
Cũng chính tư tưởng này đã tạo sức mạnh to lớn cho dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn thử thách để đi đến thành công. Tư tưởng đó là một trong những di sản quý báu của Bác Hồ để lại cho chúng ta. Người đúc kết tư tưởng đó trong 14 chữ vàng:
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết;
Thành công, thành công, đại thành công”
Người đã nhận thức, đúc kết và khái quát thành một quy luật giá trị to lớn của tư tưởng Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết:
- Đoàn kết gắn liền với thành công,
- Đại đoàn kết gắn liền với đại thành công.
Như vậy, những thành tựu to lớn, những chiến thắng hào hùng trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta luôn luôn gắn liền với tư tưởng đại đoàn kết dân tộc. Tư tưởng ấy được tổng kết thành một chân lí bình dị, gần gũi với mọi người, để khơi dậy tình cảm giai cấp, tình cảm cộng đồng dân tộc, rộng hơn nữa là tình cảm quốc tế vô sản và cả loài người tiến bộ.
Tư tưởng đại đoàn kết trở thành sức mạnh vô cùng to lớn, để Đảng ta bảo vệ cách mạng và xây dựng đất nước. Trong những lúc vận mệnh Tổ quốc lâm nguy, bị đe dọa, cách mạng gặp khó khăn thì tư tưởng ấy trở thành nhân tố quan trọng để bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc, vượt qua thử thách đánh thắng kẻ thù.
Tư tưởng đại đoàn kết không những là đại đoàn kết trong dân tộc Việt Nam mà còn là đại đoàn kết với những lực lượng cách mạng tiến bộ trên thế giới, đấu tranh vì độc lập, tự do, vì hòa bình và tiến bộ xã hội. Đó là tư tưởng cách mạng xuyên suốt toàn bộ cuộc đời sự nghiệp của Bác Hồ. Đại đoàn kết trở thành máu thịt gắn bó mọi lực lượng cách mạng với Đảng, với quần chúng Nhân dân, hướng mọi người vào một hành động chung, tạo thành sức mạnh vô địch của dân tộc ta.

Thật vậy, đoàn kết dân tộc đã sớm hình thành từ buổi đầu dựng nước. Câu chuyện mẹ Âu Cơ sinh trăm con, hai chữ đồng bào thân thuộc gợi lên đặc điểm hình thành dân tộc, phản ánh tư tưởng đoàn kết dân tộc của các vua Hùng. Truyền thống đoàn kết được bồi đắp qua hàng ngàn năm đấu tranh chống thiên tai, chống xâm lược và xây dựng đất nước. Đứng trước hiểm họa quân xâm lược Nguyên-Mông, từ những thành viên của cộng đồng dân tộc Việt Nam, từ quan lại, tướng sĩ đến các tầng lớp Nhân dân, các gia nô thời ấy đã sẵn sàng gác lại tình riêng, gạt bỏ những hiềm khích, bất hòa, để chung lo việc nước. Tư tưởng Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết lại gắn bó các thành viên với nhau, tập hợp lực lượng tạo thành sức mạnh vô địch đánh bại quân thù. Hội nghị Diên Hồng và việc hòa giải giữa Trần Hưng Đạo với Trần Quang Khải… mãi mãi được lịch sử ghi nhận là những tấm gương sáng ngời về truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Khi Pháp xâm lược Việt Nam ở thế kỉ XIX, triều Nguyễn đã không biết hiệu triệu toàn dân đoàn kết để chống giặc lại còn có những chủ trương sai lầm, làm tổn hại tinh thần đoàn kết dân tộc, làm cho lòng dân li tán, đất nước rơi vào tay giặc. Đó là một bài học cay đắng. Khi Pháp cai trị nước ta, chúng luôn lo sợ tư tưởng đoàn kết dân tộc, chúng đã áp dụng chính sách Chia để trị.
Lãnh tụ thiên tài, kiệt xuất Hồ Chí Minh không những kế thừa truyền thống đoàn kết dân tộc tốt đẹp đó, Người còn phát triển tinh thần đoàn kết dân tộc nâng lên thành tư tưởng đại đoàn kết với các dân tộc bị áp bức và các tầng lớp Nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, tạo thành một sức mạnh thần kì mang tính thời đại: Một dân tộc nhỏ bé đánh thắng hai đế quốc là Pháp và Mỹ. Chính Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố trung tâm quy tụ, tập hợp, đoàn kết mọi tầng lớp Nhân dân trong xã hội, là phương châm để Đảng và Chính phủ vạch ra đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ, kết tinh bởi những tinh hoa dân tộc, của nền văn hóa phương Đông, dựa trên đạo lí Từ bi bác ái của Phật giáo và mang một nội dung mới thắm đượm tinh thần đoàn kết đầy sức thuyết phục.
Tư tưởng đoàn kết của Người còn chứa đựng tinh túy của trào lưu tư tưởng nhân văn phương Tây Tự do, bình đẳng, bác ái, mà Người đã từng tìm hiểu. Trong Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, Người đã nhắc lại những lời bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền, dân quyền của nước Pháp năm 1789. “Mọi dân tộc sinh ra tạo hóa cho họ quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền được sung sướng…”. Do đó, tư tưởng thêm bạn bớt thù, đoàn kết của Bác không những chinh phục nhân tâm của người Việt mà còn tranh thủ sự ủng hộ, mến mộ của cả Nhân dân tiến bộ thế giới.
Tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ đã kết hợp nhuần nhuyển với tinh thần quốc tế vô sản, đoàn kết các dân tộc bị thuộc địa Á, Phi, Mỹ, La tinh, chống kẻ thù chung là thực dân đế quốc. Người đã vận dụng tư tưởng “Giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại” của Lê Nin trong hoạt động cách mạng của mình, vì thế tư tưởng của Bác khi kết hợp với chủ nghĩa Mác Lê Nin, đã trở thành tư tưởng đoàn kết cách mạng, vượt khỏi biên giới quốc gia, hòa nhập vào trào lưu cách mạng thế giới chống áp bức, giải phóng dân tộc và bất công.
Lịch sử cận đại Việt Nam đã chứng minh điều đó. Năm 1941, Bác Hồ về nước cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Bác đã chuyển tổ chức Mặt trận dân chủ Đông Dương thành Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), đã đoàn kết sĩ, nông, công, thương, binh; gồm cả già, trẻ, trai, gái, lương, giáo, giàu, nghèo… Việt Minh thực sự đã trở thành một khối đại đoàn kết dân tộc, một phong trào cứu quốc sôi nổi, mạnh mẽ trong cả nước, chuẩn bị đầy đủ nhất, có tính quyết định cho sự thành công của cách mạng tháng Tám 1945. Mặt trận Việt Minh trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) vang dội địa cầu.

Ở miền Nam Việt Nam, mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam đã đoàn kết, tập hợp mọi tầng lớp Nhân dân miền Nam, lãnh đạo Nhân dân miền Nam Việt Nam chống Mỹ cứu nước, dẫn đến thắng lợi vĩ đại mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng của dân tộc.
Ngày nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân, kể cả kiều bào ở nước ngoài. Đó là sản phẩm của tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã và sẽ góp phần đưa sự nghiệp đổi mới của Đảng, của Nhân dân ta đến thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Thành tựu đó, chứng minh hùng hồn chân lý của Bác Hồ kính yêu là Đại đoàn kết, đại thành công!
Trần Khắc Luyện