Vì vậy, bên cạnh việc UBND tỉnh, các ngành, các địa phương căn cứ các nghị quyết của HĐND tỉnh sớm tiến hành triển khai thực hiện các công trình, dự án, thì rất cần sự vào cuộc giám sát kịp thời, sâu sát của cơ quan dân cử các cấp và Nhân dân.

Tạo dựng hành lang pháp lý kịp thời

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia những tháng cuối năm 2022 và những năm sau là một trong những nhiệm vụ, giải pháp rất quan trọng, cần ưu tiên tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện; đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lắp, lãng phí; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

1--Dong-chi-Nguyen-Nhu-Khoi---Uy-vien-Ban-Chap-hanh-Dang-bo-tinh-Pho-Chu-tich-HDND-tinh-tham-gian-hang-san-pham-OCOP-tai-huyen-Quy-Chau.JPG
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thăm gian hàng sản phẩm OCOP tại huyện Quỳ Châu

Ngay khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 cho các địa phương thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia tại Quyết định số 652/QĐ-TTg và số 653/QĐ-TTg ngày 28/5/2022, UBND tỉnh Nghệ An đã khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ nguồn ngân sách nhà nước trung hạn và hàng năm cho các ngành, các cấp của địa phương.

Đến 30/6 tỉnh Nghệ An là một trong số những tỉnh sớm nhất trong cả nước ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc phân bổ và Quyết định của UBND tỉnh giao kế hoạch thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh, đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Trung ương. Đến ngày 12/10/2022, với sự nỗ lực của toàn thể các cấp, các ngành, UBND tỉnh đã hoàn thành và trình HĐND tỉnh chính thức thông qua danh mục dự án chi tiết của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại các Nghị quyết số 45/NQ-HĐND, 46/NQ-HĐND, 47/NQ-HĐND.

2--Can-bo-xa--Nghi-Long-Nghi-Loc-trao-doi-voi-nguoi-dan-ve-mo-hinh-san-xuat-nong-nghiep--Anh-Thanh-Duy.JPG
Cán bộ xã Nghi Long, Nghi Lộc trao đổi với người dân về mô hình sản xuất nông nghiệp. Ảnh Thành Duy

Như vậy, với sự phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả giữa HĐND và UBND tỉnh; đặc biệt là không chờ đến kỳ họp thường lệ, Thường trực HĐND tỉnh đã triệu tập các kỳ họp chuyên đề (Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 9) để kịp thời xem xét thông qua các dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình, nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng kịp thời phân bổ nguồn vốn quan trọng, có tác động rất sâu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh cũng như đời sống của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn tỉnh nhà.

Cho nên đến nay, Nghệ An cơ bản đã hoàn thiện các văn bản hướng dẫn theo quy định, đồng thời đã giao danh mục dự án chi tiết cho các Chương trình mục tiêu quốc gia. Qua đó cũng thể hiện việc cụ thể hóa Quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả vì sự phát triển chung của tỉnh.

3--Du-khach-xem-nguoi-dan-ban-dia-bieu-dien-van-nghe-khi-ve-du-lich-cong-dong-tai-Con-Cuong-Nghe-An.JPG
Du khách xem người dân bản địa biểu diễn văn nghệ khi về du lịch cộng đồng tại Con Cuông, Nghệ An

Giải ngân đúng tiến độ, tuyệt đối không để trục lợi chính sách

Tuy nhiên, Nghệ An là tỉnh có số lượng dự án và đối tượng thụ hưởng lớn. Giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi triển khai 9 dự án thành phần với 708 dự án chi tiết; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững triển khai 2 dự án thành phần với 48 dự án chi tiết; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai tại 411 xã với 988 dự án chi tiết. Tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương đã giao cho tỉnh Nghệ An để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là hơn 4.931 tỷ đồng, riêng năm 2022 được phân bổ hơn 1.295 tỷ đồng.

4--gio-hoc-ngoai-khoa-cua-hoc-sinh-quy-chau.jpg
Giờ học ngoại khóa của học sinh Quỳ Châu

Cùng với đó, do số lượng văn bản hướng dẫn của Trung ương là rất lớn (73 văn bản bao gồm các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các Bộ, ngành), đối tượng và nội dung thực hiện mới, nhiều dự án thành phần nên nhìn chung việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 là nhiệm vụ tương đối khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp, nghiên cứu và nỗ lực của toàn thể các cấp, các ngành.

Trong bối cảnh đó, nhất là thời gian còn lại của năm nay chỉ hơn 2 tháng, trong khi số vốn cần giải ngân năm nay hơn 1.295 tỷ đồng nên đảm bảo được yêu cầu đề ra, Nghệ An đã rốt ráo triển khai nhiều giải pháp. Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức làm việc với UBND các huyện, thành, thị để thống nhất các mốc thời gian, lộ trình cần thực hiện.

Theo đó, đối với 156 dự án trả nợ và chuyển tiếp (Chương trình giảm nghèo bền vững 3 dự án, Chương trình nông thôn mới 153 dự án) cần hoàn thành điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn trong Quyết định phê duyệt dự án, gửi về Cơ quan chủ Chương trình và Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 30/10/2022.

Đối với 785 dự án khởi công mới có tổng mức đầu tư dự kiến dưới 15 tỷ đồng/dự án (Chương trình dân tộc miền núi 296 dự án, Chương trình giảm nghèo bền vững 22 dự án, Chương trình nông thôn mới 467dự án) cần hoàn thành quyết định phê duyệt dự án và hồ sơ kèm theo gửi về Cơ quan chủ Chương trình và Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 5/11/2022.

Đối với 35 dự án khởi công mới có tổng mức đầu tư dự kiến trên 15 tỷ và dưới 100 tỷ/dự án (Chương trình dân tộc miền núi 19 dự án, Chương trình giảm nghèo bền vững 14 dự án, Chương trình nông thôn mới 2 dự án) cần hoàn thành quyết định phê duyệt dự án và hồ sơ kèm theo gửi về Cơ quan chủ Chương trình và Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15/11/2022.

5--Nong-thon-moi-xa-Hung-Thong-hung-Nguyen-ngay-cang-khang-trang-xanh---sach---dep.JPG
Nông thôn mới xã Hưng Thông, hưng Nguyên, ngày càng khang trang, xanh - sạch - đẹp

Đối với dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng gồm 1 dự án thuộc Chương trình dân tộc miền núi, đảm bảo hoàn thành quyết định phê duyệt dự án và gửi về Cơ quan chủ Chương trình và Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 12/12/2022.

Đặc biệt tại cuộc làm việc này, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang tham mưu trình Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền cho phép cấp huyện phê duyệt những dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia có vốn đầu tư dưới 15 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ trên quan điểm phân cấp, phân quyền.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cũng lưu ý, lãnh đạo UBND các huyện, thành, thị khi được ủy quyền phê duyệt các dự án trên phải thực hiện chặt chẽ, cần làm rõ vốn đối ứng của cấp huyện, cấp xã để không vi phạm quy định của Luật Đầu tư công, cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn, tránh để xảy ra nợ công do không bố trí được vốn đối ứng.

Bởi theo ông Phan Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An phân tích: Khác với giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định, các dự án đầu tư thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia không phải ban hành chủ trương đầu tư nên dễ xảy ra tình trạng không kiểm soát được từ đầu tổng mức đầu tư, quy mô dự án và khả năng cân đối với cấp huyện, xã.

Trên cơ sở đó, vị lãnh đạo Sở Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An đề nghị: Đối với các dự án cần vốn đối ứng ngân sách cấp huyện, cấp xã, trường hợp trình cấp tỉnh phê duyệt, cấp huyện cần gửi văn bản cam kết vốn đối ứng từ ngân sách cấp huyện, cấp xã khi trình. Trường hợp, dự án do cấp huyện phê duyệt thì khi gửi quyết định phê duyệt dự án để trình UBND tỉnh bố trí vốn phải kèm theo các văn bản liên quan xác định khả năng cân đối vốn của ngân sách huyện, xã.

6--Nuoi-ca-tren-long-ho-thuy-dien-Hua-Na-Que-Phong--Anh-Thanh-Duy.jpeg
Nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Hủa Na, Quế Phong. Ảnh Thành Duy

Tại cuộc làm việc trực tuyến với lãnh đạo các huyện, thành, thị vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long đặc biệt lưu ý các địa phương cấp huyện cần bám sát các mốc thời gian nêu trên để toàn diện triển khai hiệu quả, kịp thời, không để nợ đọng, bởi khối lượng cần thực hiện ở địa phương rất lớn khi 972 dự án thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trong năm nay, cấp tỉnh chỉ làm chủ đầu tư 5 dự án thuộc 3 sở, cấp huyện làm chủ đầu tư 19 dự án, còn lại là cấp xã làm chủ đầu tư.

Mặt khác, 3 chương trình mục tiêu quốc gia là các chương trình quan trọng, có tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh và Nhân dân rất quan tâm, mong chờ; vì vậy, bên cạnh việc UBND tỉnh giao các ngành, các địa phương căn cứ nghị quyết của HĐND tỉnh sớm tiến hành triển khai thực hiện các công trình, dự án; phấn đấu giải ngân đúng tiến độ được giao, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân thì rất cần sự vào cuộc giám sát kịp thời, sâu sát của cơ quan dân cử các cấp và Nhân dân.

Thảo luận tại diễn đàn kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nghệ An nói rằng, 3 chương trình mục tiêu quốc gia có mục tiêu rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước triển khai đến người dân, đặc biệt là người dân còn khó khăn. Do đó, ông cho rằng các cấp chính quyền ở địa phương tăng cường kiểm tra, sâu sát để đảm bảo hiệu quả đồng vốn, không để tiêu cực xảy ra. “Cái gì chúng ta thực hiện được theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” thì phải khuyến khích vì rất sát với người dân”, ông gợi ý giải pháp, đồng thời bày tỏ quan điểm cần xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra thất thoát.

7--Mot-goc-trung-tam-thi-tran-huyen-Con-Cuong--Anh-Thanh-Duy.jpg
Một góc trung tâm thị trấn huyện Con Cuông. Ảnh Thành Duy

Đây cũng là vấn đề được Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh khi phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 9 (Kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII vừa qua. Theo đó, Thường trực, các Ban và các đại biểu HĐND tỉnh, các cấp ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; kịp thời góp ý và phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, trục lợi chính sách, làm lãng phí, thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.