Trước đó, dự luật đã được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Phiên họp thứ 37. Với 9 chương, 71 điều, dự luật đã tập trung cụ thể hóa 5 chính sách gồm: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Đặc biệt, Ban soạn thảo gửi gắm nhiều kỳ vọng đối với dự luật này: không chỉ khắc phục những vướng mắc, bất cập hiện hữu mà còn phải kiến tạo được một số chính sách mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của đội ngũ nhà giáo. Theo đó, dự luật đã tập trung vào các quy định nhằm chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Đảng, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, sự phát triển của giáo dục, khoa học, công nghệ trên thế giới để thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; có chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp, tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo nhằm thu hút, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề; bảo đảm sự bình đẳng giữa nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập; thống nhất đầu mối và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với nhà giáo.
Mong muốn, mục tiêu là vậy, nhưng tiếc là dự luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37 vẫn còn một số vấn đề căn cốt chưa được xử lý thấu đáo. Trong đó, ngay từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cũng chưa được xác định rõ, chưa bao quát được toàn diện các đối tượng nhà giáo trong cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, các loại hình công lập, ngoài công lập tương ứng với từng nhóm chính sách đặc thù; chưa làm rõ được mối quan hệ giữa các quy định của dự thảo Luật về nhà giáo công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập với các quy định của Luật Công chức, Luật Viên chức, Bộ luật Lao động.
Hay các chính sách đối với nhà giáo, đặc biệt là các chính sách mới, đặc thù thì dự luật vẫn chưa “cân, đo, đong, đếm” được mức độ, liều lượng cụ thể để “vừa thống nhất, vừa đặc thù, vừa đủ mạnh nhưng vừa phải bảo đảm sự liên thông cho đội ngũ nhà giáo thuận lợi trong quá trình hoạt động” bởi như nhận định của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, “khác biệt, đặc thù theo hướng một mình một kiểu thì có khi lại dở chứ không phải là tốt”.
Dự án Luật Nhà giáo quả thực là dự luật rất khó bởi đây là luật mới, lần đầu tiên xây dựng, lại trong bối cảnh đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới nhà giáo. Nhưng khó hơn nữa là bởi dự luật điều chỉnh một đối tượng hết sức đặc biệt: đội ngũ nhà giáo với sứ mệnh cao cả trong sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp "trồng người" cũng là những người luôn là tâm điểm chú ý của cả xã hội.
Ý tưởng xây dựng một dự luật về nhà giáo đã có từ những năm 2004, 2005. Đến năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt vấn đề xây dựng dự luật nhưng vì nhiều lý do nên cũng chưa được thông qua. 5 năm sau đó, năm 2015, đề tài cấp Nhà nước nghiên cứu về Luật Nhà giáo được nghiệm thu, là cơ sở để xây dựng dự án Luật Nhà giáo.
“Chúng ta có nhiều văn bản, tưởng như đủ và tưởng như đồng bộ, nhưng việc CẦN với đội ngũ nhà giáo và ngành giáo dục là CẦN một văn bản có tính chất chuyên ngành sâu và đủ mạnh, đó là Luật Nhà giáo”. Nhấn mạnh điều này tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đồng thời cam kết, ban soạn thảo sẽ tăng tốc phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, trên tinh thần hết sức khoa học, thực tiễn, thận trọng và cầu thị để tiếp thu, giải trình tối đa các ý kiến, nội dung nào tiếp thu là phải có căn cứ pháp lý, căn cứ khoa học, căn cứ thực tiễn, nội dung nào không tiếp thu thì phải giải trình cặn kẽ để bảo đảm được tính đồng bộ trong pháp lý và thực hiện được.
Với tinh thần đó, có thể trông đợi và chắc chắn phải có phiên bản dự thảo Luật Nhà giáo chất lượng hơn ngay tại Phiên họp thứ 38 này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.