Bên cạnh những đánh giá, ghi nhận công lao to lớn của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, với phát triển của đất nước, hạnh phúc của nhân dân, báo chí và cộng đồng mạng còn chia sẻ nhiều khoảnh khắc đời thường giản dị của ông: Chiếc áo sơ mi đã sờn vai, đôi giày đã mòn gót, chiếc xe công vụ nhiều năm gắn bó... Trong đó, có bức ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng.

Ngày 27 Tết Nguyên đán năm 2019, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng vợ và hai cháu nội gói bánh chưng tại nhà riêng. Đây là một trong những bức ảnh lần đầu được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho phép công bố, đưa vào in trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, ra mắt ngày 21/6/2024.

bac-trong-goi-banh-chung-cung-gia-dinh-anh-van-phong-trung-uong-dang-.jpg
Bác Trọng gói bánh chưng cùng gia đình. Ảnh: Văn phòng Trung ương Đảng

Giữa bức ảnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với mái tóc bạc phơ, trong bộ quần áo bình dị, tay gói bánh chưng. Bên cạnh ông là người vợ tào khang - bà Ngô Thị Mận, cùng hai cháu nội (một trai, một gái) của ông. Một hình ảnh quen thuộc như bao gia đình của người Việt Nam trên đất nước này vào những ngày đón Tết.

Góc nhà của người đứng đầu Đảng và Nhà nước hiện lên cũng thật đơn sơ, giản dị, đúng với con người và tính cách của ông. Từ mảng tường có dấu bong tróc, ố vàng; bộ lịch treo tường đến nồi cơm điện cũ, chậu nhựa, rổ rá, mẹt… bằng mây tre… bức ảnh đã nói lên rất nhiều điều về nếp sinh hoạt của Tổng Bí thư. Đó là quan niệm "giữ lấy nếp nhà”, giữ lấy văn hóa gia đình mà Tổng Bí thư thường nhắc tới. Bởi, không có văn hóa, gia đình không thể tồn tại.

Giữ "nếp nhà" là giáo dục gia đình, vợ con, họ hàng phải giữ được nét truyền thống, văn hóa của dân tộc. Tổng Bí thư thường nói một cách mộc mạc, dễ nghe, dễ hiểu như vậy về văn hóa.

Cũng trong dòng cảm xúc này, báo chí, mạng xã hội cả tuần qua đăng tải khá nhiều bài viết, tư liệu kể về những mẫu chuyện đời thường của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ khi còn là cậu học trò nghèo ham học, đến khi là sinh viên, ra trường làm Biên tập viên Tạp chí Cộng sản; cho đến khi là Bí thư Thành ủy, thành Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư… những lời nói, cử chỉ, việc làm của ông trong quan hệ với bạn bè thuở thiếu thời, với thầy cô giáo cũ, bạn bè đồng môn… tất cả đều toát lên một nét ứng xử mà chỉ có những người có văn hóa, yêu văn hóa, hiểu văn hóa mới có thể có được. Đó là luôn chân tình, chí nghĩa với bạn bè; sẵn sàng sẻ chia khó khăn với anh em đồng nghiệp; lễ phép, biết ơn với thầy cô giáo, giữ đúng đạo là đứa con của họ hàng, làng xã…

Có vì vậy mà trong gần 3 nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư của mình, ông là người luôn quan tâm đến giữ gìn và phát triển văn hóa. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…". Văn hóa tạo nên bản sắc dân tộc, làm giàu đời sống tinh thần của con người và đóng góp vào sự phát triển toàn diện của xã hội.

Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần của xã hội mà còn là nguồn lực nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững. Văn hóa giúp hình thành nhân cách con người, tạo nên những giá trị đạo đức, tinh thần cao đẹp, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Văn hóa còn là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Chính vì thế, để đất nước phát triển bền vững, không chỉ dựa vào sức mạnh kinh tế và quân sự mà còn phải dựa vào sức mạnh văn hóa, tạo nên nền tảng vững chắc để phát triển bền vững và toàn diện. Tổng Bí thư cho rằng, việc đọc sách không chỉ giúp nâng cao tri thức mà còn giúp con người hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa và truyền thống của dân tộc.

Hơn 30 năm (từ những năm 1990 cho đến nay), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có gần 40 tác phẩm, công trình nghiên cứu về văn hóa. Trong đó có cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” xuất bản tháng 6 vừa rồi là sự thể hiện nhất quán quan điểm về phát triển văn hóa dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Văn hóa trong cách nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự cụ thể hoá, hiện thực hoá những vấn đề có tính mặt trận, làm cho văn hóa trở nên gần gũi, dễ sử dụng, điều tiết cho sự phát triển bền vững. Mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự quốc phòng đều được cụ thể hoá với góc nhìn và tư duy văn hoá, chứ không hoàn toàn là những lập trường, quan điểm chính trị. Chính trong thời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã xuất hiện rất nhiều những khái niệm về văn hóa: Văn hoá chính trị, văn hoá ngoại giao, văn hoá quân sự,… và cả văn hoá cầm quyền.

Ngay đường lối ngoại giao mang bản sắc “cây tre Việt Nam” mà Tổng Bí thư đề cập, cũng chính là một biểu hiện của văn hóa. Một kiểu làm ngoại giao bền vững, dẻo dai, linh hoạt, “lạt mềm buột chặt” mà ông cha ta từng vận dụng trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm.

Cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời ngăn chặn các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống; giúp người dân nhận thức rõ hơn về vai trò và trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ văn hóa dân tộc; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về văn hóa, xem đó là một giải pháp quan trọng quảng bá sức mạnh mềm Việt Nam. Điều này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo điều kiện cho văn hóa Việt Nam tiếp thu những tinh hoa văn hóa thế giới.

Những nỗ lực và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thúc đẩy văn hóa Việt Nam phát triển và hội nhập. Những đóng góp này không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của một nhà lãnh đạo mà còn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ trong việc bảo vệ và phát huy văn hóa dân tộc. Qua đó, văn hóa Việt Nam không chỉ được bảo tồn mà còn ngày càng phát triển, khẳng định vị thế của mình trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa./.