Đây là sự cụ thể hóa các tiêu chí quốc gia để phù hợp với điều kiện của địa phương, đồng thời đảm bảo yêu cầu mức đạt chuẩn không thấp hơn so với quy định của Trung ương.

Tiếp nối, phát triển những thành tựu, kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, 01 trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai thực hiện, có sự phân loại rõ các cấp độ nông thôn mới và bổ sung thêm các chỉ tiêu. Theo đó, xã nông thôn mới được phân theo 03 cấp độ: xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu (giai đoạn trước chỉ có 02 cấp độ: xã nông thôn mới và xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới có văn bản hướng dẫn xây dựng và triển khai kế hoạch xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2018 - 2020).

xay-dung-nong-thon-moi-1666257803.jpg
Sắc diện nông thôn mới Nghệ An tiếp tục tạo sự chuyển biến mới mẻ. (Ảnh: Internet)

So với giai đoạn 2016 - 2020, bộ tiêu chí xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản giữ nguyên nhưng có bổ sung, điều chỉnh rất nhiều chỉ tiêu theo hướng phù hợp, vừa sâu, rộng vừa nâng cao hơn. Mục tiêu, yêu cầu của Chương trình không chỉ là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng mà chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc nông thôn, văn hóa truyền thống, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cộng đồng; bảo đảm để nông thôn mới phát triển hài hòa, bền vững, vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc.

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định các nội dung, tiêu chí theo hướng cụ thể, tích hợp. Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới nâng cao được quy định chi tiết (giai đoạn trước phân công các sở, ngành chịu trách nhiệm triển khai, hướng dẫn). Trong đó, tiêu chí tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn thực hiện đánh giá từ năm 2023 với các chỉ tiêu: có ít nhất 01 mô hình, sản phẩm chủ lực của xã ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tỷ lệ sản phẩm chủ lực của xã được bán qua kênh thương mại điện tử lớn hơn hoặc bằng 10%; xã có ít nhất 01 vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực đã được cấp mã số vùng trồng và có liên kết với các đơn vị chế biến, tiêu thụ.

Nghị quyết số 18/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tỉnh Nghệ An đã đề ra chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 là: có 82% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) và 11 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 01 huyện đạt huyện nông thôn mới kiểu mẫu).

Theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 9/2022, toàn tỉnh đã có 299/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 72,74%); 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; số tiêu chí bình quân đạt 16,85 tiêu chí/xã; có 07 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới; 184 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí của tỉnh.

bna_a17996445_9102019.jpg
Một góc nông thôn mới huyện Yên Thành. (Ảnh:Internet)

Như vậy, có thể thấy để về đích trong xây dựng nông thôn mới thì giai đoạn sau việc thực hiện càng khó hơn, đòi hỏi nỗ lực lớn, quyết tâm cao của mỗi người dân và cả hệ thống chính trị. Để góp phần thực hiện thành công Chương trình, xin đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp:

Thứ nhất, quán triệt sâu sắc, tuyên truyền rộng rãi nội dung các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh đến các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, người dân. Xây dựng nông thôn mới không phải chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và mỗi một người dân.

Thứ hai, cần tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025; đề xuất sửa đổi, bổ sung (nếu cần thiết) để phù hợp với các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và mục tiêu, yêu cầu trong tình hình mới.

Thứ ba, các sở, ngành tập trung hoàn thành việc quy định mức độ đạt chuẩn, hướng dẫn cụ thể các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Quyết định nêu trên. Tích cực hỗ trợ các địa phương xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính và tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn - chỉ tiêu bắt đầu thực hiện đánh giá trong năm tới đây.

Thứ tư, đẩy mạnh Phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình.

Với tiền đề thành công của giai đoạn trước, tin tưởng rằng việc xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, bền vững, góp phần to lớn phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tỉnh nhà nói chung cũng như mỗi một địa phương nói riêng và để ngày càng có thêm nhiều “miền quê đáng sống”./.

Nguyễn Thị Anh Hoa

Phó CVP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh