Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Để củng cố và tăng cường chính quyền, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Chủ tịch Chính phủ lâm thời đặt ra là "xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức".

upload%5C05012024182117%5C182118_CPLT.jpeg
Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945). Ảnh: Tư liệu THQHVN.

Chỉ một ngày sau, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị: “Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo, dòng giống v.v..”.

Ngày 8/9/1945, Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội được Chủ tịch Chính phủ Lâm thời ký ban hành. Ngày bầu cử trong cả nước được ấn định là 23/12/1945.

Không khí Tổng tuyển cử náo nức, sôi nổi từ Bắc chí Nam. Các ban bầu cử đã được thành lập tới tận làng xã do các ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp đảm nhiệm. Báo chí đăng tải hằng ngày thông tin cổ động Tổng tuyển cử. Ban đầu, các đảng phái đối lập (Việt Nam Quốc dân đảng, Việt Nam Cách mạng đồng minh hội) tẩy chay cuộc Tổng tuyển cử với lý do trình độ dân trí nước ta còn thấp, nhưng sau đó họ đã phải ủng hộ Tổng tuyển cử.

upload%5C05012024182230%5C182230_Thumd_61.jpg
Khẩu hiệu cổ động: Bầu cử Quốc hội là yêu nước. Ảnh: Tư liệu THQHVN.

Để họ có thêm thời gian ra ứng cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh lùi ngày Tổng tuyển cử đến 06/01/1946. Các địa phương đã chuẩn bị xong xuôi sẽ tiến hành bầu cử vào ngày 23/12/1945, trong khi ở các tỉnh phía Nam, do lệnh hoãn không đến kịp, nên Tổng tuyển cử vẫn tiến hành như kế hoạch đã định trước: Ngày 23/12/1945.

Nơi “Thành đồng Tổ quốc”, trừ những vùng thực dân Pháp chưa đánh tới, cuộc bầu cử diễn ra bình thường, còn vùng địch chiếm đóng, cuộc bầu cử phải thực hiện dưới làn đạn bom khốc liệt của quân xâm lược. Đi bỏ phiếu bầu Quốc hội là thể hiện ý chí độc lập dân tộc, chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Vì vậy, nhân dân miền Nam đi bỏ phiếu rất đông, bất chấp bom rơi đạn nổ. Tại nhiều khu vực bỏ phiếu, nhân dân miền Nam đã phải đổi cả xương máu để thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình.

Tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà), Pháp dùng máy bay ném bom khủng bố nhân dân, làm 4 người chết, trong đó, có một em nhỏ 2 tuổi và 12 người bị thương. Nhưng dân chúng vẫn bình tĩnh đi bỏ phiếu. Tại làng Phước Thành, nơi bị địch ném bom, số cử tri đi bỏ phiếu vẫn tới trên 90%. Có chiến sĩ bỏ phiếu ở ngay trận tuyến, người bị thương bỏ phiếu ở ngay bệnh viện.

upload%5C05012024181659%5C181700_Ton_That_Vy_cd.jpeg
Đại biểu Quốc hội Tôn Thất Vỹ (1914 - 2002). Ảnh: Tư liệu THQHVN.

Nửa thế kỷ sau, cụ Tôn Thất Vỹ (tức Nguyễn Minh Vỹ) - Đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Khánh Hòa còn xúc động: “Tôi nhớ những cử tri Khánh Hoà - Nha Trang đã bỏ phiếu cho tôi trong ngày 6/1/1946, ngày đầu chiến tranh, dưới bom đạn quân thù. Những cử tri ấy, một số đã hy sinh, với tấm thẻ cử tri và lá phiếu trong tay, họ đã làm tròn nghĩa vụ vinh quang và thiêng liêng của người công dân đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

Tại Tây Nguyên, ngay trước ngày Tổng tuyển cử (4/1/1946), thực dân Pháp đã dùng máy bay ném bom lửa xuống 3 làng Ra Đê để khủng bố dân chúng. Hôm sau, chúng lại tấn công vào một làng Ra Đê khác cách Buôn Ma Thuật 19km, nhưng cuộc bầu cử vẫn được tiến hành. Một thanh niên 24 tuổi đương chức Phó Chủ tịch UBND lâm thời tỉnh Đắk Lắk mang tên Y-Ngông Niek’Đăm trúng cử. Suốt 50 năm làm Đại biểu Quốc hội, ông vẫn nhớ cuộc bầu cử đầu tiên: “Có nơi bị địch bắn phá, cán bộ và cử tri có người chết nhưng hòm phiếu vẫn được bảo vệ… suốt đời không quên được những tình cảm, mong ước và sự tín nhiệm của nhân dân các dân tộc quê mình nói riêng và Tây Nguyên cùng cả nước nói chung đối với tôi…”.

upload%5C05012024181659%5C181700_Y_ngong.jpg
Đại biểu Quốc hội Y-Ngông Niek’Đăm (1922 - 2001). Ảnh: Tư liệu THQHVN.

Tại Sài Gòn - Chợ lớn, Tổng tuyển cử diễn ra dưới sự lùng ráp khủng bố gay gắt của thực dân Pháp. Hàng trăm cán bộ chính quyền, đoàn thể, chiến sĩ làm công tác tuyển cử đã chia ra các ngả, bám sát từng khu phố, từng xóm lao động, từng người dân để lập danh sách cử tri, tuyên truyền vận động bầu cử. Để bảo vệ hòm phiếu trong ngày bầu cử, 42 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh, trong đó có ông Nguyễn Văn Tư, cán bộ công đoàn. Cử tri Sài Gòn - Chợ Lớn đã chọn nhiều đại biểu của mình vào Quốc hội như: Cụ Tôn Đức Thắng - người chiến sĩ kéo cờ phản chiến trên chiến hạm Pháp ở Hắc Hải; ông Huỳnh Văn Tiểng - cựu sinh viên Đại học Đông Dương; ông Kiều Tấn Lập - Giám đốc Sở Công an Nam Bộ…

upload%5C05012024181659%5C181700_Thumd__Phong_bo_tham_.jpeg
Phòng bỏ thăm (hòm phiếu bầu cử) tại Sài Gòn - Chợ Lớn. Ảnh: Tư liệu THQHVN.

Tại tỉnh Cần Thơ, sáng sớm, giặc Pháp đã vào làng Mỹ Hoà lùng sục khắp nơi, bắn chết 13 người, nhưng đến chiều vẫn có 1.927 cử tri /hơn 2.500 cử tri đi bỏ phiếu. Làng Đông Thành (quận Trà Ôn) có 2.188 cử tri, buổi sáng, máy bay địch đến đánh phá, đến chiều, vẫn có tới 1.827 người đi bỏ phiếu. Cử tri tỉnh Cần Thơ đã lựa chọn các đại biểu Trần Ngọc Danh (em ruột Tổng Bí thư Trần Phú); kỹ sư Nguyễn Đăng - Tham mưu trưởng Khu 8,… bầu vào Quốc hội.

Các tỉnh phía Nam đều tiến hành cuộc bầu cử, trong đó nhiều tỉnh còn đạt số cử tri đi bầu rất cao: Sa Đéc: 93,54%, Bạc Liêu: 90,77%. v.v.. Những “lá phiếu máu” ghi dấu lịch sử cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên.