Thông qua các chiến sĩ cách mạng lớp tiền bối được Nguyễn Ái Quốc đào tạo, những người Cộng sản tiêu biểu ở Nghệ- Tĩnh đã lãnh đạo Nhân dân vùng lên đấu tranh, lập nên chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh đầu tiên ở vùng Đông Nam châu Á.

CUỘC CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA VĨ ĐẠI
Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại năm1917, đã mở ra một thời đại mới: “Một kỷ nguyên mới trên con đường phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại”. Lần đầu tiên, giai cấp công nhân và các giai cấp bị bóc lột đã giành được chính quyền về tay mình. Kể từ đó, họ đã đứng lên làm chủ, bắt tay vào cải tạo xã hội cũ, xây dựng sáng tạo một xã hội mới, biến ước mơ ngàn đời của nhân loại thành hiện thực sinh động của đời thường. Cuộc sống khởi sắc, đổi đời của Công - Nông lao động nước Nga sau cách mạng tháng Mười đã làm nhân loại phải ngỡ ngàng như trong mơ :
“ Nước Nga có chuyện lạ đời / Biến người nô lệ thành người tự do.”
Cách mạng tháng Mười Nga như một tiếng sét giáng xuống đầu chủ nghĩa đế quốc làm chúng phải kinh hoàng, nhưng đối với các nước bị áp bức, thống trị của chủ nghĩa thực dân thì “cách mạng tháng Mười” khác nào “Chim én nhỏ báo hiệu mùa xuân.” Thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga càng tăng thêm niềm tin mãnh liệt cho phong trào đấu tranh của các nước bị áp bức và thuộc địa. Mặc dù các nước đế quốc đã tìm cách bưng bít, nói xấu chủ nghĩa Mác- Lênin và cách mạng tháng Mười Nga, nhưng đối với Nguyễn Ái Quốc (đang ở trên đất Pháp) coi đó là con đường duy nhất, là khát vọng cháy bỏng của Người trên con đường cứu nước để giải phóng cho dân tộc Việt Nam:
“Sóng cách mạng vang lừng mặt đất, / Công Nông Nga đã phất cờ đầu
Mười ngày chấn động hoàn cầu, / Làm gương cho bạn năm châu soi vào.” (1)
Cách mạng tháng Mười Nga thành công, Lê Nin đã khai sinh ra một chính quyền Xô Viết đầu tiên trên thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, một Nhà nước kiểu mới với những thiết chế của một chế độ mới ra đời, với những ý tưởng và ước mơ cao đẹp của nhân loại đã biến thành hiện thực trong đời sống chính trị, kinh tế của toàn xã hội: “Được tự do hội nghị,/ Được bàn bạc tha hồ, /Có trường dạy học trò, /Có nhà nuôi con trẻ.”

Cách mạng tháng Mười Nga thành công với sự ra đời của nước Nga Xô Viết làm cho chủ nghĩa đế quốc bên ngoài và bọn phản động trong nước đã liên kết với nhau, điên cuồng chống phá, quyết tâm bóp chết Nhà nước Xô Viết đầu tiên. Chúng lo sợ cách mạng tháng Mười Nga sẽ như “Vết dầu loang” nhanh chóng lan khắp hoàn cầu. Chính quyền Xô Viết Nga vừa mới ra đời đã phải đương đầu với một thế lực đế quốc phản động kết hợp của 14 nước đế quốc bên ngoài cùng với bọn phản động trong nước nổi dậy quấy phá, vận mệnh của chính quyền Xô Viết Nga lúc bấy giờ như ngàn cân treo sợi tóc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Bôn Sê Vích, đứng đầu là Lê Nin vĩ đại, cách mạng vô sản nước Nga đã đập tan mọi hành động can thiệp bằng vũ trang của quân đội 14 nước đế quốc. Bằng nội lực của chính mình, liên bang Xô Viết đã biến nước Nga kiệt quệ sau chiến tranh trở thành một nước có tiềm lực kinh tế, văn hóa, khoa học, quốc phòng vững mạnh, là ánh đuốc soi đường, chỉ lối cho phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Năm 1920, với ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười và luận cương của Lê Nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, đã đưa Nguyễn Ái Quốc từ chủ nghĩa yêu nước chuyển sang chủ nghĩa Cộng sản. Tại Đại hội Tua ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã giơ tay biểu quyết tán thành Quốc tế thứ III do Lê Nin sáng lập. Người đã khẳng định: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản”.

Tháng 6 năm 1923, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã bí mật rời nước Pháp để đến với quê hương của Lê Nin, quê hương của cách mạng tháng Mười Nga. Hoạt động trong tổ chức Quốc tế Cộng sản, phụ trách Bộ Phương Đông. Sau tiếng bom Sa Điện ngày 19/6/1924, của tổ chức “Tâm Tâm Xã” ở Quảng Châu do Phạm Hồng Thái thực hiện, đã gây ảnh hưởng lớn trên trường Quốc tế. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đề nghị với Quốc tế Cộng sản và được Ban Chấp hành Quốc tế chấp nhận, Người đã về Trung Quốc hoạt động để tiện việc truyền bá ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga ở các nước Đông Nam châu Á và hướng phong trào cách mạng Việt Nam theo gương của cách mạng tháng Mười Nga. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định về cách mạng tháng Mười Nga: “Giống như mặt trời chói lọi, cách mạng tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu. Thức tỉnh hàng triệu, triệu người trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”
ĐƯỢC LÃNH TỤ NGUYỄN ÁI QUỐC CHỈ LỐI, MÔ HÌNH XÔ VIẾT ĐƯỢC RA ĐỜI Ở NGHỆ TĨNH
Tháng 11- năm 1923, từ Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã đến Trung Quốc, được cụ Phan Bội Châu và Hồ Học Lãm giới thiệu, Người đã bí mật liên lạc để gặp những thanh niên yêu nước Việt Nam tiêu biểu đang hoạt động ở Trung Quốc. Đó là Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Trương Vân Lĩnh, Trương Học Ba, Lưu Quốc Long, Lê Duy Điếm, Phùng Chí Kiên v.v. Tháng 2-1925, để hướng những thanh niên yêu nước đang hoạt động trong tổ chức Tâm Tâm Xã đi theo con đường cách mạng vô sản, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập ra nhóm Cộng sản Đoàn gồm 9 người làm nòng cốt. Tháng 6-1925, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thành lập tổ chức “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội” tại ngôi nhà số 13, đường Văn Minh, Quảng Châu-Trung Quốc. Người đã mở lớp học chính trị đặc biệt cho các hội viên. Ngày 21-6-1925, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập ra tờ báo “THANH NIÊN”, theo các đường dây bí mật chuyển về trong nước để tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lê Nin và con đường cách mạng vô sản theo gương cách mạng tháng Mười Nga. Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã viết tác phẩm “Đường kách Mệnh” làm tài liệu hướng dẫn học viên phương pháp làm cách mạng. Lớp học được đào tạo theo từng khóa (đã mở được 13 khóa học), những thanh niên yêu nước Việt Nam được các tổ chức cách mạng trong nước giới thiệu, họ đã bất chấp hiểm nguy, vượt núi, băng rừng, hoặc cải trang đi đường biển để sang Quảng Châu, Trung Quốc tham dự lớp huấn luyện do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy. Các đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh, Lê Duy Điếm đều là những trợ thủ đắc lực giúp Người tổ chức các khóa học. Các đồng chí hoạt động trong nước như Trần Văn Cung, Võ Nguyên Hiến, Nguyễn Sỹ Sách, Võ Mai, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Thị Minh Khai…đã lần lượt được tổ chức cách mạng trong nước gửi sang Quảng Châu, Trung Quốc tham dự lớp học. Sau mỗi khóa học, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã dẫn các học viên lên núi Hoa Cương viếng mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái trước khi nhận nhiệm vụ mới. Để đào tạo cán bộ tương lai cho cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã cử một số đồng chí sang học tại trường Đại học Phương Đông, trên quê hương của cách mạng tháng Mười Nga để học tập lý luận cách mạng vô sản. Đó là các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Thị Minh Khai v.v. Đại bộ phận những học viên đã được Nguyễn Ái Quốc đào tạo đều được Người giao nhiệm vụ trở về nước để xây dựng tổ chức Đảng, lãnh đạo Nhân dân đấu tranh theo con đường cách mạng vô sản để giành độc lập cho dân tộc.

Tháng 6-1929, sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, các đồng chí Nguyễn Phong Sắc (quê ở Hà nội) và đồng chí Trần Văn Cung (quê ở huyện Nghi Lộc) đều là những trí thức yêu nước, đã được học lớp chính trị đặc biệt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đào tạo, được Đông Dương Cộng sản Đảng cử vào thành phố Vinh hoạt động để xây dựng cơ sở và thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ (Xứ ủy Trung Kỳ được thành lập gồm có 3 đồng chí: Nguyễn Phong Sắc, Trần Văn Cung và Võ Mai. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư Xứ ủy). Nhân dịp kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga lần thứ 12 (1917- 1929), Xứ ủy Trung Kỳ đã ra lời kêu gọi Nhân dân kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga bằng nhiều hình thức: Rải truyền đơn ở những nơi tập trung đông người, mít tinh, biểu tình, treo cờ đỏ búa liềm trên các đình làng và những cây cao có nhiều người qua lại. Hưởng ứng lời kêu gọi của Xứ ủy Trung Kỳ, Nhân dân ở các huyện hai tỉnh Nghệ-Tĩnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền gây tiếng vang lớn. Các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Tiềm (Chủ bút tờ Báo Xích Sinh), Chu Văn Biên, Nguyễn Thị Phúc đã cho ra mắt bạn đọc những bài viết ca ngợi cách mạng tháng Mười Nga của Nguyễn Ái Quốc. Báo Xích Sinh, Báo Bôn Sê Vích đã viết bài và đưa tin các cuộc đấu tranh của Nhân dân Nghệ- Tĩnh ủng hộ và đi theo cách mạng tháng Mười Nga. Đồng chí Trần Văn Cung, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Đình Hoành, Nguyễn Thức Mẫn, Trần Thị Liên và Mười Uyển, đã in ấn hàng ngàn tờ truyền đơn (tại làng Yên Nghị) với nội dung: “Ủng hộ Xô Nga”;“Phản đối đế quốc chiến tranh,“Việt Nam hoàn toàn Độc lập” đem rải khắp nơi. (Trong vụ rải truyền đơn ủng hộ cách mạng tháng Mười Nga tại thành phố Vinh, các đồng chí Trần Văn Cung, Mười Uyển và nhiều đồng chí khác đã bị bắt giam tại nhà lao Vinh). Cờ đỏ búa liềm được treo ở làng Yên Dũng, làng Lộc Đa, làng Đức Thịnh, Núi Cơm (Bến Thủy), Núi Bờng Sơn (huyện Thạch Hà), Núi Nầm (huyện Hương Sơn) Hà Tĩnh. Đặc biệt là cuộc đấu tranh của hàng ngàn Nhân dân phủ Diễn Châu do đồng chí Chu Huệ và Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng lãnh đạo. Ngày 7/11/1929 tại sông Cầu Bùng, kẻ địch đã đàn áp cuộc biểu tình của Nhân dân Phủ Diễn Châu đẫm máu làm chết 42 người. Năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, học tập và noi gương cách mạng tháng Mười Nga, Nhân dân Nghệ- Tĩnh đã dương cao cờ đỏ búa liềm đấu tranh, lập nên chính quyền Xô viết ở một số địa phương. Nhưng vì chưa có thời cơ, năm 1931, thực dân Pháp đã tập trung lực lượng đàn áp phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh trong máu và lửa…
Mặc dù thực dân Pháp đã tìm mọi cách bưng bít, bôi xấu ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga và Xô viết Nghệ Tĩnh, nhưng tinh thần và ý nghĩa của cách mạng tháng Mười Nga đã được đồng chí Trương Văn Lĩnh, Hồ Tùng Mậu, Đặng Thái Thuyến... sáng tác qua nhiều bài thơ để ca ngợi. Đồng chí Trương Vân Lĩnh viết bài “Giới Thiệu Liên Xô”: “Nay xem qua bốn biển, / Kìa Cách mạng Xô Nga, / Đánh tan lũ Quốc gia, / Lập nên nền xã hội. . .”. Để ủng hộ và bảo vệ cách mạng tháng Mười Nga, hàng triệu Nhân dân Nghệ Tĩnh đã dũng cảm kiên cường đấu tranh với tinh thần Quốc tế cao cả. Đã có hàng trăm người ngã xuống trong các cuộc đấu tranh với niềm tin và lý tưởng cao đẹp:
“Chiến đấu đến kỳ cùng, / Xô Viết rạng trời Đông, / Dù chết cũng cam lòng. . .”
Giống như mặt trời chói lọi, cách mạng tháng Mười Nga đã chiếu sáng con đường đi cho cách mạng Việt Nam, từ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931 đến cách mạng tháng Tám 1945 thành công rực rỡ. Cách mạng tháng Mười Nga đã khai sinh ra một Nhà nước Công Nông đầu tiên; Xô Viết Nghệ Tĩnh tiếp tục khai sinh ra chính quyền Xô Viết đầu tiên ở khu vực Đông Nam Châu Á./.