Theo đề xuất từ Bộ Công an, không chỉ đơn thuần là đổi tên, thẻ căn cước còn có rất nhiều điểm mới so với thẻ CCCD. Ví dụ mục "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú", trên mặt thẻ căn cước sẽ không còn thông tin về đặc điểm nhân dạng, vân tay ngón trỏ trái và ngón trỏ phải…
Theo quy định tại Luật Căn cước, kể từ 1/7, cơ quan chức năng sẽ bắt đầu cấp thẻ căn cước, mẫu thẻ CCCD gắn chip sẽ dừng sản xuất. Một số trường hợp bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước, gồm:
- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước;
- Thẻ CCCD gắn chip hết hạn sau ngày 1/7 (thời hạn in trên mặt trước, góc dưới cùng bên trái của thẻ), thì phải đổi sang thẻ căn cước;
- Luật Căn cước quy định các loại chứng minh nhân dân sẽ có giá trị đến hết ngày 31/12/2024. Sau thời điểm này, người dân bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước.
Ngoài ra, người dân có thể làm thủ tục cấp thẻ căn cước (theo nhu cầu) trong một số trường hợp sau:
- Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi, thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước lần đầu, thông qua người đại diện. Đây là quy định mới tại Luật Căn cước so với Luật CCCD, nhằm mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước;
- Công dân đã có thẻ CCCD gắn chip nhưng muốn đổi sang thẻ căn cước;
- Công dân có thay đổi thông tin về nhân thân, thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính…
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Công an khuyến cáo, người dân không nên đổ xô đi đổi thẻ căn cước, bởi thẻ CCCD cũ vẫn có thể sử dụng đến khi hết thời hạn in trên bề mặt.
Tuy vậy, trong trường hợp xảy ra việc người làm thủ tục cấp thẻ căn cước tăng đột biến, Bộ Công an sẽ đáp ứng được, vì đã chủ động xây dựng kế hoạch cả về nhân lực và vật lực, đến tận công an cấp xã, để phục vụ nhu cầu của người dân.
(*) Nguồn: Thanh Niên