Y tế ngoài công lập đứng thứ 4 cả nước
Thời điểm này, Nghệ An có 3.720 cơ sở y tế ngoài công lập đã được cấp giấy phép hoạt động. Trong số này có 15 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa. Bệnh viện ngoài công lập tập trung lớn tại thành phố Vinh (9 bệnh viện), huyện Quỳnh Lưu (2 bệnh viện)... Tổng số giường bệnh của 15 bệnh viện là 1.861 giường, chiếm gần 10% số giường bệnh kế hoạch của toàn tỉnh.
Những năm qua, các bệnh viện ngoài công lập ngày càng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Nhiều bệnh viện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực theo hướng đồng bộ, hiện đại và triển khai được nhiều kỹ thuật chuyên sâu. Bệnh viện ngoài công lập không chỉ giúp hệ thống y tế công lập giảm tải, mà còn cạnh tranh trực tiếp trong việc thu hút bệnh nhân.
Đơn cử, Bệnh viện Đa khoa Quang Thành và Minh An ở huyện Quỳnh Lưu đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao ngang tầm với các bệnh viện công lập. Bác sĩ Đậu Phi Nam - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Minh An cho biết: Bệnh viện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật cao như phẫu thuật chuyển da, cơ che phủ; nội soi tán sỏi niệu quản; chạy thận nhân tạo chu kỳ; phẫu thuật cắt u thành bụng; phẫu thuật nội soi vá màng nhĩ; phẫu thuật nội soi cắt tử cung; nội soi chuẩn đoán ung thư sớm thực quản, dạ dày, tá tràng; nội soi trực tràng; siêu âm tim mạch.
Trong năm 2023, số lượng bệnh nhân khám, điều trị ở các bệnh viện công lập và bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu là tương đương nhau: Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu có 81.952 lượt người khám chữa bệnh; Bệnh viện Đa khoa Quang Thành có 89.136 lượt khám chữa bệnh; Bệnh viện Đa khoa Minh An có 73.697 lượt khám chữa bệnh.
Tại huyện Yên Thành, số giường bệnh của Bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn chỉ bằng 11,9%, song số lượt khám chữa bệnh lại bằng 58% số lượt khám chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa Yên Thành. Còn ở thị xã Hoàng Mai, số lượt khám chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi vượt hẳn so với Trung tâm Y tế thị xã Hoàng Mai và Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quỳnh Lập.
Năm 2023, ngành Y tế Nghệ An tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế thì các bệnh viện ngoài công lập đạt mức điểm bình quân 3,53 điểm (cao nhất là 4,4, thấp nhất là 2,79). Trong khi đó điểm trung bình chung của các cơ sở khám, chữa bệnh công lập đạt 3,42 điểm (cao nhất là 4,4; thấp nhất là 2,7).
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Hoa – Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hệ thống cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng; quy mô đứng thứ 4 cả nước; dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng... Nghệ An hiện đang tiếp tục kiến nghị với Bộ Y tế phê duyệt bổ sung giường kế hoạch cho bệnh viện ngoài công lập khi đủ điều kiện theo quy định; khuyến khích phát triển các cơ sở ngoài công lập tại các huyện miền núi.
Áp lực thúc đẩy y tế công lập phát triển
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghệ An đã và đang nỗ lực thu hút nhiều tổ chức đầu tư lớn trong lĩnh vực y tế; phấn đấu tổng số giường bệnh của bệnh viện ngoài công lập bằng 15% so với tổng số giường bệnh vào năm 2025.
Từ năm 2019 đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án xây dựng, mở rộng các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa ngoài công lập với tổng số vốn đăng ký là 912,42 tỷ đồng. Đến nay, các dự án này đang trong giai đoạn thực hiện. Dự kiến, đến năm 2025, Nghệ An có thêm 4 bệnh viện ngoài công lập đi vào hoạt động. Đến năm 2030, có thêm ít nhất 3 bệnh viện ngoài công lập được thành lập mới đi vào hoạt động, nâng tổng số bệnh viện ngoài công lập trên địa bàn lên 22 bệnh viện.
Sự phát triển của bệnh viện ngoài công lập đang tạo nên áp lực lớn lên các bệnh viện công lập. Trong cạnh tranh giữa 2 loại hình này, mỗi loại hình lại có ưu thế riêng. Bệnh viện công có lợi thế về mặt thương hiệu, chuyên môn kỹ thuật, chi phí điều trị. Bệnh viện ngoài công lập đang vượt trội về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; đáp ứng cơ bản về cung thuốc, vật tư, hóa chất; sự chủ động trong việc thu hút nguồn nhân lực; khả năng cung ứng dịch vụ; khả năng tiếp cận và đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Bà N.T.L, 69 tuổi, ở thành phố Vinh nhận xét: "Tôi vẫn thường đi khám ở cả bệnh viện công lập và bệnh viện ngoài công lập. Ở bệnh viện công, tôi thấy khá mất thời gian song bác sĩ có chuyên môn tốt, chi phí điều trị rẻ. Ở bệnh viện ngoài công lập, khâu đón tiếp, khám bệnh rất chu đáo, nhanh gọn, tuy nhiên giá dịch vụ cao hơn. Mỗi nơi đều có ưu, nhược điểm riêng. Tôi vẫn mong bệnh viện công lập có sự phát triển hơn bởi không phải ai cũng có đủ điều kiện kinh tế để khám, điều trị ở bệnh viện ngoài công lập".
Bác sĩ Lê Văn Hoàn – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu cho rằng: Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thu hút nguồn nhân lực ở bệnh viện công lập còn hạn chế. Đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất còn nhiều vướng mắc. Bệnh viện công lập có khá nhiều “thiệt thòi” do những vướng mắc từ cơ chế mang lại.
Đơn cử, Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu vẫn thiếu trang thiết bị để triển khai các kỹ thuật cao như máy chụp CT, máy xét nghiệm huyết học, siêu âm, máy phục vụ phẫu thuật, hệ thống nội soi. Có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế do không đấu thầu được như thuốc cấp cứu, thuốc tim mạch, vật tư thuộc lĩnh vực chấn thương chỉnh hình và nha khoa.
"Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Lưu sẽ phải cố gắng đầu tư, phát huy thế mạnh mũi nhọn; cải tạo cơ sở vật chất; nâng cao tinh thần thái độ phục vụ... Bên cạnh sự cố gắng tự thân thì bệnh viện công lập đặc biệt ở tuyến huyện rất cần sự hỗ trợ nguồn lực từ các cấp, ngành để đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất", bác sĩ Lê Văn Hoàn chia sẻ.
Hệ thống bệnh viện ngoài công lập đang có nhu cầu tuyển dụng nhân lực trình độ cao, chuyên môn sâu và có chứng chỉ hành nghề; sẵn sàng đưa ra mức thu nhập cao để thu hút. Trong khi đó, bệnh viện công lập lại không có cơ chế để giữ chân, trọng dụng. Đây chính là yếu tố làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các bệnh viện công lập, đặc biệt là tuyến huyện.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Trường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh kiến nghị: Theo quy định hiện hành của Bộ Y tế, giá dịch vụ khám chữa bệnh ở bệnh viện công lập mới tính 4/7 yếu tố kết cấu giá dịch vụ (trong khi ở bệnh viện ngoài công lập tính đủ 7/7). Nhà nước cần nhanh chóng tính đúng, tính đủ giá dịch vụ để các bệnh viện công lập có thêm nguồn lực để giữ chân nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, từng bước giảm chi từ tiền túi của người dân./.