Tại hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư vào tỉnh Nghệ An được tổ chức vào năm 2021, Chủ tịch UBND Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung từng nhận định, trong xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Nghệ An được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, hấp dẫn với các lợi thế có sẵn như diện tích tự nhiên lớn, nhân lực có tay nghề dồi dào; hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ có cả đường bộ, đường sắt, hàng không, đường biển và đường thuỷ nội địa.

Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng GRDP của Nghệ An vẫn tăng trưởng 6,2%. Đây cũng là mức tăng trưởng đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và thứ 22 của cả nước.

Trong đó, mức tăng chung của toàn tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 5,59%. Công nghiệp và xây dựng tăng 13,59%, dịch vụ tăng 1,26%. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thuỷ sản ước đạt hơn 263.000 tấn. Về chỉ số công nghiệp năm 2021 tăng 16,01% so với cùng kỳ năm trước.

screenshot-2022-02-08-171439-16443152952861236186291.png

Tăng trưởng GRDP của Nghệ An giai đoạn 2017-2021. Nguồn: Cục Thống kê tỉnh

Về thu ngân sách năm 2021, toàn tỉnh thu được khoảng 18.000 tỷ đồng, đạt 128,6% dự toán điều chỉnh và bằng 101,2% so với năm 2020. Tỉnh đã cấp mới cho 115 dự án, điều chỉnh 147 lượt dự án, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm hơn 39.300 tỷ đồng; số lượng dự án tăng 41,97%, tổng mức đầu tư tăng 3,16 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 3 tỷ USD, riêng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,7 tỷ USD, dự kiến đạt trên 1,9 tỷ USD. Trong khi, mục tiêu của năm 2021 là 1,25 tỷ USD, mục tiêu đến năm 2025 là 1,765 tỷ USD.

Hiện nay, nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn đã đến tìm hiểu đầu tư tại tỉnh Nghệ An như Công ty CP Đầu tư Xây dựng Vịnh Nha Trang, Tập đoàn APEC, Tập đoàn Huali, Tập đoàn Mobifone, Tập đoàn Zuru, Tập đoàn Viettel, Công ty CP Đầu tư Vinh Central, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn AEON Mall...

Luỹ kế đến hết 20/1/2022, Nghệ An có 107 dự án có hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD, đứng thứ 39 cả nước. Trong đó, có một số tập đoàn lớn đến từ Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế tạo, điện tử với những thương hiệu lớn như Luxshare - ICT, Goertek, Everwin, Ju Teng.

Tỉnh Nghệ An xác định, việc thu hút đầu tư phải được triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với các cực thu hút đầu tư là Khu kinh tế Đông Nam và các Khu công nghiệp, trong đó ưu tiên 3 khu công nghiệp gồm: VSIP Nghệ An (Tập đoàn VSIP), Khu công nghiệp WHA Industrial Zone 1 (WHA IZ 1) - Nghệ An (Tập đoàn Hemaraj Thái Lan) và Hoàng Mai I (Tập đoàn Hoàng Thịnh Đạt). Cả 3 khu công nghiệp được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại này sẽ là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng.

Một số dự án có quy mô lớn được cấp mới như Nhà máy Cấu kiện điện tử Everwin tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An (200 triệu USD); Khu công nghiệp Hoàng Mai 1; điều chỉnh mở rộng giai đoạn II Khu công nghiệp WHA thêm 354,5 ha…

Mới đây, dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện của Tập đoàn Goertek (Hong Kong, Trung Quốc) tại Khu công nghiệp WHA ở Nghệ An được điều chỉnh tăng vốn đầu tư từ 100 triệu USD lên 500 triệu USD.

Chính dự án này đã giúp Nghệ An vươn lên vị trí thứ hai cả nước về thu hút FDI trong tháng 1/2022, chỉ đứng sau Hà Nội. Trong giai đoạn 2021-2025, địa phương đặt mục tiêu thu hút từ 550 - 600 dự án với tổng mức đầu tư 130 – 150 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư FDI khoảng 3 - 3,5 tỷ USD.

screenshot-2022-01-29-110451-1643429145623867445036-16443157416652110250268.png

Trong tháng 1/2022, Nghệ An vươn lên vị trí thứ hai cả nước về thu hút FDI.

Nghệ An sẽ "rót" khoảng 20.000 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) trong 5 năm tới

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Kế hoạch (số 812) nhằm triển khai thực hiện “Đề án phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam lên 80.000ha (bao gồm 70.000ha đất liền và 10.000ha mặt nước biển) trong đó, diện tích khu công nghiệp khoảng 15.000ha, đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An; Quy hoạch phát triển 10 - 12 Khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế với diện tích tự nhiên khoảng 4.500ha.

Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đạt 19.912 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước khoảng 1.050 tỷ đồng; nguồn vốn từ doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển khoảng 17.838 tỷ đồng, nguồn vốn khác (ODA, PPP,...) khoảng 1.024 tỷ đồng.

Tại Hội nghị trực tuyến kết nối chia sẻ kinh nghiệm xúc tiến đầu tư với một số tỉnh phía Bắc do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Nghệ An tổ chức, Bà Trần Thị Huế - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư phía Bắc, Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, Nghệ An là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, ngoài việc có hạ tầng giao thông, hạ tầng KCN, KKT hoàn thiện.

Tuy nhiên, để có những bước đột phá lớn thì Nghệ An cần điều chỉnh hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm mang tầm quốc gia, thể hiện tính liên ngành, liên vùng, gắn với thị trường, đối tác đầu tư và dự án cụ thể. Cần chủ động đề xuất các lĩnh vực, dự án quan trọng, tập đoàn lớn cần thu hút đầu tư, từ đó có phương án triển khai, từ nghiên cứu, tiếp cận, hỗ trợ, khảo sát, đến thực hiện các thủ tục đầu tư và hỗ trợ sau đầu tư.

Giang Anh

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị