Việc tử tế ở làng chài
Ở khối Yên Đình, phường Nghi Thủy (TX. Cửa Lò) người dân đã quen thuộc với hình ảnh người "vác tù và” Phùng Bá Huynh (SN 1963) thầm lặng, cặm cụi với những công việc tình nguyện vì cộng đồng, nhất là công tác vệ sinh môi trường.
Nhà ở sát ngay gần khu vực chợ và bến cá Nghi Thủy, bất cứ lúc nào có thời gian rảnh, sáng sớm hay chiều muộn, ông lại cặm cụi đi gom rác, nhặt rác, giữ gìn cảnh quan môi trường xanh- sạch- đẹp. Nhất là khi nước to, rác từ các nơi trôi về, người “vác tù và” khối Yên Đình thường chèo thuyền đi dọc sông vớt rác đưa lên bờ.
Những hình ảnh đẹp, những việc làm tử tế của ông đã được cán bộ, người dân ghi lại và nhiều lần đưa lên trang Làng chài Nghi Thủy, Tuyên giáo Nghi Thủy, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, thu hút nhiều bình luận bày tỏ sự nể phục như “cán bộ miệng nói tay làm”, “đúng là một cán bộ gương mẫu, một người con của làng chài Nghi Thủy, thật tuyệt vời…”.
Sinh ra và lớn lên ở vùng ven biển nơi hạ nguồn sông Cấm, Khối trưởng khối Yên Đình Phùng Bá Huynh có dáng người chắc đậm, nước da nâu, giọng nói hào sảng. Nói về việc làm của mình, ông khiêm tốn chia sẻ “đó chỉ là những hành động bình thường, nhỏ bé với mong muốn góp phần cho đường phố, khu dân cư sạch hơn, đẹp hơn”.
Trước đây, khu vực chợ và bến cá Nghi Thủy là nơi tập trung nhiều rác, nhất là sau các hoạt động mua bán, từ năm 2017, khi đang còn là Chi hội trưởng Hội Nông dân khối Yên Đình, ông Huynh đã quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường.
Ông tự nguyện kiêm thêm chân an ninh của khối để phối hợp với ban cán sự và các lực lượng khác tuyên truyền nhắc nhở, kết hợp xử phạt các trường hợp vứt rác, xả rác bừa bãi. Nhờ vậy, ý thức của người dân ngày càng được nâng lên.
Khi được dân tín nhiệm bầu làm khối trưởng, ông Phùng Bá Huynh càng quan tâm hơn đến công tác giữ gìn cảnh quan chung. Ông đã cùng ban cán sự khối và Đoàn Thanh niên các cấp kêu gọi, vận động người dân dọn vệ sinh, cải tạo bãi tập kết rác gây ô nhiễm, thành công trình sân chơi, bãi tập; kêu gọi nguồn tài trợ làm sân bóng chuyền, sân cầu lông; kéo điện chiếu sáng, thiết kế xích đu, ghế trượt cho trẻ em chơi.
Hiện nay, khu vực này đã trở thành nơi sinh hoạt thể dục, thể thao, vui chơi của nhân dân trên địa bàn. Dẫn chúng tôi đi thăm xung quanh khối Yên Đình, ông Phùng Bá Huynh vui vẻ cho biết thêm, hàng cây (ước chừng khoảng hơn 50 gốc) dọc đường bến cá và ở khu vực nhà văn hóa khối là do ông Huynh và ông Phùng Bá Trung cũng là một công dân trong khối tự bỏ kinh phí và kêu gọi một số hộ hỗ trợ, trồng và chăm sóc nay đã xanh tốt, vừa tạo bóng râm, vừa góp phần làm đẹp cảnh quan.
Không chỉ tận tụy với việc dân, việc khối, ông Phùng Bá Huynh còn là điển hình làm kinh tế giỏi với mô hình chế biến, kinh doanh, buôn bán các mặt hàng hải sản. Gia đình ông có nghề làm nước mắm đã truyền qua 3, 4 đời, tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng.
Người "vác tù và" của khối Yên Đình chia sẻ: Kinh tế vững cũng giúp tôi có điều kiện ủng hộ các hoạt động phong trào chung, gắn bó với việc dân, việc khối.
Trong năm 2024, ông Phùng Bá Huynh và Ban Cán sự khối Yên Đình đã tuyên truyền, vận động nhân dân triển khai công trình xây dựng mương kín, đổ bê tông đoạn đường dài 270m.
Ngoài tiền xi măng, cát, sỏi từ nguồn của phường, người dân khối Yên Đình đóng góp mỗi hộ 4 triệu đồng. Khối trưởng Phùng Bá Huynh gương mẫu đi đầu trong hiến đất, lùi vào hơn 7m2 tại nhà cũ của ông bà để lại, nay đang làm nhà thờ để mở rộng đường. Từ đó, nhiều người dân ở khối Yên Đình đã tự nguyện lùi bờ rào để đường thông, hè thoáng.
Điển hình như gia đình ông Phùng Bá Trung tự nguyện hiến đất ở 2 ngôi nhà (1 nhà hiến 7m2 đất và 1 nhà đang cho vợ chồng con trai sử dụng hiến 9m2) để mở rộng đường.
Ông Trung hiện là bảo vệ của Quỹ Tín dụng phường Nghi Thủy và cũng là người được biểu dương nhiều lần trên các kênh tuyên truyền của phường Nghi Thủy bởi các hành động vì môi trường. Có những thời điểm mới 4h sáng, khi trời còn nhá nhem, người dân dậy đi tập thể dục đã bắt gặp và ghi lại hình ảnh ông một mình lặng lẽ cắt cỏ, dọn rác, nhặt đá rơi vãi ở khu vực công cộng.
Ông Phùng Bá Trung
Giữ gìn vệ sinh môi trường đối với những người như ông Phùng Bá Trung dường như không chỉ ăn sâu vào ý thức mà trở thành phản xạ tự nhiên. Nhiều người còn gọi đùa ông là “khắc tinh của rác”. Mới đầu, cũng có người cho rằng, ông gàn dở, nhưng lâu dần, nhiều người dân thấu hiểu, nể phục và ủng hộ việc làm vì cộng đồng của những người như ông.
Ông Hoàng Văn Hải - Bí thư Đảng ủy phường Nghi Thủy chia sẻ: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm coi trọng việc nêu gương. Người nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Bởi vậy, những tấm gương bình dị “làm việc tử tế, sống đời tử tế” như các bác Phùng Bá Huynh, Phùng Bá Trung là rất đáng trân trọng và cần nhân rộng.
Nếu ai cũng tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường và có ý thức chung tay làm đẹp phố phường như các bác thì phường Nghi Thủy sẽ sớm trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, đô thị xanh – sạch – đẹp – văn minh”.
Phường Nghi Thủy nằm phía Bắc thị xã Cửa Lò, có diện tích 180,75 ha, được chia thành 6 khu dân cư; dân số hơn 9.500 người, là phường có đa dạng về các ngành nghề kinh tế: Thương mại, dịch vụ du lịch, tiểu thủ công nghiệp, khai thác và chế biến hải sản...
Để từng bước hình thành và phát triển đô thị đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa các loại hình du lịch, dịch vụ, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị phường Nghi Thủy rất quan tâm đến công tác “dân vận”, tạo sự đồng thuận giữa “Ý Đảng- lòng dân” nhưng không triển khai dàn trải, chung chung mà tập trung vào những công trình, phần việc cụ thể sát với điều kiện thực tế, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Ví như mới đây (ngày 11/6), cấp ủy, chính quyền phường Nghi Thủy đã khởi công xây dựng, tôn tạo khu lăng mộ vô chủ của người dân trên địa bàn. Theo tìm hiểu từ năm 1999, trong quá trình xây dựng cảng Cửa Lò, Trường THCS Nghi Thủy và các cơ sở hạ tầng khác, UBND phường Nghi Thủy đã cất bốc quy tập gần 500 ngôi mộ vô chủ trên địa bàn phường về Nghĩa trang thị xã Cửa Lò. Đến nay, khu vực này đã bị vùi lấp bởi cát bồi và cỏ rác.
Các ngôi mộ đã bị sụt lún, nghiêng ngả, rêu phong, mục vỡ... nhìn rất xót xa. Bởi vậy, cấp ủy, chính quyền và Ủy ban MTTQ phường kêu gọi sự chung tay, ủng hộ của toàn dân và những tấm lòng hảo tâm để tôn tạo lại phần mộ khang trang, sạch sẽ hơn để họ được an yên ở cõi vĩnh hằng.
Trước khi bắt tay vào triển khai, Ban Vận động tôn tạo mộ vô chủ đã tổ chức họp mở rộng để công khai xin ý kiến về phương án, quy hoạch, thiết kế, dự trù kinh phí xây dựng để thống nhất thực hiện.
Theo chia sẻ của lãnh đạo phường thì đây là “công trình của lòng dân, của sức dân”, bởi ngay sau lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc phường đã có nhiều tập thể, cá nhân quyên góp, ủng hộ việc làm nghĩa tình này. Đến nay, Ban Vận động đã nhận được 776 triệu đồng tiền ủng hộ/dự toán khoảng gần 850 triệu đồng.
Điển hình như gia đình ông bà Hoàng Nhật An, Trịnh Thị Hiến cùng các con đã ủng hộ 55 triệu đồng. Hay CLB Thiện nguyện Bồ tát quan âm phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò đã kết nối với các mạnh thường quân quyên góp, ủng hộ 71 triệu đồng trao ngay trong lễ khởi công tôn tạo mộ vô chủ ở phường Nghi Thủy.
Phát huy lợi thế địa bàn có làng chài, có giếng làng cổ, khu chợ, cảng cá cùng nhiều di tích lịch sử và các lễ hội như Lễ hội truyền thống đền Yên Lương vừa được công bố Di sản phi vật thể Quốc gia; Lễ hội Đền Mai Bảng…
Để hiện thực hóa giấc mơ biến phường Nghi Thủy trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm và khám phá những nét văn hóa người dân vùng biển, cán bộ trong hệ thống chính trị phường Nghi Thủy đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng tuyến” để phát động chiến dịch bịt kín mương hở, vá đường nham nhở, xây dựng giao thông đồng bộ, thông thoáng, sạch, đẹp.
Nhiều khối đã huy động sức dân làm đường bê tông, đường điện chiếu sáng gắn đường cờ, đường điện chiếu sáng, lắp biển số nhà… tạo thành phong trào thi đua chỉnh trang đô thị sôi nổi ở cơ sở.
Điển hình như khối Đông Tiến vận động nhân dân xây dựng, trang trí tuyến đường dài 429m, rộng 3,8m với tổng kinh phí huy động 188 triệu đồng do 40 hộ dân đóng góp. Đây cũng là khối được chọn để triển khai mô hình dân vận khéo cấp thị xã, xây dựng cụm dân cư kiểu mẫu ở ngõ 4A, đường Phạm Huy với chiều dài 270m, 29 hộ tham gia.
Khối Bình Minh vận động nhân dân xây dựng, lắp đặt 24 cột điện chiếu sáng, cờ, 4 cụm trang trí trên đường Lê Thị Bạch Cát với chiều dài 510m, rộng trên 6m, kinh phí trên 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, khối còn hoàn thành các hạng mục xây dựng công trình vệ sinh khép kín, sân khấu, đổ bê tông sân nền, sơn sửa tường rào, trang trí cổng nhà văn hóa với tổng kinh phí trên 95 triệu đồng…
Với quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị ở phường Nghi Thủy đã bắt tay vào tổ chức giải tỏa hành lang an toàn giao thông, chỉnh trang đô thị, tuyên truyền, vận động nhân dân các tuyến đường Bình Minh, Phạm Huy, Nguyễn Xí, Cao Huy Tuân… lắp đặt điện chiếu sáng, điện trang trí, thùng rác đạt tiêu chuẩn, hợp vệ sinh, cắt tỉa cây xanh, sơn sửa tường rào.
Đồng thời, tổng dọn vệ sinh môi trường khu dân cư, khu công cộng, khu vực bãi biển, phối hợp trồng 1.000 chậu hoa cúc biển, trồng hàng hoa ban trước cổng trường tiểu học; vận động nhân dân trong phường, con em phường Nghi Thủy đang công tác trong nước và nước ngoài đóng góp xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa phục vụ hoạt động văn hóa tâm linh, xây dựng các điểm check-in... tạo điểm nhấn cảnh quan với tổng giá trị trên 1,5 tỷ đồng.
Nhiều gia đình đã chủ động sửa tường rào, nới rộng cổng, hiến một phần đất để đường rộng hơn, thoáng hơn. Nhiều khối phố đã chủ động kín hóa mương nước, biến các khu vực bỏ hoang, ô nhiễm thành sân chơi thể thao, sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Phát huy vai trò nêu gương, các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị cũng chọn triển khai những phần việc cụ thể, thiết thực như Mặt trận Tổ quốc với mô hình vận động nhân dân mua gần 100 thùng đựng rác có nắp đậy, lắp 285 biển số nhà, 15 camera an ninh trên các trục đường; xây dựng 6 đoạn đường, ngõ phố đẹp, văn minh.
Hiệp hội Nghề cá với mô hình thu gom rác thải rắn từ biển về bờ” và phong trào “Phế liệu giữ lại, không thải ra biển, vào bờ đổi tiền, ủng hộ người nghèo”.
Hội Nông dân với mô hình tặng cờ Tổ quốc, áo phao cho tàu cá đạt sản lượng cao để tuyên truyền ngư dân tích cực vươn khơi, bám biển. Mỗi một tàu cá ra khơi đều treo cờ đỏ sao vàng như những “cột mốc sống” để khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Những công trình, phần việc ý nghĩa nêu trên được cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể trong hệ thống chính trị biểu dương, tuyên truyền thường xuyên, kịp thời trên các kênh mạng xã hội, từ đó lan tỏa, nhân rộng những tấm gương “người tử tế, việc tử tế” trong cộng đồng.