bna-xa-thanh-mai-huyen-thanh-chuong-to-chuc-tuyen-truyen-luu-dong-o-tung-khu-dan-cu-anh-mai-hoa-7533.jpg.webp
Xã Thanh Mai (huyện Thanh Chương) tổ chức tuyên truyền cổ động lưu động đến tận các khu dân cư. Ảnh: Mai Hoa

Phát huy dân chủ, tôn trọng ý kiến cử tri

Liên quan đến sáp nhập đơn vị hành chính, có nhiều vấn đề được cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, như về tên gọi xã mới; sử dụng tài sản công, gồm trụ sở xã, trường học, trạm y tế; sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức; những vấn đề phát sinh sau sáp nhập như chuyển đổi giấy tờ và đời sống của người dân sau sáp nhập…

Các địa phương đã chú trọng công tác tuyên truyền để cán bộ, công chức, đảng viên và người dân đồng thuận về phương án sáp nhập. Như ở huyện Thanh Chương, Ban Chỉ đạo huyện giao trách nhiệm cho Ban Tuyên giáo Huyện ủy xây dựng kế hoạch và định hướng các nội dung tuyên truyền gửi về tận từng chi bộ khối, xóm. Huyện giao trách nhiệm từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách vùng, tổ trưởng tổ chỉ đạo cơ sở về họp đảng ủy mở rộng các xã thực hiện sáp nhập để tuyên truyền, đồng thời, lắng nghe ý kiến cơ sở, nhất là về tên gọi, sử dụng cơ sở vật chất sau sáp nhập.

bna-lanh-dao-huyen-thanh-chuong-kiem-tra-quy-trinh-lay-y-kien-cu-tri-tai-xa-xuan-tuong-anh-mai-hoa-5184.jpg.webp
Xã Thanh Dương và xã Xuân Tường dự kiến sáp nhập thành xã Xuân Dương. Công tác lấy ý kiến cử tri về nội dung này đã hoàn tất. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Quan điểm của ban chỉ đạo cấp huyện, ngoài định hướng của huyện, thì tên gọi là danh xưng của các xã sau sáp nhập nên tôn trọng ý kiến của cán bộ, nhân dân các địa phương. Bởi thế, dù định hướng ban đầu của huyện về tên xã sáp nhập Thanh Giang và Thanh Mai là Minh Triều hoặc Tân Dân; tuy nhiên, qua họp Ban Chấp hành Đảng bộ 2 xã đề xuất lấy tên xã Mai Giang. Tương tự, 2 xã Thanh Hòa và Thanh Chi sáp nhập được định hướng xã mới là Vĩnh Thọ, nhưng ban chấp hành 2 xã thảo luận quyết định lấy tên xã Thanh Quả.

ban-mh-7013.jpg.webp
Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Thanh Chương làm đồ hoạ về các xã thuộc diện sáp nhập để tuyên truyền trên mạng xã hội cho cán bộ, nhân dân dễ hiểu và theo dõi. Ảnh: CSCC

Ở xã Thanh Mai, đồng chí Hà Quang Thắng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Công tác tuyên truyền được tiến hành nhuần nhuyễn, từ họp để quán triệt, tuyên truyền trong Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Chấp hành mở rộng, đội ngũ ban chấp hành và cán bộ chủ chốt qua các thời kỳ, đến cán bộ, công chức, đảng viên, bí thư, xóm trưởng, trưởng các đoàn thể. Địa phương cũng thành lập các tổ tuyên truyền lưu động đến tận từng khu dân cư để cổ động người dân nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm tham gia bỏ phiếu lấy ý kiến về đề án sáp nhập xã.

Cùng tuyên truyền tạo thống nhất chung về phương án sáp nhập; các địa phương tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của cử tri, nhân dân tham gia lấy ý kiến cử tri về đề án sáp nhập.

bna-mh21-9693.jpg.webp
Lãnh đạo Phòng Xây dựng chính quyền, Sở Nội vụ và xã Công Thành (huyện Yên Thành) kiểm tra việc lập và niêm yết danh sách cử tri lấy ý kiến tại xóm 9. Ảnh: Mai Hoa

Ông Nguyễn Đình Phùng – Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm 9, xã Công Thành (Yên Thành) cho biết: “Qua tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền xã và chi bộ xóm, bà con nhận thức rõ việc sáp nhập xã không ảnh hưởng gì đến người dân. Ruộng nương mình vẫn làm; cuộc sống vẫn làng trên, xóm dưới đoàn kết; chỉ có thay đổi duy nhất về giấy tờ, nhưng chính quyền cam kết sẽ hỗ trợ tối đa để người dân thực hiện thuận lợi. Bởi vậy, toàn xóm có 293/308 cử tri tham gia lấy ý kiến về sáp nhập xã; trong đó, có 290/308 (đạt 94,2%) cử tri đồng ý về phương án sáp nhập xã Đồng Thành và xã Khánh Thành thành xã Vân Tụ.

Tại xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn, ông Phạm Văn Phú - một người dân sinh sống tại xóm 7 cho biết: Từ chủ trương sáp nhập đến các bước quy trình lấy ý kiến cử tri về đề án sáp nhập xã được địa phương thông tin công khai đến cử tri và nhân dân. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri được tiến hành công khai, dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Kết quả lấy ý kiến cử tri, có 100% cử tri của xóm được chốt danh sách tham gia bỏ phiếu và 100% cử tri đồng ý phương án sáp nhập xã Xuân Lâm và xã Hồng Phong thành xã Xuân Hồng.

bna-cu-tri-xa-xuam-lam-huyen-nam-dan-dien-phieu-lay-y-kien-ve-phuong-an-sap-xep-dom-vi-hanh-chinh-cap-xa-anh-mai-hoa-2097.jpg.webp
Cử tri xóm 7, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn điền phiếu lấy ý kiến về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Nguyễn Hồ Thế - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Xuân Lâm (Nam Đàn) cho biết: Trước khi tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri, xã đã tổ chức hội nghị toàn Đảng bộ để quán triệt đến đảng viên nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia lấy ý kiến cử tri, đồng thời, tuyên truyền, làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận cao của người dân.

Trong ngày tổ chức lấy ý kiến, địa phương tiếp tục phân công cán bộ, công chức bám sát địa bàn để tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát quy trình lấy ý kiến. Theo đó, xã Xuân Lâm có 5.200/5.200, đạt 100% cử tri tham gia bỏ phiếu lấy ý kiến, trong đó, có 99,17% cử tri đồng ý về phương án sáp nhập xã Xuân Lâm và xã Hồng Phong thành xã Xuân Hồng.

bna-mh-xom-4-xa-hung-thinh-1526.jpg.webp
Tôn trọng quyền làm chủ của người dân trong việc lấy ý kiến về phương án sắp xếp đơn vị hành chính; người dân vừa là người trực tiếp bỏ phiếu, vừa là người trực tiếp giám sát quy trình bỏ phiếu. Ảnh cử tri xóm 4, xã Hưng Thịnh (huyện Hưng Nguyên) kiểm tra hòm phiếu lấy ý kiến cử tri. Ảnh: Mai Hoa

Cùng với phát huy dân chủ, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, một số địa phương cũng đã tạo thuận lợi cho người dân lấy ý kiến thông qua tổ chức phát phiếu và lấy ý kiến tại nhà đối với các trường hợp sức khỏe yếu, hoặc bận công việc, hay hoàn cảnh không đến bỏ phiếu tại khu vực tập trung. Riêng huyện Quỳnh Lưu, trong 15 xã đã lấy ý kiến cử tri với tổng 137 tổ lấy ý kiến cử tri đã tiến hành phát phiếu và lấy ý kiến tại từng hộ dân.

92/94 đơn vị hoàn thành việc lấy ý kiến

Đến thời điểm này, ở cả 13 đơn vị cấp huyện có đơn vị hành chính cấp xã phải thực hiện sáp nhập giai đoạn 2023 – 2025 đã tiến hành ý kiến cử tri, với tổng 92/94 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 12/13 đơn vị hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri; trừ huyện Quỳnh Lưu mới hoàn thành ở 15/17 xã, thị trấn (2 xã Quỳnh Đôi và Quỳnh Hậu đang tiếp tục tuyên truyền để tạo đồng thuận của người dân trước khi tổ chức lấy ý kiến).

bna-mh74-811.jpg.webp
Cử tri xóm 7, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn bỏ phiếu lấy ý kiến về phương án sáp nhập xã. Ảnh: Mai Hoa

Kết quả, tỷ lệ cử tri tham gia lấy ý kiến về phương án sáp nhập tại các địa phương khá cao, từ 88,22% đến 100%.

Cụ thể, có 4 địa phương có tỷ lệ cử tri tham gia lấy ý kiến đạt 100%, bao gồm: huyện Diễn Châu có 10/10 xã, thị trấn; thị xã Cửa Lò có 7/7 phường; huyện Nghĩa Đàn có 5/5 xã; huyện Nam Đàn có 4/4 xã.

Tiếp đó, lần lượt các huyện Quỳnh Lưu có 14/15 xã, thị trấn đạt tỷ lệ cử tri tham gia lấy ý kiến; huyện Thanh Chương có 12/16 xã, thị trấn; huyện Yên Thành có 8/14 xã, thị trấn; huyện Tân Kỳ có 3/4 xã; Hưng Nguyên có 3/6 xã; huyện Đô Lương có 1/2 xã; huyện Anh Sơn có 1/3 xã…

bna-mh-xom-xt-3044.jpg.webp
Tổ lấy ý kiến cử tri xóm Xuân Tường, xã Xuân Tường (huyện Thanh Chương) phát biểu lấy ý kiến cho cử tri. Ảnh: Mai Hoa

Kết quả lấy ý kiến với tỷ lệ cử tri đồng ý về phương án sáp nhập tại 92 xã, phường, thị trấn đã được lấy ý kiến; thấp nhất là 61,5% và cao nhất là 100%.

Theo quy định tại Điều 132, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015: “Sau khi lấy ý kiến cử tri về việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, nếu có trên năm mươi phần trăm (50%) tổng số cử tri trên địa bàn tán thành thì cơ quan xây dựng đề án có trách nhiệm hoàn thiện đề án và gửi Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính có liên quan để lấy ý kiến”.

Như vậy, chiếu theo quy định tại Điều 132, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, kết quả lấy ý kiến cử tri tại 92 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đạt trên 50% quy định; từ 61,5% đến 100%.

Kết quả đồng thuận thống nhất cao của cử tri về phương án sắp xếp là cơ sở pháp lý quan trọng để Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện và tỉnh lần lượt tổ chức họp thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 thuộc thẩm quyền trước khi trình Trung ương thẩm định, phê duyệt để thực hiện. Hiện nay, các địa phương đang tập trung tổ chức kỳ họp HĐND cấp xã và huyện để xem xét, thông qua nghị quyết về việc đề nghị tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.

Mai Hoa