Kết quả thực hiện danh mục công trình, dự án, diện tích thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất tại các nghị quyết của HĐND tỉnh đạt tỷ lệ thấp, kể cả về danh mục dự án cũng như diện tích. Số dự án chưa thực hiện, không có khả năng thực hiện, bị hủy bỏ hoặc chuyển tiếp còn nhiều…

ro-trach-1674949573120.jpg
Đoàn giám sát HĐND tỉnh Nghệ An khảo sát các dự án đang thực hiện trên địa bàn huyện Đô Lương. Ảnh: Thành Cường

Những tồn tại, hạn chế trên được HĐND tỉnh Nghệ An chỉ ra qua giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2021.

Đạt tỷ lệ thấp, kể cả danh mục dự án, diện tích

Cùng với ghi nhận những kết quả đạt được, HĐND tỉnh Nghệ An đã thẳng thắn chỉ ra: công tác tổng hợp, đề xuất danh mục các công trình, dự án trình HĐND tỉnh thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất chưa mang tính dự báo, chưa sát với điều kiện thực tế, chủ yếu tổng hợp, đăng ký theo đề xuất của nhà đầu tư. Phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong tổng hợp, thẩm định hồ sơ công trình, dự án trình HĐND tỉnh thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất cũng như phối hợp trong quá trình theo dõi việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh chưa chặt chẽ, thường xuyên. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất chưa thường xuyên, chủ yếu thực hiện lồng ghép với các nội dung thanh tra khác về quản lý đất đai.

Kết quả thực hiện danh mục công trình, dự án, diện tích thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất tại các nghị quyết của HĐND tỉnh đạt tỷ lệ thấp, kể cả về danh mục dự án cũng như diện tích. Số dự án chưa thực hiện, không có khả năng thực hiện, bị hủy bỏ hoặc chuyển tiếp còn nhiều. Có công trình, dự án đã thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không triển khai thực hiện (như Khu A - Khu công nghiệp Nam Cấm xảy ra tình trạng người dân tái sản xuất). Những công trình, dự án chia lô đất ở để đấu giá tại các địa phương còn xảy ra hiện tượng số lượng công trình, dự án nhiều hơn nhu cầu của thị trường, làm cho tỷ lệ đưa đất vào sử dụng càng thấp.

Khó khăn trong giải phóng mặt bằng

Về nguyên nhân khách quan, theo Đoàn giám sát, do phần lớn các công trình, dự án được HĐND tỉnh thông qua chủ trương thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng là các dự án được đầu tư bằng ngân sách nhà nước (các dự án xây dựng công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, thủy điện, khu tái định cư, cơ sở giáo dục đào tạo, y tế, trụ sở cơ quan tổ chức,...) nhưng nguồn kinh phí để thực hiện còn hạn chế. Chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng có nội dung còn bất cập, sự bổ sung, chỉnh sửa các quy định của pháp luật chưa kịp thời, chưa theo kịp yêu cầu thực tế. Vì vậy, một số công trình, dự án đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư gặp nhiều khó khăn, không thực hiện được.

Cùng với đó, số lượng công trình, dự án được HĐND tỉnh thông qua chủ trương thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất ngày càng nhiều, trong khi số lượng cán bộ, công chức ít nên việc tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra gặp nhiều khó khăn. Do ảnh hưởng của nhu cầu giao dịch, chuyển nhượng đất đai trong thời gian qua không ổn định, nhiều dự án chia lô đấu giá quyền sử dụng đất ở (do UBND cấp xã làm chủ đầu tư để tăng nguồn thu ngân sách cho các địa phương) đã được HĐND tỉnh thông qua nghị quyết nhưng trên thực tế không thực hiện được, dẫn đến số lượng công trình, dự án chưa thực hiện còn nhiều...

Chưa chặt chẽ trong thẩm định năng lực nhà đầu tư

Đặc biệt, nguyên nhân chủ quan của những tồn tại, hạn chế được Đoàn giám sát xác định do trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác quản lý đất đai ở các cấp chính quyền địa phương chưa cao, chưa thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn liên quan. Vì vậy, việc rà soát đề xuất một số công trình, dự án tại cấp huyện chưa bảo đảm điều kiện theo quy định, chưa sát với tình hình thực tế thị trường và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong thẩm định năng lực của nhà đầu tư (đối với các dự án ngoài ngân sách nhà nước) chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng nhiều dự án không triển khai được do nhà đầu tư không có đủ năng lực tài chính. Năng lực của các đơn vị tư vấn trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện còn hạn chế, dẫn đến chất lượng công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa cao, ảnh hưởng đến việc thực hiện các công trình, dự án.

Bên cạnh đó, kinh phí của tỉnh bố trí thực hiện công tác đo đạc lập bản đồ địa chính đất nông nghiệp sau “dồn điền đổi thửa” và đất lâm nghiệp, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh chưa bảo đảm đúng theo Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Kinh phí bố trí phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng các dự án chia lô để đấu giá đất ở tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn.

Thái An