1. Cử tri xóm 6, xã Diễn Đồng, huyện Diễn Châu; cử tri Kha Văn Dần, trú tại bản Lam Khê và cử tri Lô Văn Mạo, trú tại thôn Thống Nhất, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông đề nghị tiếp tục có chính sách hỗ trợ làm nhà ở cho người có công do trước đây chưa được hưởng chính sách.

anh-9369.jpg
Ảnh minh họa

UBND tỉnh trả lời:

Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4597/QĐ-UBND ngày 10/10/2013, phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 5927/QĐ-UBND ngày 31/10/20214; được cơ quan Trung ương thẩm định (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thẩm định) và bố trí vốn thực hiện. Đề án đã được triển khai từ năm 2013, đến năm 2019 đã hoàn thành. Đồng thời, Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở đã hết hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2019.

Để tiếp tục hỗ trợ ưu đãi người có công với cách mạng về nhà ở, ngày 30/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP (quy định chi tiết và biện pháp thi hành pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng). Hiện nay, Bộ Xây dựng đã dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mức hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sữa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và tỷ lệ phân bổ hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách mới hỗ trợ xây dựng mới hoặc cải tạo, sữa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Xây dựng tham mưu tổ chức thực hiện chính sách theo đúng quy định của pháp luật.

2. Cử tri Vi Thị Hằng, trú tại bản Nam Sơn, xã Chi Khê, huyện Con Cuông phản ánh số diện tích đất rừng sản xuất đã giao cho các hộ dân theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 1999 của Chính phủ chủ yếu rừng nghèo không có giá trị, nhưng trong hồ sơ ghi rừng khoanh nuôi tái sinh. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch, kiểm tra đánh giá đúng thực trạng, tạo điều kiện cho người dân được chuyển đổi mục đích để trồng rừng, phát triển kinh tế.

UBND tỉnh trả lời:

Căn cứ các quy định hiện hành liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó có các nội dung: "không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định" (được quy định tại. Luật Lâm nghiệp; Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Nghị quyết số 71/NĐ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư) và "tiếp tục thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên đến năm 2030, không khai thác gỗ từ rừng tự nhiên " (được quy định tại Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam 2021-2030).

Vì vậy, đến thời điểm hiện nay rừng tự nhiên (rừng tự nhiên phục hồi, rừng tự nhiên nghèo, rừng tự nhiên nghèo kiệt...) không được chuyển đổi sang trồng Keo và các loại cây trồng khác mà phải thực hiện các biện pháp khoanh nuôi, bảo vệ rừng theo đúng quy định của pháp luật.

3. Cử tri Lữ Văn Bích, trú tại thôn Thủy Khê và cử tri Nguyễn Văn Khánh, trú tại thôn Tiến Thành, xã Chi Khê, huyện Con Cuông kiến nghị có giải pháp khắc phục hệ thống mương thoát nước 2 bên đường Quốc lộ 7A có một số đoạn như: Thủy Khê từ km 96+ 800, từ km 97+ 500- km97+ 600; Quyết Tiến km96+300, Tiến Thành km94+ 00 - km95+ 200 thường xuyên ngập úng cục bộ, nước ngập khi trời mưa, gây ô nhiễm môi trường và ách tắc giao thông.

0d540b2d0e31c66f9f20-1636502655409.webp
Một điểm sạt lở thường xuyên trên QL7 đoạn qua địa bàn huyện Con Cuông

UBND tỉnh trả lời:

Đoạn tuyến QL.7 từ Km94+00-Km97+600 thuộc địa bàn xã Chi Khê, huyện Con Cuông; hàng năm, đoạn tuyến này đã được sửa chữa mặt đường, hệ thống thoát nước và an toàn giao thông nên cơ bản êm thuận, an toàn. Hai bên tuyến đã có rãnh thoát nước gồm: rãnh kín chịu lực từ Km94+00 - Km94+550 (PT), Km96+900 - Km97+230 (T+P); rãnh hở tiết diện hình thang từ Km96+180 - Km96+300 (TT), Km96+350 - Km96+450 (TT), Km96+700 - Km96+900 (TT). Một số đoạn đã có rãnh đất như: từ Km96+200 - Km96+250 (PT), Km96+450 - Km96+800 (PT). Hiện tại hệ thống rãnh thoát nước và cống ngang đường thường xuyên được nạo vét, khơi thông cho nên vẫn đảm bảo thoát nước.

Một số vị trí như Km94+00 - Km95+200 (TT), Km96+300 (T), Km96+800 (P), Km97+500 - Km97+600 (P) trước đây là nền đắp, do quá trình đô thị hóa, người dân làm nhà cao hơn đường nên xảy ra tình trạng đọng nước khi trời mưa to (khi tạnh mưa thì nước rút hết). Khu quản lý đường bộ II đã đề xuất bổ sung rãnh thoát nước các đoạn Km94+550 - Km95+200 (P), Km95+150 - Km95+670 (T) trong kế hoạch bảo trì năm 2023, nhưng do nguồn vốn dành cho công tác QLBTĐB còn hạn hẹp cho nên chưa được đầu tư. Khu Quản lý đường bộ II sẽ tiếp tục theo dõi và báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam cân đối nguồn vốn để cho phép đầu tư các đoạn rãnh nêu trên trong kế hoạch bảo trì của các năm tiếp theo.

4. Cử tri Ngân Đức Hợi, trú tại xóm Chòm Muộng, xã Mậu Đức, huyện Con Cuông kiến nghị UBND tỉnh tăng cường phân cấp trong việc quản lý đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã, vì hiện tại xe chở quá trọng tải đi lại làm hư hỏng nghiêm trọng các tuyến đường giao thông trên địa bàn xã.

UBND tỉnh trả lời:

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 47/2022/QĐ-UBND ngày 20/9/2022 ban hành Quy định về quản lý, bảo vệ và xử lý vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An; theo đó, quy định phân cấp UBND cấp huyện và UBND cấp xã quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các tuyến đường huyện, xã, đường đô thị thuộc phạm vi quản lý.

Hằng năm, UBND huyện Con Cuông đã ban hành Kế hoạch đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn huyện; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề ô tôt cvi phạm chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, tự ý cải tạo, thay đổi kích thước thành thùng trên địa bàn huyện. Năm 2023, trên địa bàn huyện Con Cuông đã kiểm tra, xử phạt 05 trường hợp vi phạm quy định về chở quá khổ, quá tải trên các tuyến đường huyện, xã; số tiền 19,5 triệu đồng. Trong thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Con Cuông tiếp tục tăng cường tuần tra, xử lý các phương tiện chở quá khổ, quá tải trên địa bàn.

5. Cử tri các xã: Bồng Khê, Yên Khê, Chi Khê, huyện Con Cuông phản ánh 03 xã có quỹ đất do Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển chè Nghệ An đang quản lý với tổng diện tích là 431,55ha (Chi Khê: 61,1ha, Bồng Khê: 249,37 ha và Yên Khê: 121,08ha). Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng đất chưa tốt, có nhiều phát sinh vi phạm trong quá trình giao khoán các cá nhân. Đồng thời, hiện tại diện tích này đang nằm trong quy hoạch xây dựng huyện Con Cuông thành thị xã theo hướng đô thị sinh thái. Vấn đề vướng mắc đã kéo dài nhiều năm, chưa có giải pháp cụ thể để giải quyết. Đề nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi các diện tích này bàn giao về cho địa phương quản lý, thực hiện quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

UBND tỉnh trả lời:

UBND tỉnh đã có giao Công văn số 5406/UBND-NN ngày 20/7/2022 về việc xử lý tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất trên diện tích giao cho Công ty CP Công ty Chè Nghệ An quản lý.

Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Con Cuông và Công ty CP Tổng Công ty chè Nghệ An triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại văn bản nêu trên nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân theo ý kiến kiến nghị của cử tri.

6. Cử tri Lang Thị Thân, trú tại bản Phục, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông đề nghị cho các em học sinh thuộc vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ sữa học đường miễn phí.

UBND tỉnh trả lời:

Thực hiện Quyết định 1660/QĐ-TTg ngày 02/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025, Uỷ ban nhân tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 502/KH-UBND ngày 12/7/2022 Triển khai chương trình sức khoẻ học đường tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025. Theo đó, học sinh là người dân tộc thiểu số ở thôn/bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền thuộc Diện B được hỗ trợ 50% chi phí mua sản phẩm sữa.

7. Cử tri Hà Văn Quỳnh, Phó Giám đốc Bệnh viện khu vực Tây Nam Nghệ An đề nghị tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 61/2013/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của UBND tỉnh về hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

UBND tỉnh trả lời:

Quyết định số 06/2023/QĐ-UBND ngày 31/01/2023 đã bãi bỏ Quyết định số 61/2013/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về quy định hỗ trợ một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người nghèo trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Lí do: Quyết định số 61/2013/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 không còn phù hợp vì theo quy định tại khoản 11 Điều 8 Luật Ngân sách thì ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo vì quỹ này đã không còn được duy trì là quỹ tài chính nhà nước.