hoi_dong_-_dc_vinh_20211207092728.jpg Đồng chí Lê Hồng Vinh - Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

6 kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2021

Năm 2021, Nghệ An bước vào nhiệm kỳ mới trong bối cảnh rất nhiều thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Tuy nhiên với quyết tâm, nỗ lực lớn của hệ thống chính trị và nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 đạt được một số kết quả khá tích cực.

Cùng với việc tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các cấp, các ngành đã chủ động, tích cực và kịp thời triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chủ động đề xuất và tích cực phối hợp các cơ quan trung ương trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng để thực hiện đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, nỗ lực rất cao trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu chống dịch như y tế, quân sự, công an, biên phòng, các lực lượng cơ sở...

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2021 ước đạt 6,2%. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 5,59%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 13,59% (riêng công nghiệp ước tăng 18,79%); khu vực dịch vụ ước tăng 1,26%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,53%.

khu_cong_nghiep_20211207093546.jpg Năm 2021, tỉnh Nghệ An đã cấp mới cho 106 dự án, điều chỉnh 118 lượt dự án, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng trên 28.000 tỷ đồng.

Thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến. Công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được quan tâm chỉ đạo. Tính đến ngày 30/11/2021, đã cấp mới cho 106 dự án, điều chỉnh 118 lượt dự án, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 28.072 tỷ đồng, tăng 41,3% về số lượng dự án và gấp 2,9 lần số vốn đầu tư đăng ký so cùng kỳ năm 2020. Thành lập mới 2.323 doanh nghiệp, tăng 6,7% cùng kỳ; có 799 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 183 doanh nghiệp so với cùng kỳ 2020.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, nhất là tập trung triển khai thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Công tác tổ chức đón công dân Nghệ An từ vùng dịch trở về đảm bảo an toàn, chu đáo. Giải quyết việc làm cho khoảng 38.850 người; tỷ lệ hộ nghèo ước giảm còn 2,74%... Các hoạt động giáo dục, đào tạo, văn hoá, thể thao... kịp thời thích nghi với điều kiện dịch bệnh.

Công tác cải cách hành chính, quản lý nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tích cực chỉ đạo thực hiện năm “Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính”. Thực hiện phương châm: “Nhanh - Đúng - Hiệu quả” trong tham mưu, giải quyết các TTHC cho người dân và doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước được đẩy mạnh; việc khai thác các dịch vụ công trực tuyến hiệu quả hơn... Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) và Cải cách hành chính (PAR index) được cải thiện về điểm số và thứ hạng, thể hiện nỗ lực của các cấp chính quyền trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh.

Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Tổ chức tốt công tác diễn tập khu vực phòng thủ. Thực hiện tốt công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu kiện của nhân dân...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh cũng nêu những khó khăn, tồn tại. Cụ thể:

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tác động ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động sản xuất, kinh doanh; nhiều ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch, vận tải… Nhiều doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng, tạm ngừng kinh doạnh, tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.

Tiến độ thực hiện của một số dự án, nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm so với yêu cầu. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, nhất là nguồn vốn nước ngoài.

Việc làm, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng công dân trở về địa phương lớn, tạo áp lực trong kiểm soát cách ly, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực vẫn còn bất cập, vẫn còn xảy ra tình trạng chặt phá rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép. Cải cách hành chính mặc dù đã được chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra.

10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Tuy nhiên dự báo việc thực hiện kế hoạch tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp. Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022 được xác định:

Tập trung thực hiện có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai hiệu quả kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.

Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 36 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; nghiên cứu đề xuất bổ sung cơ chế, chính sách mới phù hợp để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới cho giai đoạn tiếp theo.

Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư; tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các thủ tục về luật pháp, giải phóng mặt bằng, đất đai,...

tp_sua_2_20211207093211--n1.jpg

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, bố trí nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên đầu tư hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt là các nút thắt như cảng biển, sân bay...; quan tâm đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các dự án hạ tầng trọng điểm có tính kết nối và lan tỏa phát triển...

Thực hiện tốt các lĩnh vực văn hoá - xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội.

Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường sống; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trong thực hiện cải cách hành chính, thực thi đạo đức công vụ ở các cấp, các ngành. Thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng Chính quyền điện tử. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục chuẩn bị và tổ chức tốt diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh. Triển khai có hiệu quả Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2022.

Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách để tạo sự đồng thuận cao và phát huy sức mạnh của toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Hiến Chương - Thuỳ Dương - Hữu Hoàng