dba187eba4616f3f3670.jpg
Ông Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh kết luận nội dung chất vấn về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản. Ảnh: Thành Cường

Ông Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trực tiếp điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đã có 10 đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi chất vấn. Các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu các câu hỏi chất vấn đúng trọng tâm những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra liên quan đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; khai thác có phép nhưng sai thiết kế, vượt công suất, trữ lượng hoặc khai thác thêm ngoài vùng quy hoạch được cấp phép. Đó còn là nhưng hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản; hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra chưa cao và biện pháp chống tái vi phạm sau thanh tra, kiểm tra; tình trạng thất thu thuế và giải pháp để chống thất thu thuế trong lĩnh vực khoáng sản. Ngoài các vấn đề chung, một số đại biểu cũng đặt ra một số câu hỏi liên quan đến quản lý và khắc phục một số hạn chế, bất cập trong khai thác ở một số khu vực, điểm mỏ cụ thể trên địa bàn tỉnh. Giám đốc các Sở Tài nguyên - Môi trường, Công an tỉnh và Cục trưởng Cục Thuế tỉnh đã lần lượt trả lời những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của mình.

ong-nguyen-the-tung-ca-tinh.jpg
Thiếu tướng Phạm Thế Tùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh làm rõ một số vấn đề về phát huy vai trò của lực lượng công an xã trong đấu tranh với khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh: Thành Cường

Kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản, ông Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho rằng, không khí chất vấn diễn ra sôi nổi, các Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, Công an tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh nắm chắc tình hình, thực trạng vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, trả lời đầy đủ, thẳng thắn và thỏa đáng các vấn đề được đại biểu nêu, đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp cho thời gian tới.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản vẫn còn những tồn tại, hạn chế ở một số nội dung. Như công tác quy hoạch khoáng sản còn bất cập, nhất là quy hoạch khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường; tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong Nhân dân; công tác thanh tra, kiểm tra thiếu thường xuyên. Một số quy định trong hoạt động khoáng sản không còn phù hợp nhưng chưa được cập nhật, bổ sung, thay thế.

6c2665df46558d0bd444.jpg
Ông Hoàng Quốc Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn về hoạt động khai thác khoáng sản. Ảnh: Thành Cường

Những tồn tại, hạn chế đó, ngoài nguyên nhân khách quan thì có nguyên nhân chủ quan do một số ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác. Còn có hiện tượng né tránh trong việc xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Thực tiễn cho thấy, địa phương nào mà cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện quyết liệt, thì ở đó không có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Để làm tốt công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản thời gian tới, ông Nguyễn Nam Đình - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện 5 nội dung trọng tâm:

08c75f787cf2b7aceee3.jpg
Ông Nguyễn Văn Hải, đại biểu huyện Con Cuông đăng ký chất vấn

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo, kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về quản lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản đến tất cả các ngành, các cấp, địa phương trong toàn tỉnh; rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định có liên quan phù hợp với thình hình thực tế của tỉnh, nhất là đối với khoáng sản chưa được quy hoạch khai thác hoặc chưa được cấp phép khai thác.

Thứ hai, rà soát tổng thể các khu vực khoáng sản đủ điều kiện trên địa bàn toàn tỉnh để tích hợp vào quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030; tập trung vào các loại khoáng sản phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh như đất san lấp, cát sỏi, đá xây dựng. Cần hạn chế bổ sung quy hoạch, cấp phép các loại khoáng sản quặng thiếc, đá trắng các loại và khoáng sản quý khác.

ba-nguyen-thi-thuy-an-dai-bieu-huyen-anh-son-chat-van.jpg
Bà Nguyễn Thị Thúy An, đại biểu huyện Anh Sơn chất vấn

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và xử lý cấp phép khai thác khoáng sản theo hướng phân cấp cho địa phương, rút ngắn, xử lý nhanh nhất, thuận tiện nhất các thủ tục về hoạt động khoáng sản cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với các mỏ đất san lấp khai thác, phục vụ cho Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An; đối với khu vực đã được khai thác, tổ chức đấu giá, cần khẩn trương, quyết liệt đôn đốc các đơn vị trúng thầu (đặc biệt mỏ đất làm vật liệu san lấp) làm thủ tục cấp giấy phép khai thác để cung cấp vật liệu cho dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, các dự án khu công nghiệp VSIP, WHA, các dự án thu hút đầu tư của tỉnh và nhu cầu xây dựng hạ tầng ở các địa phương.

bna_669901761163_8122021.jpg
Toàn cảnh phiên chất vấn

Thứ tư, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản; tăng cường phối hợp trong công tác quản lý giữa các cơ quan, ban ngành, địa phương; quan tâm kiểm soát hoạt động khai thác hút cát sỏi trên sông, nhất là vùng giáp ranh giữa các xã, các huyện trong tỉnh và địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, buông lỏng quản lý; chú trọng công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc trách nhiệm chính của UBND cấp huyện, cấp xã.

Thứ năm, chuẩn bị phối hợp, làm việc với Đoàn Giám sát chuyên đề về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh của HĐND tỉnh, theo kế hoạch sẽ diễn ra trong 6 tháng cuối năm 2022.

Minh Hà