- Cử tri khối 7, phường Quang Trung, thành phố Vinh phản ánh các nhà chung cư cũ thuộc khối 7, khối 8, khu C - Quang Trung xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của người dân, tuy nhiên tiến độ thực hiện dự án cải tạo còn chậm. Đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với chủ đầu tư (Công ty phát triển nhà Hà Nội 30) đẩy nhanh tiến độ theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Khu chung cư cũ Quang Trung tại phường Quang Trung, thành phố Vinh được Chính phủ Cộng hòa dân chủ Đức viện trợ xây dựng, gồm 04 khu: A, B, C, D với tổng số 22 nhà cao 05 tầng.
Dự án Cải tạo, xây dựng lại Khu C, Khu chung cư Quang Trung, thành phố Vinh (sau đây viết tắt là dự án Khu C Quang Trung) do Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 30 làm chủ đầu tư, đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tại Quyết định số 116/QĐ-UBND.CN ngày 03/4/2008, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 2537/QĐ.UBND-XD ngày 03/6/2016; Cấp giấy chứng nhận đầu tư số 27111000105 ngày 30/9/2011; Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, mã số dự án 8050526078, chứng nhận thay đổi lần thứ hai ngày 22/6/2022. Theo quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt, quy mô chính của dự án như sau:
- Tổng diện tích khu đất: 72.240m2;
- Công trình nhà ở chung cư cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại (gồm: 08 toà chung cư, ký hiệu CT1A, CT1B, CT2, CT3A, CT3B, CT4A, CT4B, CT5 tầng cao 22 tầng nổi và 01 tầng hầm, mật độ xây dựng 67,9-100%);
- Công trình nhà ở liền kề thấp tầng kết hợp dịch vụ thương mại (gồm: 07 khu LK01, LK02, LK03, LK04, LK05, LK06, LK07 với tổng số 64 lô quy hoạch, tầng cao 3,5 tầng, mật độ xây dựng 100%);
- Công trình dịch vụ thương mại (gồm Trung tâm thương mại và Chợ);
- Công trình giáo dục (nhà trẻ, trường mầm non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở);
- Khu cây xanh, thể dục thể thao và bãi đỗ xe.
* Về tiến độ thực hiện dự án: Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 30 được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án từ những năm 2008 và đã được UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư gia hạn tiến độ dự án nhiều lần.
Ngày 22/6/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chứng nhận thay đổi lần thứ hai, trong đó quy định về tiến độ thực hiện:
- Giai đoạn 1 (Quý II/2008-Quý I/2022): Đã hoàn thành.
- Giai đoạn 2 (Quý II/2022-Quý II/2023): Phá dỡ nhà C7, C8, C9. Tổ chức thi công nhà chung cư CT3, CT3B, trung tâm thương mại, một phần khu nhà liền kề LK05 (kể cả tầng hầm, bãi để xe), hệ thống hạ tầng kỹ thuật và khu cây xanh thể thao xung quanh khu vực các tòa nhà. Tổ chức tái định cư cho cư dân các nhà C5, C6 vào nhà chung cư CT3A; các nhà chung cư C2, C3, C4 vào nhà chung cư CT3B.
- Giai đoạn 3 (Quý III/2023-Quý IV/2023): Phá dỡ các nhà C2, C3, C4, C5, C6. Tổ chức khởi công chợ; Tổ chức khởi công nhà chung cư CT2, CT4; Thi công các khu nhà liền kề LK02, LK03, LK04, LK07, một phần khu nhà LK05, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và khu cây xanh thể thảo xung quanh khu vực các tòa nhà.
- Giai đoạn 4 (Quý IV/2023): Tổ chức khởi công nhà chung cư CT4B, CT5; Thi công khu nhà liền kề LK06. Đầu tư xây dựng một phần các công trình công cộng, cây xanh, khu thể dục thể thao, công trình hạ tầng kỹ thuật…
Qua kiểm tra, hiện nay chủ đầu tư đã hoàn thành nhà chung cư tái định cư CT1B (để tái định cư cho các cư dân nhà chung cư cũ C7, C8, C9), chung cư CT1A, khu nhà ở liền kề LK01 (10 nhà) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật xung quanh các hạng mục này; đang triển khai thi công nhà chung cư tái định cư CT3B (để tái định cư cho các cư dân nhà chung cư cũ C2, C3, C4). Như vậy, khối lượng chủ đầu tư triển khai đầu tư xây dựng mới đạt khoảng 20% so với quy mô của Dự án.
Đối chiếu thực trạng triển khai đầu tư xây dựng của chủ đầu tư dự án với yêu cầu tiến độ dự án thì Việc cử tri khối 7, phường Quang Trung, thành phố Vinh phản ánh tiến độ thực hiện dự án Khu C Quang Trung còn chậm là đúng.
*Nguyên nhân:
- Chủ đầu tư chưa thực sự chủ động trong quá trình tổ chức thực hiện dự án; chưa phối hợp tốt với UBND thành phố Vinh, UBND phường Quang Trung trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân.
- Chính quyền địa phương (UBND thành phố Vinh, UBND phường Quang Trung) chậm trễ trong công tác tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với các nhà chung cư cũ dự án Khu C Quang Trung.
- Có một bộ phận người dân không đồng ý với phương án bồi thường mặc dù đa số đã đồng thuận. Hiện nay, chung cư cũ C8 có 49 hộ, có 48 hộ đã thống nhất phương án bồi thường và đã di chuyển ra khỏi chung cư, chỉ còn 01 hộ không đồng thuận phương án bồi thường mặc dù đã được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhiều lần; dẫn đến việc phá dỡ nhà chung cư cũ C8 để xây dựng chung cư tái định cư chưa thực hiện được cũng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án.
* Trách nhiệm: Trách nhiệm trong việc triển khai dự án Cải tạo, xây dựng lại Khu C, khu chung cư Quang Trung, thành phố Vinh chậm tiến độ thuộc về:
- Trách nhiệm trước tiên thuộc về chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 30;
- Chính quyền địa phương (UBND thành phố Vinh và UBND phường Quang Trung) có trách nhiệm do chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng dự án;
- Ngoài ra, có trách nhiệm của một bộ phận số ít người dân không đồng thuận với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
* Giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án: Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Cải tạo, xây dựng lại Khu C, khu chung cư Quang Trung, thành phố Vinh, UBND tỉnh Nghệ An sẽ chỉ đạo:
- Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 30 tập trung bố trí nguồn lực khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Cải tạo, xây dựng lại Khu C, khu chung cư Quang Trung, thành phố Vinh đảm bảo đúng tiến độ đã được phê duyệt. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ thi công nhà chung cư CT3B để bố trí tái định cư cho các cư dân nhà chung cư cũ C2, C3, C4.
- UBND thành phố Vinh:
+ Tổ chức phổ biến, tuyên truyền rộng rãi các quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn hiểu và thực hiện có hiệu quả chính sách. Trước mắt tập trung vận động, thuyết phục 01 hộ dân còn lại chưa đồng thuận để sớm hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, phá dỡ nhà chung cư cũ C8 để có mặt bằng triển khai thi công Chung cư CT3A tái định cư cho các hộ dân chung cư cũ C5, C6.
+ Chủ trì phối hợp với chủ đầu tư khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt phương án chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư đối với các nhà chung cư cũ dự án Khu C Quang Trung, hoàn thành và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 30/11/2022.
- Cử tri phường Trường Thi, thành phố Vinh đề nghị UBND tỉnh sớm có văn bản hướng dẫn, thực hiện công tác chuyển đổi mô hình quản lý, đầu tư và kinh doanh, khai thác chợ.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Ngày 08/12/2016, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 72/2016/QĐ-UBND về việc ban hành “Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.
Tuy nhiên, Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An được ban hành tại Quyết định 72/2016/QĐ-UBND ngày 08/12/2016 của UBND tỉnh Nghệ An hiện không phù hợp với Luật quản lý sử dụng tài sản công 2017.
Do đó, ngày 14/4/2020, UBND tỉnh có Quyết định số 10/2020/QĐ-UBND về việc bãi bỏ QĐ số 72/2016/QĐ-UBND ngày 08/12/2016 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành Quy định về quy trình chuyển đổi mô hình tổ chức, quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Hiện nay, các hướng dẫn về quản lý và phát triển chợ đang căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ; Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Công Thương đang xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ nhằm thay thế Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003; Nghị định số 114/2009/NĐ-CP Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.
Vì vậy, sau khi có Nghị định mới về quản lý và phát triển chợ. UBND tỉnh sẽ căn cứ và triển khai theo quy định.
- Cử tri thành phố Vinh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm quy hoạch đồng bộ tổng thể xây dựng nhà máy xử lý rác thải; xây dựng nhà máy sản xuất bao bì tự hủy thân thiện với môi trường.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Theo Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2019) thì không lập quy hoạch môi trường cấp tỉnh mà các vấn đề môi trường (xử lý nước thải, chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại...) được lồng ghép vào quy hoạch tỉnh Nghệ An.
Trong dự thảo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã quy hoạch hạ tầng về thu gom, xử lý chất thải rắn, theo đó đã đưa ra định hướng phát triển kết cấu hạ tầng thu gom và xử lý chất thải rắn theo vùng và theo từng huyện.
- Cử tri Hoàng Thị Thuyết, trú tại xóm Thuận Hòa, xã Hưng Hòa, thành phố Vinh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục cấp đất tái định cư cho dân cư xóm Hòa Lam trước mùa mưu lũ sắp đến.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hoà, thành phố Vinh được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 5476/QĐ-UBND-NN ngày 19/11/2013 và phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 1175/QĐ-UBND-NN ngày 29/4/2021. Bao gồm các hạng mục chính: San nền khu tái định cư; Hệ thống đường giao thông; Hệ thống cấp nước; Hệ thống thoát nước mưa; Hệ thống thoát nước thải, xử lý nước thải; Xây dựng nhà văn hóa; hệ thống điện sinh hoạt.
Đến nay, 100% hạng mục theo hợp đồng đã ký kết với nhà thầu xây lắp đã được thi công hoàn thành; Chi cục Phát triển nông thôn đã trình Sở Xây dựng xin ý kiến chấp thuận công tác nghiệm thu công trình và hiện đang chờ ý kiến chấp thuận của Sở Xây dựng. Sau khi có ý kiến của Sở Xây dựng, Chi cục sẽ tiến hành bàn giao công trình cho địa phương tổ chức đưa dân vào vùng dự án để ổn định cuộc sống. Dự kiến trong quý IV sẽ bàn giao công trình cho địa phương.
- Cử tri khối 12, phường Quang Trung, thành phố Vinh kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án mở rộng đường Phan Đình Phùng, thành phố Vinh, để tạo thuận lợi cho người dân trong sản xuất, kinh doanh và đảm bảo môi trường, mỹ quan đô thị.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Theo báo cáo của Cục Quản lý đường bộ II: Dự án xử lý điểm tiềm ẩn TNGT đoạn Km14+200 - Km15+128 Quốc lộ 46, tỉnh Nghệ An (đoạn đi trùng đường Phan Đình Phùng, thành phố Vinh) đã được Tổng cục ĐBVN cho phép đầu tư tại Quyết định số 2832/QĐ-TCĐBVN ngày 21/6/2021, được Cục QLĐB II phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công và dự toán công trình tại Quyết định số 1069/QĐ-CQLĐBII ngày 30/7/2021 và duyệt điều chỉnh giá gói thầu tại Quyết định số 150/QĐ-CQLĐBII ngày 07/3/2022. Dự án được triển khai thi công từ tháng 4/2022 và tiến độ theo hợp đồng đã ký kết giữa Chủ đầu tư với Nhà thầu là 5 tháng (150 ngày) kể từ ngày 18/4/2022 đến ngày 15/9/2022.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, Cục QLĐB II đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến yêu cầu kỹ thuật và tiến độ thi công của dự án, cụ thể như sau:
- Về công tác GPMB: Công tác GPMB do địa phương đảm nhận (UBND thành phố Vinh), quá trình triển khai thực hiện công tác GPMB của địa phương không bảo đảm theo tiến độ yêu cầu, cho nên công tác bàn giao mặt bằng sạch cho Chủ đầu tư và Nhà thầu thi công bị chậm hơn 2 tháng so với mốc thời gian dự kiến ban đầu.
- Về thời tiết: Năm 2022 thời tiết không thuận lợi, sau khi có mặt bằng sạch để triển khai thi công thì lại đúng vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết mưa nhiều cho nên cũng đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.
- Mặt khác, trong quá trình triển khai thi công trên hiện trường có phát sinh một số vấn đề sai khác so với hồ sơ thiết kế đã được duyệt cần phải điều chỉnh, bổ sung; cho nên ngày 22/8/2022, Cục QLĐB II đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xin điều chỉnh dự án. Ngày 29/8/2022, Tổng cục ĐBVN đã có văn bản số 5219/TCĐBVN-ATGT chấp thuận cho điều chỉnh giải pháp thiết kế, đồng thời đồng ý gia hạn tiến độ hoàn thành dự án đến hết ngày 31/12/2022.
Sau khi có văn bản chấp thuận cho phép điều chỉnh và gia hạn tiến độ thực hiện dự án của Tổng cục ĐBVN, Cục QLĐB II đã chỉ đạo Nhà thầu thi công cùng các bên liên quan tiến hành các công việc cần thiết và triển khai thi công ngay ngoài hiện trường, Cục QLĐB II sẽ chỉ đạo, đôn đốc Nhà thầu thi công tìm mọi biện pháp để đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành dự án trước ngày 31/12/2022.
- Cử tri xã Nghi Liên, thành phố Vinh kiến nghị đầu tư tuyến đường gom phía đông đường sắt Bắc – Nam, đoạn qua địa phận xã Nghi Liên, do hiện nay ngành đường sắt đã chắn các tuyến đi lại, không có lối ra, gây khó khăn đi lại cho nhân dân.
UBND tỉnh trả lời như sau:
+ Về nội dung cử tri phản ánh ngành đường sắt đã chắn các tuyến đi lại, không có lối ra, gây khó khăn đi lại cho nhân dân (Cử tri xã Nghi Liên, thành phố Vinh): Qua làm việc với Công ty cổ phần quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh, trong 5 năm qua, ngành đường sắt không thực hiện đóng các lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn xã Nghi Liên, thành phố Vinh. Thời gian qua, việc đi lại của nhân dân thông qua các tuyến đường trong khu vực dân cư đi ra Quốc lộ 1 qua các lối đi tự mở, đường ngang như: đường vào nhà máy bật lửa Trung Lai, đường vào Trường Cao đẳng Giao thông vận tải Miền Trung, đường vào Tiểu đoàn bộ đội, đường vào Công ty TNHH bê tông Vinh Thành,...
Vì vậy, không có tình trạng ngành đường sắt đã chắn các tuyến đi lại, không có lối ra, gây khó khăn đi lại cho nhân dân như cử tri phản ánh ở trên.
- Về nội dung đầu tư xây dựng tuyến đường gom phía Đông đường sắt Bắc – Nam: Dự án đầu tư xây dựng đường gom phía Đông đường sắt Bắc – Nam đoạn qua xã Nghi Liên được UBND tỉnh Nghệ An cho phép lập dự án tại Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 27/10/2015, với chiều dài 6,2 km. Trong đó, đoạn từ Km2+474-Km6+223 (giao với QL.48E chợ Quán Hành) do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng. Đoạn còn lại từ điểm đầu Km0+00 (đấu nối vào vị trí QL1A giao với đường sắt thuộc địa phận xã Nghi Kim) đến Km2+474 (vuốt nối với đường gom đã thi công), do Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư, đang triển khai thực hiện.
Quá trình triển khai thực hiện, để phù hợp với quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 xã Nghi Liên và xã Nghi Kim được UBND tỉnh phê duyệt năm 2020. Trên cơ sở đề xuất của Chủ đầu tư, UBND tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 13/5/2021 về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Quy mô dự án sau điều chỉnh như sau: Chiều dài tuyến 2.618m, mặt cắt ngang nền đường rộng 17,8m, mặt đường rộng 12m, vỉa hè phía đông rộng 4m, lề đường phía Tây (tiếp giáp với đường sắt Bắc - Nam) rộng 1,8m. Tổng mức đầu tư 100,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, với quy mô trên thì khoảng cách từ lề đường đến mép đường ray chỉ đạt khoảng 4m không đảm bảo quy định về hành lang an toàn đường sắt theo Nghị định 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 của Chính phủ (Phạm vi bảo vệ công trình và hành lang an toàn giao thông đường sắt được quy định là 12,45m từ mép đường ray).
Vì vậy, để đảm bảo phù hợp quy định hiện hành, ngày 22/6/2022, UBND thành phố Vinh có văn bản số 3206/UBND-QLĐT về việc chủ trương điều chỉnh cục bộ tuyến đường gom thuộc quy hoạch phân khu xã Nghi Kim và Nghi Liên. Trong đó, đề xuất điều chỉnh chỉ giới đường đỏ phía Tây của đường gom cách đường ray phía Đông của đường sắt là 12,45m và đường gom có quy mô nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 4m. Ngày 29/7/2022, UBND tỉnh có văn bản số 5764/UBND-CN về việc làm rõ nội dung tham mưu điều chỉnh cục bộ tuyến đường gom đường sắt Bắc Nam thuộc quy hoạch phân khu xã Nghi Kim và Nghi Liên. Hiện tại, Sở Xây dựng đang phối hợp các ngành và địa phương liên quan tham mưu, báo cáo UBND tỉnh.
Sau khi quy hoạch được phê duyệt điều chỉnh, Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp sẽ làm việc với Sở ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
- Cử tri xã Nghi Phú, thành phố Vinh kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thi công đường 72m đoạn qua xóm 17, xã Nghi Phú; xây dựng vòng xuyến đoạn đường 72m giao nhau với đường Lênin để đảm bảo an toàn giao thông.
UBND tỉnh trả lời như sau:
+ Về nội dung xây dựng vòng xuyến đoạn đường 72m giao nhau với đường Lê Nin để đảm bảo an toàn giao thông: Nội dung này trong dự án đường 72m được phê duyệt không có hạng mục xây dựng vòng xuyến đoạn đường 72m giao nhau với đường Lênin.
+ Về nội dung đẩy nhanh tiến độ thi công đường 72m đoạn qua xóm 17, xã Nghi Phú: Trong quá trình thực hiện dự án, do phát sinh một số hạng mục và điều chỉnh trượt giá nên hiện nay Chủ đầu tư đang làm việc với các Sở, ngành liên quan để tham mưu UBND tỉnh trình thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trong kỳ họp tháng 10/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh để triển khai các bước tiếp theo và làm cơ sở chi trả tiền đền bù GPMB cho 8 hộ dân còn vướng.
Sau khi được HĐND tỉnh thông qua, Ban QLDA ĐTXD các công trình dân dụng và công nghiệp sẽ đẩy nhanh hoàn thiện hồ sơ thủ tục, phối hợp chính quyền địa phương thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng để triển khai thi công trên hiện trường theo kế hoạch đề ra.
- Cử tri Hồ Sỹ Toàn, trú tại khối 14, phường Bến Thủy, thành phố Vinh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng phần đất xây dựng đường Quốc lộ 1A, đoạn qua phường Bến Thủy của 17 hộ dân còn lại để nhân dân được sớm ổn định cuộc sống; cũng như tạo thuận lợi trong công tác chỉnh trang đô thị, quản lý trật tự đô thị của phường Bến Thủy.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Theo báo cáo của UBND thành phố Vinh :
Hiện trạng phía Bắc tuyến QL1 đoạn qua thành phố Vinh (đường Nguyễn Du) còn 17 hộ dân có nhà ở, đất nằm trên hành lang ATGT đường Nguyễn Du, đoạn này chỉ có lòng đường, chưa có vỉa hè.
UBND thành phố Vinh xin tiếp thu ý kiến cử tri và sẽ có văn bản đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Bộ, ngành Trung ương quan tâm cho phép chủ trương và bố trí kinh phí để sớm thực hiện dự án đầu tư xây dựng vỉa hè đoạn QL1 đoạn qua phường Bến Thủy nói riêng và qua thành phố Vinh nói chung theo đúng quy hoạch để đảm bảo đồng bộ, hoàn chỉnh.
- Cử tri xã Nghi Ân, thành phố Vinh đề nghị UBND tỉnh thu hồi phần diện tích còn lại của dự án Trường PTTH Phan Bội Châu (hiện đang triển khai giai đoạn 1) vì hiện nay các tuyến mương tiêu, đường giao thông nội đồng nằm trong diện tích của dự án mà chưa thu hồi nên nhân dân không thể sản xuất.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Dự án xây dựng mới Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (cơ sở mới) tại xã Nghi Ân, thành phố Vinh và xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 tại Quyết định 1460/QĐ-UBND ngày 11/5/2020, với tổng diện tích: 85.233 m2, trong đó: Diện tích đất thuộc xã Nghi Ân, TP Vinh: 72.834 m2; diện tích đất thuộc xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc: 12.399 m2.
Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng giai đoạn 1, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thành việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng với tổng diện tích: 21.849 m2, trong đó: diện tích đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân tại xã Nghi Ân là: 16.426,6 m2 và đất giao thông, thủy lợi do UBND xã Nghi Ân quản lý là: 5.422,4 m2.; diện tích đất trong quy hoạch chưa thực hiện bồi thường tại xã Nghi Ân, thành phố Vinh là 50.985 m2; xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc là: 12.399 m2.
Việc cử tri xã Nghi Ân, thành phố Vinh đề nghị UBND tỉnh thu hồi phần diện tích còn lại của dự án Xây dựng mới trường THPT chuyên Phan Bội Châu là do cử tri chưa được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo chế độ quy định, trong lúc đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp nằm trong quy hoạch nên các tuyến mương tiêu, đường giao thông nội đồng không được đầu tư đã xuống cấp nên gặp nhiều khó khăn trong sản xuất.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng mới Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (giai đoạn 2), nhưng đến nay vẫn chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bố trí nguồn vốn và phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 2, do đó, chưa thực hiện được công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các hộ dân nằm trong quy hoạch xây dựng mới Trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Để giải quyết các kiến nghị của cử tri và sớm hoàn thành đưa dự án vào sử dụng, kính đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư Xây dựng mới Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (giai đoạn 2).
- Cử tri phường Quang Trung, thành phố Vinh phản ánh Bảo hiểm xã hội tỉnh yêu cầu các đại lý cài đặt phần mềm chữ ký số trong tháng 5/2022 với số kinh phí tự túc từ 2– 5 triệu đồng, nhưng đến ngày 30/6/2022 lại chấm dứt hợp đồng. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ kinh phí cài đặt phần mềm chữ ký số của các đại lý BHXH, BHYT phường, xã trước khi chấm dứt hợp đồng.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Chỉ thị về việc tăng cường thu ngân sách nhà nước và thu BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Nghệ An; theo đó, giao phấn đấu 100% đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử khi thực hiện các hồ sơ thu và giải quyết chế độ BHXH, BHYT.
BHXH tỉnh đã có các văn bản triển khai đến đơn vị sử dụng lao động, tổ chức đại lý thu BHXH, BHYT trên địa bàn về thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu BHXH, BHYT, BHTN (Công văn số 1774/BHXH-QLT ngày 11/9/2020, Công văn số 601/BHXH-QLT ngày 18/4/2022). Tính đến tháng 9/2022 toàn tỉnh đạt 96,95% đơn vị thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT; trong đó, các tổ chức đại lý thu BHXH, BHYT mới triển khai thực hiện cài đặt và giao dịch điện tử trong lĩnh vực thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình với cơ quan BHXH từ tháng 5/2022.
Tuy nhiên, ngày 12/5/2022, BHXH Việt Nam ban hành Quyết định số 1155/QĐ-BHXH về Quy chế quản lý hoạt động của tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Theo đó, chậm nhất ngày 30/6/2022, thực hiện chấm dứt và thanh lý hợp đồng đối với các Đại lý thu BHXH, BHYT đã ký kết theo Quyết định số 1599/QĐ-BHXH ngày 28/10/2016 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Ban hành quy định hoạt động đại lý thu BHXH, BHYT, để ký Hợp đồng ủy quyền thu BHXH, BHYT cho các Tổ chức dịch vụ đủ điều kiện theo quy định.
Việc triển khai thực hiện giao dịch điện tử đối với các đơn vị sử dụng lao động, đại lý thu BHXH, BHYT trong thời gian qua là việc làm cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức khi giao dịch với cơ quan BHXH, tiết kiệm thời gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính, dễ dàng quản lý, lưu trữ hồ sơ…; đồng thời, thực hiện đúng chủ trương chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh và BHXH Việt Nam; việc cử tri kiến nghị hỗ trợ kinh phí cài đặt phần mềm giao dịch điện tử là không phù hợp; ngành BHXH không có quy định, cơ chế hỗ trợ kinh phí để thực hiện giao dịch điện tử đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Cử tri các khối: 3, 4, 5, phường Quang Trung, thành phố Vinh phản ánh những người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh tại các Bệnh viện nhưng thiếu sự quan tâm đúng mức, chưa được cấp các loại thuốc chất lượng cao để điều trị bệnh; người có hoàn cảnh khó khăn không có tiền mua thuốc ngoài bảo hiểm để điều trị bệnh dứt điểm; người cao tuổi chưa được khám định kỳ và được cấp các loại thuốc bổ phù hợp. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xử lý; đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép bệnh nhân có bệnh nền (tiểu đường, Bazađô,….) được khám thông tuyến từ tuyến huyện đến Trung ương.
UBND tỉnh trả lời như sau:
* Đối với nội dung người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh tại các Bệnh viện nhưng thiếu sự quan tâm đúng mức, chưa được cấp các loại thuốc chất lượng cao để điều trị bệnh, người có hoàn cảnh khó khăn không có tiền mua thuốc ngoài bảo hiểm để điều trị bệnh dứt điểm.
Trong thời gian qua ngành y tế Nghệ An đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Người dân có nhu cầu khám chữa bệnh đều được khám, cấp phát thuốc theo đúng quy định; chủ động trong công tác lập kế hoạch, tổ chức mua sắm, cơ bản đáp ứng đầy đủ thuốc phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Tất cả các thuốc sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh được thực hiện thông qua đấu thầu, theo quy định các thuốc trúng thầu phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ Y tế. Danh mục thuốc sử dụng cho bệnh nhân bảo hiểm y tế đều được quỹ bảo hiểm chi trả theo quy định tại Thông tư số 30/2018/TT-BYT và Thông tư số 05/2015/TT-BYT. Tuy nhiên, vào một số thời điểm, vẫn thiếu cục bộ một số danh mục thuốc ở một vài cơ sở khám chữa bệnh do các nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến bệnh nhân phải tự mua thuốc.
Nguyên nhân:
- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nguồn sản xuất hàng hóa, nguyên liệu khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động trong khi phần lớn thuốc, nguyên liệu làm thuốc sử dụng hiện nay phụ thuộc vào nhập khẩu (nguyên nhân gây thiếu một số vật tư và hóa chất);
- Do kết quả mua sắm tập trung cấp quốc gia bị chậm tiến độ dẫn đến thiếu một số thuốc như thuốc Tadocel; meropenem...
- Một số doanh nghiệp nhà cung cấp e ngại cung ứng thuốc cho các cơ sở y tế công lập do thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp và chậm (nguyên nhân gây thiếu một số thuốc gây nghiện, hướng thần)
- Một số văn bản liên quan đến dấu thầu, mua sắm chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay (như Thông tư 38/2021/TT-BYT quy định về chất lượng dược liệu, vị thuốc cổ truyền, thuốc cổ truyền..)
- Một số cơ sở y tế chưa chủ động, linh hoạt trong quá trình lập kế hoạch cung ứng thuốc: như trường hợp các mặt hàng đang trúng thầu không cung ứng được vì lý do bất khả kháng, các đơn vị được chủ động tổ chức đấu thầu mua hàng thay thế để phục vụ khám chữa bệnh bằng các hình thức đấu thầu khác nhau kể cả hình thức chỉ định thầu theo quy định tại Điều 18 Thông tư 15/2019/TT BYT.
Giải pháp trong thời gian tới:
- Thực hiện tốt công tác tổ chức đấu thầu thuốc tập trung đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp địa phương năm 2023-2024 được quy định tại Thông tư 15/2020/TT-BYT.
- Tiến hành điều tiết kịp thời số lượng thuốc từ các cơ sở đang còn số lượng nhưng chưa sử dụng hết cho các cơ sở đã sử dụng hết số lượng thuốc trúng thầu được phê duyệt;
- Nâng cao năng lực tổ chức đấu thầu cho các cơ sở y tế,
- Chỉ đạo các cơ sở y tế báo cáo khó khăn, vướng mắc trong cung ứng thuốc kịp thời để có giải pháp tháo gỡ.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác khám chữa bệnh, cung ứng thuốc tại các cơ sở y tế để tháo gỡ khó khăn vướng mắc và chấn chỉnh kịp thời các tồn tại (nếu có) đảm bảo quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đi khám và điều trị.
- Xử lý kịp thời vướng mắc phản ánh trực tiếp qua đường dây nóng của ngành y tế được công khai tại các đơn vị y tế.
* Đối với nội dung người cao tuổi chưa được khám định kỳ và được cấp các loại thuốc bổ phù hợp.
Theo Điều 13, Luật Người cao tuổi 2009 quy định chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú như sau: Trạm y tế xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên tổ chức kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi.
Hiện tại ngành y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các Kế hoạch số 427/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về thực hiện chăm sóc người cao tuổi tỉnh Nghệ An đến năm 2030; số 397/KH-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch triển khai chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” trong đó có chỉ tiêu "70% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1lần/1 năm" và chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố Vinh xây dựng kế hoạch thực hiện, cho đến nay các địa phương đã ban hành kế hoạch, trong đó UBND thành phố Vinh ban hành Kế hoạch số 204/KH-UBND ngày 9/9/2021, thực hiện chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thành phố Vinh đến 2030 có chỉ tiêu "70% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ định kỳ ít nhất 01 năm 1 lần" .
- Năm 2021: Tổ chức Hội thi "Người cao tuổi Sống vui - Sống khỏe" tại các huyện Đô Lương, Anh Sơn, Tương Dương, Thanh Chương và thành phố Vinh, đã thu hút gần 1.500 người cao tuổi tham gia, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao. Tổ chức 10 cuộc truyền thông tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cho gần 4.500 người cao tuổi tại huyện Anh Sơn, Yên Thành, Tân Kỳ. Kết hợp tổ chức phát thuốc miễn phí cho 1.500 cụ với trị giá 36.000.000 đồng.
- Năm 2022: Tổ chức 4 Hội thi "Người cao tuổi Sống vui - Sống khỏe" tại các huyện Quỳnh Lưu, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, thị xã Thái Hòa đã thu hút gần 2.000 người cao tuổi tham gia, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao. Tổ chức 10 cuộc truyền thông tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (Tư vấn về chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý; Hướng dẫn giữ gìn vệ sinh sức khỏe người cao tuổi; Những bệnh thường gặp ở người cao tuổi và cách phòng tránh) cho gần 4.500 người cao tuổi tại thành phố Vinh, Yên Thành, thành phố Vinh (gồm Hưng Lộc, Nghi Kim, Hưng Dũng). Kết hợp tổ chức phát thuốc miễn phí cho 1.600 cụ với trị giá 38.400.000 đồng.
- Cử tri phường Quang Trung, thành phố Vinh phản ánh thực tế hiện nay thành lập nhiều tổ chức Hội có chức năng hoạt động tương đối giống nhau, như: Hội Cựu Thanh niên xung phong và Hội Truyền thống Trường Sơn, Hội Cựu giáo chức và Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ, Hội Khuyết tật và trẻ mồ côi, Hội Nạn nhân chất độc Da cam… Đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu sáp nhập, tránh bộ máy cồng kềnh, không cần thiết.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động và quản lý hội quy định việc tổ chức và hoạt động của Hội phải đảm bảo nguyên tắc: “Tự nguyện, tự quản, tự trang trải về kinh phí, dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, không vì mục đích lợi nhuận, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ hội”. Đồng thời, tại Công văn số 3802 -CV/TU ngày 15/12/2014 của Tỉnh ủy Nghệ An và Công văn số 9567/UBND-TH ngày 19/12/2014 của UBND tỉnh Nghệ An về việc thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị về hội quần chúng nêu rõ: Giữ nguyên các hội được xác định là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, không xem xét thành lập mới các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; giữ nguyên biên chế, kinh phí và từng bước thực hiện khoán kinh phí hoạt động theo lộ trình phù hợp;
Triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), các địa phương căn cứ tình hình thực tế hoạt động của các tổ chức Hội, xây dựng đề án sáp nhập hợp nhất các tổ chức hội có tính tương đồng phù hợp với địa phương. Trên thực tế một số huyện đã tiến hành sáp nhập các hội có tính tương đồng trên địa bàn huyện như: Tân Kỳ, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên... do đó UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ tình hình và hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội, để sáp nhập các tổ chức có cùng lĩnh vực, mục đích hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hội.
Tại cuộc làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ Nội vụ ngày 17/9/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã đề nghị Bộ Nội vụ sớm trình Chính phủ ban hành quy định sửa đổi, bổ sung một số quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; hướng dẫn sắp xếp các tổ chức hội, đặc biệt hội có tính chất đặc thù để thống nhất về các tổ chức hội tại các địa phương theo hướng thu gọn đầu mối tổ chức. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ và Bộ Nội vụ chưa ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Trong thời gian tới, khi Chính phủ ban hành các văn bản quy định sửa đổi, bổ sung một số quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, Sở Nội vụ sẽ tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, sáp nhập một số hội có tính chất tương đồng theo quy định.
- Cử tri Trần Tâm, trú tại khối 3; cử tri Lê Thị Liễu, trú tại khối 2, phường Lê Lợi, thành phố Vinh đề nghị xem xét việc trả phụ cấp cho các chức danh Chủ tịch Hội Khuyến học, Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin, Cựu Thanh niên xung phong, Cựu giáo chức ở phường và các chức danh tổ trưởng dân cư, Chi hội trưởng Chữ thập đỏ, khuyến học, ở các khối dân cư.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Nghệ An về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh Nghệ An quy định: Số lượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn: Xã, phường, thị trấn loại 1 tối đa 12 người; Xã, phường, thị trấn loại 2 tối đa 11 người; Xã, phường, thị trấn loại 3 tối đa 10 người. Các chức danh như cử tri đề nghị không thuộc những người không chuyên trách cấp xã. Nếu bố trí các các danh trên vào những người không chuyên trách cấp xã thì số lượng sẽ thừa so với Thông tư 13/2019/TT-BNV.
Việc phân bổ kinh phí hàng năm hỗ trợ cho các hội đặc thù và các tổ chức xã hội cấp huyện thực hiện theo QĐ số 62/2012/QĐ-UBND ngày 24/8/2012 của UBND tỉnh về việc phân cấp đảm bảo, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các hội có tính chất đặc thù trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Do đó, tùy vào điều kiện của địa phương, UBND cấp huyện quyết định mức kinh phí cấp cho các tổ chức hội hoạt động trên địa bàn huyện. Các hội cấp huyện, cấp xã chưa được công nhận là hội đặc thù, do đó chưa được hưởng các mức phụ cấp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. Phụ cấp lãnh đạo hội dựa trên một phần kinh phí địa phương hỗ trợ, từ hội phí và các khoản thu khác của hội.
- Bà Hoàng Thị Thuyết, trú tại xóm Thuận Hòa, xã Hưng Hòa phản ánh sau khi sáp nhập xóm, việc thực hiện các thủ tục hành chính gặp nhiều khó khăn, nhất là địa chỉ tên xóm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ hộ khẩu… khác địa chỉ tên xóm với Căn cước công dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục để tạo thuận lợi cho người dân.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Theo nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 03/KH-UBND ngày 03/01/2020 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị quyết số 831/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Nghệ An, Sở Tư pháp có trách nhiệm “phối hợp với cơ quan chức năng hướng dẫn các huyện chỉ đạo các xã mới thành lập trong việc chuyển đổi các loại giấy tờ cho tổ chức và công dân liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành…” .
Ngay sau khi Kế hoạch số 03/KH-UBND của UBND tỉnh được ban hành, Sở Tư pháp đã hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị: Thái Hòa, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Diễn Châu, Quế Phong, Tương Dương, Thanh Chương, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn có đơn vị hành chính cấp xã được thành lập mới trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại theo Nghị quyết số 831/NQ-UBTVQH14 thực hiện công tác bàn giao hồ sơ tư pháp về đơn vị hành chính mới, đồng thời thực hiện tốt việc quản lý hộ tịch theo quy định; hướng dẫn khóa các sổ đăng ký hộ tịch cũ và mở sổ đăng ký hộ tịch mới.
Đối với nội dung chuyển đổi giấy tờ hộ tịch phù hợp với địa danh hành chính mới không phải thực hiện, vì theo quy định tại khoản 1, Điều 17 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch “Việc cải chính hộ tịch chỉ được giải quyết sau khi xác định có sai sót khi đăng ký hộ tịch; không cải chính nội dung trên giấy tờ hộ tịch đã được cấp hợp lệ nhằm hợp thức hóa thông tin trên hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác”. Vì vậy, những thông tin như địa danh hành chính trong các giấy tờ hộ tịch đã được cơ quan có thẩm quyền cấp hợp lệ đều có giá trị pháp lý khi địa danh hành chính thay đổi.
Đối với các thủ tục hành chính liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sổ hộ khẩu, Căn cước công dân, Sở Tư pháp đã có văn bản phối hợp với Sở Tài nguyên & môi trường; Công an tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri. Các đơn vị có ý kiến như sau:
Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh – Sở Tài nguyên & môi trường:
Hiện nay UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 1772/QĐ-UBND ngày 21/6/2022 phê duyệt Quy trình nội bộ, quy trình điện tử thủ tục hành chính “Đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ); giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; thay đổi về hạn chế quyền sử dụng đất; thay đổi về nghĩa vụ tài chính; thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ Căn cước công dân, địa chỉ trên Giấy chứng nhận đã cấp theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất”. Theo đó, thời gian thực hiện thủ tục này đối với trường hợp người dân không có nhu cầu cấp mới Giấy chứng nhận là 40 giờ làm việc (05 ngày làm việc), thời gian thực hiện giảm 40 giờ làm việc (05 ngày làm việc) so với quy định trước đây; đối với trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu cấp mới Giấy chứng nhận là 80 giờ làm việc (10 ngày làm việc). Tuy nhiên, đối với thủ tục này Văn phòng Đăng ký đất đai đã có chỉ đạo 21 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai trên địa bàn tỉnh thực hiện kế hoạch “Ngày thứ 7 vì dân” từ năm 2020 đến nay vẫn đang tiếp tục thực hiện và người dân được nhận kết quả ngay trong ngày thứ 7 đó đối với trường hợp người dân không có nhu cầu cấp mới Giấy chứng nhận (01 ngày).
Mặt khác, Nghị quyết số 15/2021/NĐ-HĐND ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã quy định miễn nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận cho trường hợp hộ gia đình, cá nhân xác nhận thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận QSD đất đã được cấp do sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, thành lập, sáp nhập, đổi tên xã, xóm, khối, thôn, bản và điều chỉnh địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo báo cáo của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Vinh thì: Rà soát các hồ sơ có địa chỉ tại xã Hưng Hòa nói chung và xóm Thuận Hòa nói riêng khi công dân nộp hồ sơ đăng ký biến động tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND thành phố Vinh trong thời gian qua đều được Chi nhánh giải quyết kịp thời (đúng hạn hoặc trước thời hạn quy định), đầy đủ, không có trường hợp nào phải trả về bổ sung.
Ngoài ra, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố Vinh đã có Thông báo để các phường (xã) đăng ký lịch “Ngày thứ 7 vì dân” (Chi nhánh phối hợp với đoàn thanh niên về trụ sở UBND phường (xã) để thực hiện đăng ký biến động cho người dân. Đến nay, đã có nhiều phường, xã đăng ký và Chi nhánh đã tổ chức thực hiện đăng ký biến động như: phường Hồng Sơn, phường Cửa Nam, phường Vinh Tân, xã Nghi Ân, xã Nghi Liên, xã Nghi Kim,... Kết quả được giải quyết trong buổi làm việc nên người dân rất hài lòng. Riêng đối với xã Hưng Hòa thì đến nay UBND xã Hưng Hòa chưa có đăng ký lịch nên Chi nhánh chưa tổ chức thực hiện.
Để tạo điều kiện cho người dân, trong thời gian tới Chi nhánh sẽ liên hệ với UBND xã Hưng Hòa để thực hiện đăng ký biến động đồng loạt cho người dân tại trụ sở UBND xã Hưng Hòa (Thời gian cụ thể sẽ được UBND xã Hưng Hòa thông báo rộng rãi trên địa bàn).
(2) Công an tỉnh:
- Theo quy định tại khoản 3, Điều 38, Luật Cư trú số 68/2020/QH14 ngày 13/11/2020, kể từ ngày 01/7/2021, Luật Cư trú 2020 có hiệu lực thi hành, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.
Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú.
Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
- Theo quy định tại khoản 3, Điều 10, Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an quy định “trường hợp có sự thay đổi về địa chỉ nơi cư trú do có sự điều chỉnh về địa giới hành chính, tên đơn vị hành chính, tên đường, phố, tổ dân phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cách đánh số nhà thì cơ quan quản lý cư trú có thẩm quyền căn cứ vào văn bản thay đổi địa giới hành chính, tên đơn vị hành chính, tên đường, phố, tổ dân phố, thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, cách đánh số nhà của cơ quan có thẩm quyền để thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin về địa chỉ nơi cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú”.
- Theo quy định tại khoản 2, Điều 26, Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an quy định: “Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú”.
Từ các căn cứ trên, sau khi sát nhập xóm, Công an xã Hưng Hòa, thành phố Vinh có trách nhiệm điều chỉnh, cập nhật thông tin về địa chỉ nơi cư trú mới trong Cơ sở dữ liệu về cư trú cho “Bà Hoàng Thị Thuyết”, đồng thời sẽ thu hồi Sổ hộ khẩu giấy theo đúng quy định.
- Cử tri các khối: 3, 4, 5, phường Quang Trung, thành phố Vinh đề nghị UBND tỉnh quan tâm chuẩn hóa kết nối liên thông đồng bộ cơ sở dữ diệu trong toàn bộ cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp của tỉnh để Nghệ An trở thành một trong những địa phương dẫn đầu trong chuyển đổi số, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Nghệ An đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 586/KH-UBND ngày 22/08/2022 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025 thể hiện những quyết sách mạnh mẽ, ý chí chính trị cao và nhất quán đối với lĩnh vực này. Một trong những mục tiêu trọng tâm của Nghị quyết và Kế hoạch chuyển đổi số là phát triển cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: “100% cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối, ứng dụng trên địa bàn tỉnh theo lộ trình của Chính phủ; từng bước hình thành cơ sở dữ liệu mở của tỉnh kết nối liên thông trên 80% cơ sở dữ liệu của các ban, sở, ngành để phục vụ quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, khai thác trọn đời. Đến năm 2030, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và dịch vụ số đồng bộ 3 cấp và kết nối với Trung ương”.
Bên cạnh đó, kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Nghệ An (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1974/QĐ-UBND ngày 30/05/2019 - là cơ sở đưa ra các quyết định đầu tư triển khai các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh) đã chỉ rõ các mô hình thành phần, cấu trúc, các hạng mục đầu tư ưu tiên triển khai đảm bảo tính kết nối liên thông giữa các hệ thống thông tin trong và ngoài tỉnh, tránh trùng lặp, lãng phí và đạt được mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh. Các hoạt động đầu tư về chuyển đổi số nói chung, về Công nghệ thông tin nói riêng đều được UBND tỉnh giao Sở Thông tin tin và Truyền thông thẩm định, rà soát đảm bảo với Kiến trúc Chính quyền điện tử này.
Thực hiện Nghị quyết, kế hoạch chuyển đổi số và kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh đã giao Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh chủ trì phối hợp các sở, ngành địa phương triển khai chuẩn hóa kết nối liên thông đồng bộ cơ sở dữ liệu trong toàn bộ cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị của tỉnh. Hiện nay đã và đang triển khai một số nội dung quan trọng:
- Ban hành Quyết định số 3624/QĐ-UBND ngày 05/10/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành Danh mục cơ sở dùng chung tỉnh Nghệ An.
- Đưa vào vận hành nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu LGSP tỉnh Nghệ An kết nối tới nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP/NDXP) để khai thác 17 hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu Quốc gia. Đã tích hợp trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh để khai thác dữ liệu một số dịch vụ: Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam); Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch (Bộ Tư pháp); Hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách (Bộ Tài chính). Đang tiếp tục thực hiện tích hợp, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin/cơ sở sở dữ liệu Quốc gia theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương với mục tiêu 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được kết nối, ứng dụng trên địa bàn tỉnh theo lộ trình của Chính phủ; từng bước hình thành cơ sở dữ liệu mở của tỉnh kết nối liên thông trên 80% cơ sở dữ liệu của các ban, sở, ngành để phục vụ quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, khai thác trọn đời.
- Xây dựng hệ thống “Thu thập, thẩm định và chia sẻ dữ liệu tỉnh Nghệ An” nhằm thu thập, tạo lập và chuyển đổi dữ liệu của các cơ quan Nhà nước, đồng bộ hóa dữ liệu này từ cở sở dữ liệu có sẵn đang còn phân tán tại các sở, ngành cũng như các cơ quan quản lý trên địa bàn tỉnh. Cung cấp công cụ đáp ứng nhu cầu khai thác cơ sở dữ liệu cho các ứng dụng CNTT của các cơ quan Chính quyền khi có nhu cầu.
- Tích cực triển khai “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Qua đó, các thông tin công dân sẽ dần được tích hợp trên thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, cùng với ứng dụng VNEID sẽ giúp người dân chỉ sử dụng duy nhất thẻ CCCD thay thế nhiều giấy tờ khác để thực hiện các giao dịch với các cơ quan Nhà nước, bảo đảm chính xác và thuận tiện. Hiện nay, Bộ Công an đã kết nối với dữ liệu bảo hiểm xã hội và công dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử để khám bệnh bảo hiểm tại các cơ sở y tế. Theo lộ trình, các thông tin về y tế, giấy phép lái xe, thẻ tín dụng, an sinh xã hội... tiếp tục được nghiên cứu, tích hợp để thực hiện các yêu cầu đa dạng của người dân trên các lĩnh vực.
Với nội dung trên, có thể khẳng định rằng UBND tỉnh đã rất quan tâm chỉ đạo, có mục tiêu, định hướng, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các sở, ngành, địa phương và bám sát triển khai nhằm từng bước chuẩn hóa kết nối liên thông đồng bộ cơ sở dữ liệu trong toàn bộ cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp của tỉnh để Nghệ An.
- Cử tri thành phố Vinh phản ánh Dự án Khu đô thị hỗn hợp Nhà máy xi măng Cầu Đước đã được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất để khảo sát, lập quy hoạch đầu tư xây dựng, tuy nhiên từ năm 2015 đến nay mới chỉ thực hiện giải phóng mặt bằng và san lấp. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư sớm triển khai dự án.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Dự án Khu đô thị hỗn hợp xi măng Cầu Đước đã được Đoàn kiểm tra liên ngành theo Quyết định số 6179/UBND-CN ngày 25/8/2021 của UBND tỉnh về việc kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tại thời điểm kiểm tra, khu đất mà Công ty CP xi măng và vật liệu xây dựng Cầu Đước dự kiến đầu tư xây dựng dự án Khu đô thị hỗn hợp Nhà máy xi măng Cầu Đước chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất; chủ đầu tư đã tháo dỡ nhà máy và san lấp mặt bằng nhưng chưa đầu tư xây dựng. Công ty CP xi măng và vật liệu xây dựng Cầu Đước tiền thân là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá, vì vậy Đoàn kiểm tra kiến nghị UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và đầu tư chủ trì tham mưu UBND tỉnh xử lý dự án này như ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 304/UBND-CN ngày 13/01/2022 về việc rà soát, tham mưu các dự án chuyển mục đích sử dụng đất sang thực hiện dự án nhà ở của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và các doanh nghiệp khác.
Ngày 20/4/2022, UBND tỉnh đã có văn bản số 2790/UBND-CN về việc xử lý các dự án chậm tiến độ thuộc lĩnh vực nhà ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An (trong đó dự án này); UBND tỉnh đã yêu cầu rà soát về nguồn gốc sử dụng đất và các thủ tục liên quan đến dự án. Cụ thể: “Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp rà soát theo công văn số 304/UBND-CN ngày 13/01/2022; căn cứ hướng dẫn của tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại công văn số 2541/CV-TCT ngày 18/4/2022, tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”.
Ngày 07/7/2022 Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo UBND tỉnh tại văn bản số 2654/SKHĐT-DN về việc rà soát, tham mưu các dự án chuyển mục đích sử dụng đất sang thực hiện dự án nhà ở của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa và các doanh nghiệp khác; UBND tỉnh đã có văn bản số 6517/UBND-CN ngày 26/8/2022 trong đó giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổ chức buổi làm việc với các nhà đầu tư, các sở, ngành, địa phương liên quan; rà soát lại hồ sơ dự án, báo cáo tham mưu UBND tỉnh phương án xử lý đối với các dự án theo đúng quy định hiện hành (đối với nhóm dự án chưa có Quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án nhà ở (12) dự án).
- Cử tri Nguyễn Hữu Cường, trú tại khối 13, phường Cửa Nam, thành phố Vinh và nhiều cử tri thành phố Vinh phản ánh chất lượng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo, nước vàng đục và có mùi; việc trả lời của cơ quan chức năng do đường ống nước bị ô xi hóa, gỉ sét là không có cơ sở. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, xử lý để đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt cho người dân.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã có các Văn bản số 4345/UBND-CN ngày 15/6/2022 và số 4622/UBND-CN ngày 24/6/2022 về việc kiểm tra xử lý vấn đề nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố Vinh và vùng phụ cận; chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các Sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức làm việc với các cơ quan, đơn vị và kiểm tra thực tế. Trên cơ sở báo cáo của Sở Xây dựng, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 5493/UBND-CN ngày 21/7/2022 về việc nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Vinh bị nhiễm bẩn, đục bất thường trong thời gian qua, trong đó yêu cầu Công ty CP Cấp nước Nghệ An: "Thực hiện đầy đủ, đồng bộ các giải pháp để cấp nước đầy đủ, an toàn đúng quy định; đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn cho người dân thành phố Vinh và vùng phụ cận. Nếu để xảy ra trường hợp nước sinh hoạt cấp cho người tiêu dùng không đầy đủ, không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành, Công ty CP Cấp nước Nghệ An phải chịu hoàn toàn trách nhiệm và bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng theo quy định pháp luật".
- Cử tri Lê Văn Giáp, khối 2, phường Cửa Nam, thành phố Vinh kiến nghị UBND tỉnh có hướng giải quyết đối với các khu tập thể cũ để các hộ dân được xây dựng nhà ở mới, bởi vì các khu tập thể này hiện đã xuống cấp, hư hỏng.
UBND tỉnh trả lời như sau:
* Khu tập thể Công trường 3 thuộc khối 2 phường Cửa Nam, TP Vinh:
Ngày 27/7/2022, UBND thành phố Vinh cung cấp các hồ sơ đề nghị thu hồi đất của quản lý. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 310/QĐ-UBND ngày 30/8/2022 thu hồi đất Công ty Cổ phần Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Nghệ An quản lý tại phường Cửa Nam, thành phố Vinh.
* Đối với Khu tập thể công nghệ phẩm:
UBND tỉnh có Công văn số 6485/UBND-NN Ngày 24/8/2022, về việc xử lý vướng mắc liên quan đến Khu tập thể công nghệ phẩm khối 2, phường Cửa nam, thành phố Vinh; trong đó nêu: “Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Vinh căn cứ ý kiến của các sở ngành có liên quan và các quy định của pháp luật để tham mưu UBND tỉnh xử lý đúng quy định”.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với UBND thành phố Vinh rà soát xử lý.
- Cử tri Tưởng Đăng Bằng, trú tại khối 7; cử tri Trần Xuân Anh, trú tại khối 9; cử tri Phạm Quyết Thắng, trú tại khối 5, phường Bến Thủy, thành phố Vinh đề nghị UBND tỉnh quan tâm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các khu tập thể trên địa bàn thành phố Vinh.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường xem xét, giải quyết. Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 5565/STNMT-QLĐĐ ngày 13/9/2022 đề nghị UBND thành phố Vinh báo cáo liên quan đến kiến nghị của cử tri và đề xuất hướng xử lý. Hiện nay, UBND thành phố Vinh đang rà soát các khu tập thể liên quan đến kiến nghị của cử tri và đề xuất hướng xử lý theo quy định.
- Cử tri xã Nghi Kim, cử tri phường Cửa Nam, thành phố Vinh phản ánh sau hơn 10 năm giá đất ở đã được điều chỉnh nhiều lần, nhưng giá đất nông nghiệp mới chỉ điều chỉnh một lần và mức giá 85.000đ/m2 không còn phù hợp với thực tế, nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh mức giá đất nông nghiệp phù hợp với thực tế.
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Việc bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp (nói riêng) trên địa bàn tỉnh Nghệ An thực hiện theo Quyết định số 24/2022/QĐ-UBND ngày 14/02/2022 của UBND tỉnh quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An (trước đây là các Quyết định: số 58/2015/QĐ-UBND ngày 13/10/2015; số 39/2018/QĐ-UBND ngày 10/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định số 58/2015/QĐ-UBND; số 40/2018/QĐ-UBND ngày 25/9/2018). Theo quy định hiện hành ngoài việc bồi thường, người sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp còn được hỗ trợ bằng tiền, mức hỗ trợ hiện nay tỉnh Nghệ An đang áp dụng tối đa không quá 02 lần giá đất nông nghiệp cùng loại tại Bảng giá đất (Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, thì mức hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại).
- Mức giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được phê duyệt thời gian qua không cao hơn mức giá đất nông nghiệp được quy định tại Bảng giá đất hiện hành hành X (nhân) với hệ số K do UBND tỉnh ban hành hàng năm.
- Qua kiểm tra, rà soát giá đất nông nghiệp quy định tại Bảng giá đất của các tỉnh trong vùng Bắc Trung Bộ nói riêng (có điều kiện tương đồng như tỉnh Nghệ An) và nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, cho thấy mức giá đất nông nghiệp quy định tại Bảng giá đất tỉnh Nghệ An là một trong số ít các tỉnh có mức giá cao nhất, như:
+ Bảng giá đất nông nghiệp tại thành phố Vinh (quy định tại Quyết định số 57/2019/QĐ-UBND ngày 20/12/2019 của UBND tỉnh) mức giá cao nhất là 100.000 đ/m2 và thấp nhất là 75.000 đ/m2.
+ Bảng giá đất nông nghiệp tại thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) mức giá cao nhất là 65.000 đ/m2, thấp nhất là 45.000 đ/m2 và tại thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) mức giá cao nhất là 58.600 đ/m2, thấp nhất là 50.600 đ/m2.
Như vậy, việc xây dựng, ban hành Bảng giá đất nông nghiệp tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2024 với mức giá quy định như hiện nay, đã góp phần để thực hiện tốt công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hạn chế tối đa thiệt thòi cho người sử dụng đất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất, trong bối cảnh Nghệ An là một trong số các tỉnh có nguồn thu hạn chế, ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng được chi thường xuyên.
Về nội dung kiến nghị của cử tri điều chỉnh tăng mức giá đất nông nghiệp quy định tại Bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp thu, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến chỉ đạo thực hiện tại thời điểm xây dựng Bảng giá đất giai đoạn 2025-2029 (thay thế cho Bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024).
- Cử tri xã Hưng Hòa, thành phố Vinh đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, có cơ chế phân phối hỗ trợ thêm nguồn xi măng cho các xã có diện tích rộng, dân số đông, số km đường giao thông dài nhằm đảm bảo hoàn thành giao thông nông thôn mới.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Trên cơ sở thực tế việc thực hiện chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 theo Nghị quyết số 166/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định số 48/QĐ-UBND ngày 31/8/2015 của UBND tỉnh và chỉ tiêu kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị Quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/13/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025. Theo đó định mức hỗ trợ xi măng giao thông nông thôn cho các địa phương giai đoạn 2021-2025 đã được nâng lên hơn 2 lần so với giai đoạn 2015-2020. Trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn thì đây là sự nỗ lực cũng như ưu tiên cho các địa phương trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới nhất là việc làm đường giao thông nông thôn.
Hiện nay nhu cầu của các địa phương cần hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn thực hiện xây dựng nông thôn mới là rất lớn, các địa phương có diện tích rộng, số km đường giao thông dài là rất nhiều, nhất là các xã còn lại chưa đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh. Với điều kiện ngân sách còn gặp nhiều khó khăn thì việc ban hành cơ chế để hỗ trợ thêm xi măng cho các địa phương như kiến nghị của xã là chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên căn cứ vào tình hình thực tế trong việc xây dựng nông thôn mới hàng năm và kiến nghị đề xuất của các địa phương, Văn phòng ĐP CTMTQG XD Nông thôn mới sẽ có ý kiến để trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét, quyết định.
- Cử tri xã Hưng Hòa, thành phố Vinh phản ánh Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng của Dự án xây dựng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hòa thuộc xóm Hòa Lam; hiện nay xóm Hòa Lam sáp nhập với xóm Thuận 2 thành xóm Thuận Hòa nhưng nhà văn hóa không đủ diện tích để sinh hoạt cộng đồng, một số hạng mục vẫn còn thiếu. Ban Quản lý Dự án thống nhất bổ sung xây dựng thêm 3 hạng mục đó là: Nhà vệ sinh, mái che, tuyến mương tưới tiêu trong khu vục dự án lân cận dân cư để tránh sạt lở ảnh hưởng đến dòng chảy, tuy nhiên đến nay các hạng mục này vẫn chưa được thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc thực hiện.
UBND tỉnh trả lời như sau:
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 571/QĐ-UBND ngày 09/03/2022 về việc phê duyệt điều chỉnh dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai xã Hưng Hoà, thành phố Vinh. Do việc triển khai xây dựng công trình phải thực hiện tuân thủ đầy đủ các bước về thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định, nên đến nay hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã lập xong nhưng đang trình Sở Xây dựng thẩm định. Sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Xây dựng, Chi cục Phát triển Nông thôn sẽ tiến hành phê duyệt và tổ chức lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của Luật đấu thầu. Sau khi tổ chức lựa chọn nhà thầu xong mới triển khai thi công các hạng mục bổ sung đảm bảo đúng quy định và đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
- Cử tri Nguyễn Hữu Cường, trú tại khối 13, phường Cửa Nam, thành phố Vinh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo mở bôn va và lắp đặt đèn tín hiệu trên trục đường Nguyễn Sinh Sắc đoạn đường vào Trường Tiểu học Cửa Nam để đảm bảo an toàn giao thông.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Đường Nguyễn Sinh Sắc đoạn qua phường Cửa Nam là quốc lộ QL.46 đoạn qua thành phố Vinh có giải phân cách cứng, có quy mô mặt đường bê tông nhựa rộng mỗi bên 12m.
- Về đề xuất mở bôn va (giải phân cách giữa) có vị trí Km16+090, QL.46: Vị trí đề xuất mở mới giải phân cách cứng có khoảng cách gần với 2 điểm đã được mở giải phân cách trên tuyến QL.46 là: phía đi huyện Hưng Nguyên tại Km16+300 (cách 210m) và phía đi TP Vinh tại Km160+020 (cách 70m).
Theo tiêu chuẩn kỹ thuật ngành giao thông đường bộ, thì việc mở giải phân cách giữa liên tiếp, gần nhau sẽ dẫn đến mất an toàn giao thông. Trên đoạn tuyến ngắn đã có 02 điểm mở giải phân cách giữa, việc mở thêm một vị trí ở giữa theo đề xuất sẽ không đảm bảo an toàn giao thông.
- Về đề xuất lắp đèn tín hiệu: Việc lắp đèn tín hiệu sẽ tạo thành nút giao ngã 4, đồng thời phải mở giải phân cách giữa (đã trả lời tại mục 1). Đối với trục ngang vuông góc với đường Nguyễn Sinh Sắc là 2 đường ngõ (đi ngõ 85 đi khu đô thị TECCO Vinh Land có bề rộng mặt đường 4,8 mét và đi Ngõ 76 vào trường tiểu học Cửa Nam 2 có bề rộng 4,5m) không đảm bảo bề rộng phương tiện cơ giới dừng chờ đèn tín hiệu).
Vì vậy, đề xuất mở bôn va, lắp đèn tín hiệu không phù hợp, không đảm bảo tiêu chí kỹ thuật, cũng như không đảm bảo an toàn giao thông nếu thực hiện theo đề xuất này.
Để đảm bảo ATGT tại các nút giao đường Nguyễn Sinh Sắc với ngõ 85, ngõ 76 đường Nguyễn Sinh Sắc, Sở GTVT sẽ đề nghị Cục QLĐB II bổ sung các cụm gờ giảm tốc ở 2 đầu vị trí nút giao để cảnh báo người điều khiển phương tiện trước khi di chuyển vào nút giao.
- Cử tri phường Cửa Nam, thành phố Vinh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo bố trí đất để xây dựng trường mầm non Cửa Nam.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Việc quy hoạch sử dụng đất của thành phố Vinh đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 229/QĐ-UBND ngày 30/6/2022 về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch thành phố Vinh; Trong Báo cáo thuyết minh tổng hợp có quy hoạch đất trường mầm non Cửa Nam là 0,37 ha.
- Cử tri Hồ Ngọc Oanh, trú tại khối 15, phường Cửa Nam, thành phố Vinh kiến nghị UBND tỉnh kiểm tra, chỉ đạo rà soát, sớm chi trả chế độ cho các đối tượng còn lại theo Quyết định 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế, bởi vì các đối tượng này đã già yếu.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Qua hơn 6 năm (2015-2022) triển khai, thực hiện Quyết định 49/2015/QĐ TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ Quốc tế:
Đối với phường Cửa Nam, thành phố Vinh: Số liệu khảo sát ban đầu là 225 đối tượng, tính đến nay Bộ CHQS tỉnh báo cáo Quân khu 142 hồ sơ; đã có Quyết định hưởng trợ cấp một lần cho 95 trường hợp, tổng số tiền 237.500.000 đồng, 12 hồ sơ tỉnh đã báo cáo Quân khu đang tiếp tục xét duyệt và trình Bộ Quốc phòng thẩm định. Số còn lại 35 hồ sơ Quân khu trả về yêu cầu xác minh bổ sung (35 hồ sơ này Bộ CHQS tỉnh đã trả cho Ban CHQS thành phố Vinh).