Qua đó, cung cấp những thông tin chính xác, khách quan về những lĩnh vực nhiều cử tri quan tâm để đại biểu nắm bắt, làm căn cứ đặt câu hỏi chất vấn. Các Ban HĐND cần theo dõi, giám sát chặt việc trả lời, có ý kiến phản biện hoặc tham mưu cho Chủ tọa yêu cầu người trả lời làm rõ.

Tăng cường tập huấn, trao đổi kinh nghiệm

Hoạt động chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh Bắc Ninh thời gian qua có nhiều đổi mới theo hướng “hỏi nhanh - đáp gọn”; ngoài phần trả lời của các thành viên UBND được chất vấn, chủ tọa điều hành phiên chất vấn - trả lời chất vấn còn mời thêm Chủ tịch UBND cấp huyện và các cơ quan liên quan cùng tham gia để cung cấp, làm rõ, bổ sung một số thông tin liên quan. Không khí chất vấn sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm, thu hút được cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi.

cung-cap-1654468705641--n1.jpg
Đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Bắc Ninh Khóa XIX

Để nâng cao nhận thức và kinh nghiệm về kỹ năng chất vấn cho đại biểu HĐND, ngoài các lớp tập huấn do Sở Nội vụ tổ chức theo luật định, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử của Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy Ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 6 lớp tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho đại biểu HĐND các cấp. Chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh phối hợp tổ chức tập huấn về kỹ năng cho đại biểu HĐND tỉnh; Thường trực HĐND, lãnh đạo các Ban của HĐND cấp huyện và cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu giúp việc HĐND cấp tỉnh, huyện theo hình thức “cầm tay chỉ việc”. Cử các đại biểu trong Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh trực tiếp tham gia giảng viên, báo cáo viên lại các lớp tập huấn cho các đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã do Sở Nội vụ tổ chức...

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức 4 hội nghị giao ban quý với Thường trực HĐND các huyện, thị, thành phố thảo luận các chuyên đề về: Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND. Qua đó, đánh giá đúng thực trạng việc thực hiện, đồng thời đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND.

Cung cấp thông tin chính xác, khách quan

Tuy nhiên, qua thảo luận rút kinh nghiệm và tiếp thu các ý kiến phản hồi với tinh thần cầu thị, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh đánh giá chất lượng các phiên chất vấn và trả lời chất vấn chưa đồng đều giữa các đơn vị. Còn có một số đại biểu ngại va chạm, thiếu tích cực trong chất vấn hoặc thiếu kỹ năng tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề trong khi chất vấn; khả năng phát hiện các vấn đề trong quá trình chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh chưa cao. Việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng liên quan trong thực hiện các kết luận, kiến nghị sau chất vấn của HĐND tỉnh còn thiếu tính quyết liệt. Cá biệt, có một số kỳ họp hoạt động chất vấn còn nặng về nghe báo cáo đã chuẩn bị trước, việc trao đổi, truy vấn trực tiếp tại kỳ họp còn ít; không khí phiên chất vấn chưa thật sự sôi nổi.

Nguyên nhân theo Thường trực HĐND tỉnh, do việc cung cấp các nguồn thông tin cho đại biểu chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Phần lớn đại biểu hoạt động trong các cơ quan quản lý nhà nước chưa tích cực đặt câu hỏi chất vấn, rất ít đại biểu là thành viên UBND và lãnh đạo cấp huyện đặt câu hỏi đối với người được chất vấn; chủ yếu vẫn dựa vào các đại biểu HĐND chuyên trách, trong khi đại biểu chuyên trách chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số đại biểu HĐND.

Vì vậy, để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình, Thường trực HĐND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh yêu cầu các thành viên Ban HĐND cần nắm chắc những lĩnh vực Ban phụ trách, tổ chức thẩm tra các báo cáo của UBND và các cơ quan chuyên môn chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng công tác giám sát, khảo sát chuyên đề, nhất là những lĩnh vực nổi cộm ở địa phương, lĩnh vực có nhiều ý kiến cử tri quan tâm. Qua đó, cung cấp thông tin chính xác, khách quan về những lĩnh vực nhiều cử tri quan tâm để đại biểu nắm bắt, làm căn cứ đặt câu hỏi chất vấn. Quá trình diễn ra phiên chất vấn, các Ban cần theo dõi, giám sát chặt việc trả lời, có ý kiến phản biện nếu những vấn đề đó thuộc lĩnh vực Ban mình phụ trách hoặc tham mưu cho Chủ tọa để yêu cầu người trả lời làm rõ.

Cùng với đó, bản thân mỗi đại biểu HĐND cần đưa ra những câu hỏi cụ thể, rõ ràng về những vấn đề đông đảo cử tri, Nhân dân quan tâm hoặc vấn đề điển hình của việc thực thi pháp luật của các ngành, các cấp chính quyền. Đại biểu phải nắm thông tin chính xác, trên cơ sở đi thực tế hoặc qua giám sát để lựa chọn vấn đề cử tri quan tâm chất vấn. Quá trình chất vấn đòi hỏi người đại biểu phải có bản lĩnh, tự tin và bản lĩnh, không nể nang, e ngại; tranh luận đến cùng để làm sáng tỏ và tìm ra những giải pháp khả thi.

LÊ HẰNG