Một góc trung tâm thị trấn huyện Yên Thành

Xác định đó là thành công quan trọng bước đầu bởi nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới mang tính trọng tâm, toàn diện và lâu dài, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Yên Thành không ngừng củng cố, nâng cao chất lượng, tiêu chí phát triển nông thôn. Trở thành huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, Yên Thành có diện tích, sản lượng lúa chiếm 1/7, tổng đàn chăn nuôi chiếm 1/10 của cả tỉnh. Không chỉ về số lượng, chất lượng sản xuất nông nghiệp của Huyện đã có những bước chuyển biến tích cực. Trong trồng trọt đã hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại; lâm nghiệp từng bước chuyển từ khai thác rừng gỗ dăm sang trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, chăm sóc và bảo vệ rừng, phát triển rừng gỗ lớn. Các tiến bộ kỹ thuật mới đã được áp dụng vào sản xuất góp phần giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa và giá trị gia tăng. Đến nay, Huyện đã xây dựng được gần 300 mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; có nhiều sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP; 34 sản phẩm được công nhận OCOP (trong đó có 02 sản phẩm đạt 4 sao, 32 sản phẩm đạt 3 sao). Đặc biệt, cam Thiên Sơn là sản phẩm đầu tiên của Nghệ An đã đạt chứng chỉ xuất khẩu toàn cầu GLOBALGAP.

Thu hoạch cam ở xã Đồng Thành; Làng nghề làm miến gạo; Mô hình chăn nuôi ở xã Minh Thành; Trồng hoa cảnh ở thị trấn Yên Thành.

Điểm sáng nổi bật về sản xuất nông nghiệp và thu hút đầu tư của Huyện là từ đầu năm 2023, Nhà máy chế biến nông sản chất lượng cao đã đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả cao trong liên kết thu mua, chế biến sản phẩm. Vụ Xuân năm 2023, Nhà máy đã thu mua 11.000 tấn, liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm được gần 200 ha. Song song với đó, phát huy nội lực, các hợp tác xã trên địa bàn Huyện tiếp tục đổi mới, hoạt động ngày càng đi vào chiều sâu. Nhiều hợp tác xã đã áp dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt là trên lĩnh vực ngành hàng chủ lực như Hợp tác xã NNDVTH Thọ Thành, Hợp tác xã NN Liên Thành, Hợp tác xã NN và PTNT Văn Thành, Hợp tác xã NNDVTH Hoa Thành...

Nhà văn hoá xóm ở xã Tăng Thành được đầu tư đồng bộ

Phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới lan tỏa rộng khắp, thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Huyện năm 2022 đạt 10,01%, quy mô kinh tế thuộc tốp đầu của tỉnh, thu nhập bình quân đầu người đạt 59 triệu đồng/người/năm. Hết năm 2022, Huyện có 12/38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, chiếm 31,58% tổng số xã toàn huyện và chiếm 22,64% tổng số xã nông thôn mới nâng cao của toàn tỉnh.

Yên Thành thu hút lĩnh vực may mặc (Nhà máy may Nhật Bản)

Phát huy tiềm năng, lợi thế, đồng thời tạo sự đột phá trong phát triển, Huyện đã xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt 02 Đề án lớn có ý nghĩa quan trọng: Đề án xây dựng huyện Yên Thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đến năm 2025 và định hướng xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2030 (phê duyệt tại Quyết định số 166/QĐ-UBND ngày 18/01/2023) và Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và tiêu thụ trên địa bàn huyện Yên Thành đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (phê duyệt tại Quyết định số 192/QĐ-UBND ngày 19/01/2023). Hai Đề án này có tính kết nối, làm tiền đề cho nhau. Trên cơ sở tập trung vào các sản phẩm chủ lực, có lợi thế, Huyện định hướng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đến năm 2030 về sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái ứng dụng công nghệ cao có nền sản xuất phát triển, tạo ra sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ ổn định; xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh; gắn phát triển nông nghiệp với chế biến, bảo quản và phát triển du lịch sinh thái; tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế nông nghiệp; nâng cao thu nhập cho người dân; phấn đấu đến năm 2030, giá trị thu nhập của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 45 - 50% giá trị thu nhập của ngành nông nghiệp toàn huyện.

Hiến đất và tài sản để làm đường giao thông nông thôn ở Bắc Thành; Ra quân làm đường giao thông và thủy lợi nội đồng; Đường hoa ở xã Sơn Thành

Để đạt mục tiêu đề ra, ngoài tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới như: Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND, Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết số 25/2020/NQ-HĐND, Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND, huyện Yên Thành đã được Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết riêng, tạo điều kiện thuận lợi về nguồn lực - Nghị quyết số 04/2023/NQ-HĐN D ngày 07/7/2023 quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Thành giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, Yên Thành được hưởng 03 chính sách đặc thù: (1) Hỗ trợ phần ngân sách tỉnh hưởng từ tiền sử dụng đất của 02 dự án bất động sản trên địa bàn Huyện, tạo nguồn đầu tư cho các dự án, công trình trọng điểm, dự kiến 488,605 tỷ đồng; (2) Hỗ trợ 6.000 tấn xi măng/năm từ 2023 - 2025 để đầu tư các công trình về giao thông, thủy lợi trên địa bàn Huyện, dự kiến 10,14 tỷ đồng/năm; (3) Hỗ trợ 100% phần ngân sách tỉnh hưởng từ tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa của các cơ quan, đơn vị phải nộp do thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang sử dụng đất phi nông nghiệp từ năm 2024 - 2030, dự kiến 20 tỷ đồng/năm.

Với sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân và với tầm nhìn, chiến lược bài bản, chính sách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, tin tưởng rằng tiếp sau huyện Nam Đàn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025, huyện Yên Thành sẽ về đích, đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2030./.

Cánh đồng lúa Yên Thành