổn định, phát triển tại các đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh là quá trình xây dựng phương án sắp xếp tổng thể thì phải chuẩn bị rà soát, chuẩn bị phương án sắp xếp cán bộ, công chức và xử lý tài sản công để khi xây dựng đề án có sự chủ động trong sắp xếp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An đề nghị căn cứ vào phương án sắp xếp, các sở, ngành liên quan tăng cường phối hợp, chỉ đạo với các địa phương để chuyển đổi quy hoạch nhằm thực hiện xử lý tài sản công.
Đồng thời, UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc xử lý trụ sở, tài sản công, trong đó chỉ rõ 3 bước. Trước hết, trong quá trình chờ phương án tổng thể được phê duyệt, các đơn vị cấp huyện, cấp xã lập danh sách và chủ động phương án; tiếp đó trong quá trình phê duyệt đề án sắp xếp của từng đơn vị thì phải phê duyệt kèm theo phương án sắp xếp tài sản công.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cũng cho biết, trong quá trình chờ phê duyệt phương án tổng thể đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát để tạm dừng các công trình xây dựng mới, sửa chữa trụ sở tại các đơn vị cấp xã thuộc diện sắp xếp; khi nào phương án tổng thể được phê duyệt thì mới xem xét thực hiện.
BÁM CƠ SỞ, TẬP TRUNG THỜI GIAN, CÔNG SỨC THỰC HIỆN
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý - Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh nhấn mạnh, cần phải nhận thức chung sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là việc khó, nhạy cảm, tác động sâu đến rất nhiều lĩnh vực như: Cán bộ, công chức và nhân dân, văn hóa, phong tục tập quán địa phương… do đó phải tập trung thời gian, công sức thực hiện.
Cho nên, đồng thời với việc phát huy kinh nghiệm trong sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn trước, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, sau khi được phân công phụ trách theo từng địa bàn, các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh cần bám sát cơ sở, chỉ đạo địa bàn thực hiện, đặc biệt phải phát hiện sớm các vướng mắc, khó khăn để chỉ đạo xử lý kịp thời hoặc báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh xem xét, xử lý.
Đồng thời với việc chuẩn bị phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh thì Ban Chỉ đạo tỉnh, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát, tính toán, chuẩn bị phương án sắp xếp về tài chính, tài sản, cũng như nhân sự.
Trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo tỉnh giao các ban, sở, ngành liên quan của tỉnh đồng hành, phối hợp với các địa phương để thực hiện và phải đảm bảo có các phương án sắp xếp tài sản, nhân sự trong đề án chi tiết.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh cũng chỉ rõ, đối với các địa bàn dự kiến sắp xếp, riêng các công trình đầu tư liên quan đến dân sinh vẫn thực hiện, nhưng các công trình xây dựng mới hoặc sửa chữa trụ sở đã được phê duyệt cần phải tạm dừng.
Về phương án sắp xếp do UBND tỉnh trình, Ban Chỉ đạo tỉnh thống nhất sáp nhập thị xã Cửa Lò và 4 xã của huyện Nghi Lộc về thành phố Vinh theo Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh.
Riêng đối với các đơn vị hành chính cấp xã, Ban Chỉ đạo tỉnh đã thảo luận đi đến thống nhất phương án, cách tiếp cận cụ thể, nhất là đối với những địa phương không đủ tiêu chuẩn theo quy định hoặc những đơn vị sau khi sắp xếp cũng chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định song các huyện đề nghị không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù, hay những địa phương nông thôn nằm trong quy hoạch đô thị đã được phê duyệt nhưng chưa đủ tiêu chuẩn về đơn vị hành chính đô thị cũng được các huyện đề nghị không sắp xếp. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo tỉnh giao UBND tỉnh hoàn thiện để trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét.
Thành Duy