TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG
Để đưa tin kịp thời về những trận đánh quyết liệt chống lại chiến dịch ném bom rải thảm của B 52 Mỹ vào Hà Nội và những thành phố lớn trong cả nước mà phía Mỹ gọi là chiến dịch Linebacker II trong 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972, Báo Nhân dân thành lập một tổ phóng viên xung kích do nhà báo Phạm Thanh làm Tổ trưởng gồm các nhà báo trẻ, khỏe, có sức viết dồi dào như Hồng Vinh, Đỗ Quảng, Trần Quỳnh, Anh Chính... Phụ trách chung ở tầm Ban Biên tập là nhà báo Thép Mới.
Linebacker I được coi là chiến dịch ném bom ồ ạt Miền Bắc của không lực Hoa Kỳ từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1972 nhắm vào các sân bay, các căn cứ quân sự, nhất là các trận địa tên lửa, cao xạ; các kho xăng dầu, cầu phà, phong tỏa cảng Hải Phòng. Trận 16-4 đánh vào Hải Phòng trong đêm, Mỹ đã huy động 261 phi vụ chiến thuật và 9 phi vụ B 52. Tướng Mormoyer, Tham mưu trưởng Không lực Hoa Kỳ huênh hoang tuyên bố: "B-52 của Không quân chiến lược Hoa Kỳ có thể đánh bất cứ địa điểm nào trên miền Bắc Việt Nam mà không gặp phải sự kháng cự đáng kể của đối phương".
Về Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không, hồi ký của Thép Mới (chưa xuất bản) viết: “Chưa bao giờ tờ báo đối với người Hà Nội đáng yêu đến như thế! Thực hiện chỉ thị còn mới của Ban Bí thư về công tác báo nhấn rất mạnh sự “Tranh thủ trí tuệ của toàn xã hội”, chúng ta (Báo Nhân dân) lôi cuốn cả Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận và nhiều cây viết tên tuổi cộng tác với chúng ta. Vì chúng ta hiểu rằng đồng bào Miền Nam chịu họ hơn chúng ta nhiều. Đặc biệt sau đêm chiến thắng rực rỡ 26-12-1972, báo sáng 28 chúng ta ra lời kêu gọi bạn đọc viết cho mục “Viết tại chỗ về Hà Nội – Điện Biên Phủ”, sáng tạo ra thành ngữ “Điện Biên Phủ trên không”, thì chiều 29 trong cuộc họp tuyên huấn, chính đồng chí Tố Hữu đặt trọng tâm vào sự chống chủ quan, khinh địch..”
Kêu gọi viết cho mục “Viết tại chỗ về Hà Nội – Điện Biên Phủ”, Báo Nhân dân số thứ Sáu, ngày 29-12-1972 viết:
Chúng ta đang sống những ngày mang một ý nghĩa lịch sử sâu xa. Cũng như nhiều sự kiện lịch sử, ý nghĩa đó, bản thân những người làm nên lịch sử nhiều khi chưa lường hết được. Có người nói: “Hà Nội đang thắng một trận Điện Biên Phủ trên không”. Mỗi chiếc B 52 mà chúng ta diệt, phải chăng cũng là một thứ cứ điểm Điện Biên Phủ? Xin mượn ý đó để đặt tên mục này là Viết tại chỗ về Hà Nội – Điện Biên Phủ”.
***
Sau Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán để tìm đường rút lui trong danh dự. Phía ta coi như mở thêm một mặt trận ngoại giao để tranh thủ sự ủng hộ của thế giới, giảm bớt sức căng ở chiến trường. Tính từ phiên khai mạc ngày 13-5-1968, cho đến khi Hiệp định được ký kết, ngày 27-1-1973, Hội nghị kéo dài 57 tháng trời, dài như cuộc chiến tranh thế giới thứ hai! Mục tiêu của ta là đất nước sạch bóng xâm lược, tốt nhất là làm cho Mỹ rút hết quân, không can thiệp, giảm bớt hy sinh đến mức tối đa.
Chiến dịch Linebacker II có một nguyên nhân trực tiếp từ Hội nghị Pa-ri: Tháng 10-1972, hai bên đã thỏa thuận một văn bản Hiệp định về chấm dứt chiến tranh ở Miền Nam Việt Nam. Suốt 5 năm trời, có một điểm khó nhất, tốn nhiều thời gian nhất là Mỹ đòi nếu Mỹ rút quân về nước thì quân Miền Bắc cũng rút khỏi Miền Nam. Đương nhiên ta không chịu. Đến tháng 10-1972, hai bên đã đạt được thỏa thuận về văn bản chính thức của Hiệp định. Kít-xinh-giơ tuyên bố trước thế giới: Hòa bình trong tầm tay! Nhưng phe diều hâu ở Nhà trắng còn muốn chơi một ván bài sinh tử, để phô trương sức mạnh Mỹ và xoa dịu ấm ức của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Phái đoàn Mỹ nại ra hàng chục điều cần sửa đổi. Ngày 23-11-1972, Henry Kissinger đã đọc bức điện của Nixon với nội dung đe dọa ngừng đàm phán, ném bom trở lại.
Ngày 14 tháng 12, Tổng thống Nixon nói với Đô đốc Thomas Moorer, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu truởng liên quân Hoa Kỳ: "Điều may mắn của ông là được sử dụng một cách hiệu quả sức mạnh quân sự của chúng ta để thắng cuộc chiến tranh này”.
Ngày 15-12 Cố vấn Lê Đức Thọ và Kissinger chia tay, ngừng đàm phán, bước lên máy bay ai về nhà nấy từ sân bay Le Bourger (Paris). Tối 18 tháng 12, Lê Đức Thọ vừa về đến Hà Nội, những trái bom từ bụng B 52 Mỹ cũng ào ạt ném xuống thủ đô Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Không có gì bất ngờ! Hàng nghìn năm đánh giặc, đã cho Nhân dân ta những bài học xương máu, những kinh nghiệm quý giá, một nền nghệ thuật quân sự đỉnh cao. Ngày 19-7-1965, đến thăm Trung đoàn 324, bộ đội Phòng không-Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dù đế quốc Mỹ lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay “bê” gì đi nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh. Mà đã đánh là nhất định thắng”.
Vào một buổi tối mùa xuân năm 1968, Bác Hồ lại nói với đồng chí Phùng Thế Tài, lúc này là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam, phụ trách PKKQ: :“Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra ném bom Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua... Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Tháng 9-1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định: Năm 1972, hoặc là địch sẽ rút nếu đạt được giải pháp; nếu chưa đạt, địch có thể tập trung không quân đánh phá mạnh ra miền Bắc.
Đầu tháng 12-1972, Tổng Bí thư Lê Duẩn xuống Sở chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân, trực tiếp chỉ thị cho Tư lệnh Lê Văn Tri “Trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ném bom Hà Nội; quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”.
Trước đó, một trung đoàn tên lửa của bộ đội Phòng không Hà Nội đã bí mật vào Khu Bốn, gồm cả Trị Thiên để đánh B52, tổng kết thành sách đỏ, phổ biến trong toàn quân; bộ đội ra đa tổng kết kinh nghiệm chống nhiễu và phát hiện B 52.
Từ tháng 5-1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ Tổng Tư lệnh, Cục Tác chiến và Quân chủng Phòng không đặt vấn đề: "Tỷ lệ B-52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?". Các phương án được đưa ra:
N1: Nếu chỉ 1-2% (trên tổng số B-52 tham chiến) bị bắn rơi thì Mỹ còn chịu đựng được.
N2: Nếu 6 - 7% B52 bị bắn rơi thì Nhà trắng rung chuyển, chính quyền lung lay.
N3: Nếu tỷ lệ B52 bị bắn rơi hơn 10%, Mỹ buộc chấp nhận thua cuộc.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị phải phấn đấu mức N3.
Trong 12 ngày đêm Tháng Chạp năm 1972, Mỹ đã huy động 197 trên tổng số 400 chiếc B52 Mỹ có. Quân dân ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 B52 (17,6%, vượt mức N3). Đó là những ngày hào hùng “pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ” nhưng cũng là những ngày đau thương. Ngày 26-12, phố Khâm Thiên đổ nát, 287 người dân bị giết hại trong đêm. Bệnh viện Bạch Mai bị san phẳng. Chúng không đẩy được Việt Nam về thời kỳ đồ đá như tuyên bố nhưng đã gieo tang tóc và sức phá hoại khủng khiếp. Tôi được nghe nhà báo Thép Mới trực tiếp kể rằng, ngày 25-12, ông đến khách sạn Thống Nhất trên đường Tràng Tiền để gặp một số khách và nhà báo nước ngoài. Đó là ngày thứ 7 Hà Nội và các thành phố lớn phải hứng chịu những trận mưa bom không ngớt. Có một ông khách vừa sợ hãi, vừa lo lắng cho ta thốt lên "Bom B52 ném thế thì Hà Nội sập hết, còn gì! Hà Nội phải làm thế nào?" Một nữ tự vệ, một cô gái Hà Nội, nhân viên phục vụ khách sạn Thống Nhất trả lời: "Nhà cửa có thể sập nhưng có một thứ không sập được, đó là con người. Con người có thể chết nhưng phẩm giá không chết được”!
Ông mừng quá, học được câu này và đưa thành tít cho bài xã luận “Hà Nội, thủ đô của phẩm giá con người". Bài xã luận được đăng trên Báo Nhân dân số ra ngày 26-12-1972 làm thức dậy một sức mạnh tinh thần to lớn trong những ngày đó, góp phần làm nên chiến thắng của trận Điên Biên Phủ trên không: “Tinh thần Hà Nội, tính cách Hà Nội, đó là tổng hợp tất cả những cái gì tốt đẹp nhất trong tâm hồn Việt Nam cao quý”.
***
Trở lại câu trên Báo Nhân dân: “Có người nói: “Hà Nội đang thắng một trận Điện Biên Phủ trên không”. “Có người nói” cũng có thể là cách diễn đạt ý mình (đây là Thép Mới, tác giả chuyên mục), cũng có thể thuật lại lời người khác, nhưng vậy thì ai nói? Tôi tin chắc rằng, cảm giác về tầm vóc chiến thắng B52 trên bầu trời Hà Nội mang tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên 1954 xuất hiện trong nhiều trái tim người Việt Nam, nhất là những người có kinh nghiệm trận mạc. Ta hãy nghe Nhạc sĩ Phạm Tuyên kể: “Đêm 26-12-1972, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên thắng lớn. Trong không khí hồ hởi, ngay sáng hôm sau 27-12, tại phòng giao ban của Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Giám đốc Trần Lâm thông báo: Đêm qua bộ đội ta bắn rơi 8 chiếc B-52. Riêng Hà Nội diệt 5 pháo đài bay, có 4 chiếc rơi tại chỗ. Từ Sở chỉ huy tối cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương các đơn vị lập công và ra lời kêu gọi: “Kẻ địch thua đau và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn. Nhưng, chúng vẫn còn ngoan cố kéo dài cuộc tập kích. Các đơn vị hãy bắn rơi nhiều B-52 hơn nữa, hãy giáng cho không quân Mỹ một đòn “Điện Biên Phủ” ngay trên bầu trời Hà Nội, Thủ đô thân yêu của chúng ta”. (Xem Báo Phòng không – Không quân, số ra ngày 1-12-2022). Lời của Đại tướng đã tạo cho Nhạc sĩ Phạm Tuyên niềm xúc động sâu sắc, có ngay bài hát “Hà Nội - Điện Biên Phủ” đăng trên Báo Nhân dân ngày 29-12 trong đó có những câu: “Bê năm hai tan xác cháy sáng bầu trời. Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời. “Rồng” ta lao vút... Một trận Điện Biên nay sẽ vùi mộng xâm lăng. Hà Nội ơi!... Tự hào thay dáng đứng Việt Nam, Một Điện Biên sáng chói, Hà Nội ơi!”...
Hà Nội - Điện Biên Phủ (Sáng tác: Nhạc sỹ Phạm Tuyên)
Những sáng tạo, những chiến công lớn đều từ Nhân dân mà ra.
Thép Mới (1925-1991), quê Nam Định, tên khai sinh là Hà Văn Lộc. Năm 1943, đang là sinh viên Luật năm thứ nhất thì ông bỏ học, tham gia cách mạng. Năm 1945, ông làm cho Báo Cờ giải phóng, rồi Cứu quốc, Sự thật, những tờ báo tiền thân của Báo Nhân dân. Ông là một cây tùy bút hàng đầu, phù thủy của chữ nghĩa không những của Báo Nhân dân, mà ai cũng ngưỡng mộ khi đọc “Cây tre Việt Nam”. Ông là người luôn sáng tạo ra những từ, những cụm từ mới.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người uyên bác, một nhà quân sự lỗi lạc, ông là người hiểu rõ ý nghĩa của từng trận đánh, từng chiến dịch, nên so sánh Hà Nội là Điện Biên Phủ trên không là điều đáng tin.
Nhưng cả hai người nay đã mất, hai người khi đang sống không ai trực tiếp nhận mình là người sáng tạo ra cụm từ ấy.
Đó là tổng kết từ ý chí của Nhân dân, chiến thắng của Nhân dân. Và mọi vinh quang đều thuộc về Nhân dân. Đại tướng và nhà báo lỗi lạc Thép Mới không cần thêm một vinh quang nào khác!