1. Cử tri các xã Tam Đình, Tam Hợp, huyện Tương Dương đề nghị sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện lưới 35KV tuyến xã Yên Thắng- Tam Đình; Tam Thái- Tam Hợp vì đường dây điện có độ vọng lớn, sa xuống quá thấp, gây mất an toàn lưới điện, nhất là trong mùa mưa bão.

UBND tỉnh trả lời như sau:

- Lưới điện trung thế 35kV tuyến Yên Thắng - Tam Đình được UBND huyện làm chủ đầu tư xây dựng, nghiệm thu đưa vào vân hành năm 2008 sau đó bàn giao cho ngành Điện quản lý. Các tiêu chuẩn kỹ thuật được các ban ngành chức năng phê duyệt, nghiệm thu đưa vào vận hành theo đúng quy định.

Năm 2013 Nhà máy thuỷ điện Khe Bố tích nước phát điện nên cung đoạn từ cột số 96 đến 111 bị ngập trong lòng hồ, một số điểm rất khó khăn trong quá trình quản lý vận hành. Điện lực Tương Dương đã nhiều lần làm việc với nhà máy Thuỷ điện Khe Bố để phối hợp khắc phục nhưng chưa được thống nhất. Trong thời gian tới Công ty Điện lực Nghệ An sẽ tổ chức làm việc với Thủy điện Khe Bố để giải quyết dứt điểm vấn đề nêu trên.

- Lưới điện trung thế 35kV Tam Thái - Tam Hợp được BCH bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư xây dựng, nghiệm thu đưa vào vận hành năm 2011 để cấp điện cho Đồn BP Tam hợp sau đó UBND huyện đầu tư thêm các nhánh rẽ và trạm biến áp để cấp điện cho các thôn bản trên địa bàn xã Tam Thái và xã Tam Hợp, sau đó bàn giao cho ngành Điện quản lý. Hiện lưới điện trong khu vực đảm bảo các thông số an toàn được quy định tại NĐ số 51/2020/NĐ-CP ngày 21/04/2020 “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện”.

  1. Cử tri các xã: Mai Sơn, Xiêng My, Nhôn Mai, Yên Tĩnh, Xá Lượng, huyện Tương Dương đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh tăng đơn giá chi trả tiền bảo vệ rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng trong lưu vực các công trình Thủy điện nhằm nâng cao mức sống và ý thức người dân trong việc bảo vệ rừng.

UBND tỉnh trả lời như sau:

- Việc xác định đơn giá chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng được thực hiện theo quy định tại mục II, Phụ lục VII của Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. Theo đó, đơn giá chi trả phụ thuộc vào công suất, sản lượng của các cơ sở sản xuất thủy điện có sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh và tổng diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng hàng năm.

- Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng kiểm tra hồ sơ chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ dân trên địa bàn các xã Mai Sơn, Xiêng My, Nhôn Mai, Yên Tĩnh, Xá Lượng, huyện Tương Dương và có ý kiến như sau:

+ Phần tiền công bảo vệ rừng phục vụ cung ứng dịch vụ môi trường rừng mà các hộ dân thuộc các xã Mai Sơn, Nhôn Mai đang được hưởng thuộc diện tích chi trả tiền DVMTR tại lưu vực nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ. Những năm gần đây, đơn giá chi trả tại lưu vực này đạt từ trên 200.000 đồng/ha/năm đến gần 480.000 đồng/ha/năm. Đơn giá này thuộc nhóm các thủy điện có đơn giá cao trên địa bàn tỉnh và cao hơn một số mức hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước cho quản lý bảo vệ rừng.

+ Phần tiền công bảo vệ rừng phục vụ cung ứng dịch vụ môi trường rừng mà các hộ dân thuộc các xã Xiềng My, Yên Tĩnh, Xá Lượng đang được hưởng thuộc diện tích chi trả tiền DVMTR tại lưu vực nhà máy thuỷ điện Nậm Nơn, Bản Ang, Khe Bố. Các lưu vực Thuỷ điện này diện tích có rừng lớn, trong khi đó công suất thiết kế của nhà máy thấp do đó đơn giá chi trả hàng năm thấp dưới 100.000 đồng/ha/năm. Đơn giá này thấp hơn so với các nguồn kinh phí bảo vệ rừng khác như: 30a, Nghị định 75/2015/NĐ-CP… Chẳng hạn, tại nhà máy thủy điện Khe Bố có lưu vực nằm trên địa bàn các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp với tổng diện tích có rừng trong lưu vực trên 318.000 ha, trong khi đó công suất thiết kế của nhà máy là 100MW, do vậy tiền DVMTR thu hàng năm khoảng 11 tỷ đồng (Mức thu tiền DVMTR được qui định tại Điều 59, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP đối với các cơ sở sản xuất thuỷ điện là 36đ/KWh). Với số tiền thu được như vậy thì chỉ đạt gần 35.000 đồng/ha rừng. Do đơn giá chi trả tại lưu vực này quá thấp nên Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền sử dụng nguồn tiền dự phòng, điều tiết và tiền chưa xác định được đối tượng nhận tiền theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP để bổ sung đơn giá cho lưu vực thuỷ điện này. Sau khi hỗ trợ, bổ sung đơn giá cũng chỉ đạt mức 150.000 đồng/ha. Đơn giá này cũng đã cao hơn một số mức hỗ trợ của Ngân sách Nhà nước cho quản lý bảo vệ rừng.

Như vậy, việc tính toán xác định đơn giá và thực hiện chi trả tiền DVMTR hàng năm được thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Chế độ môi trường rừng ở một số lưu vực quá thấp là do nguồn kinh phí thu được từ nhà máy thuỷ điện Nậm Nơn, Bản Ang, Khe Bố thấp, trong khi đó diện tích rừng trong lưu vực này lớn nên đơn giá chi trả tiền DVMTR cho công tác bảo vệ rừng thấp. Do vậy, đối với kiến nghị tăng định mức sẽ được thực hiện khi Nghị định có sự thay đổi, bổ sung.

  1. Cử tri huyện Tương Dương đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xem xét tăng diện tích rừng phòng hộ giao khoán cho Nhân dân khoanh nuôi bảo vệ trên địa bàn xã Nhôn Mai. Bởi vì hiện nay tổng diện tích rừng phòng hộ của xã Nhôn Mai hơn 11.500ha, nhưng Nhân dân chỉ được thực hiện hơn 3.500ha, còn lại gần 8.000 ha thuộc về Ban quản lý Rừng phòng hộ quản lý.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo Báo cáo của Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương tại báo cáo số 31/BC-BQL ngày 17/8/2022, tổng diện tích Ban quản lý rừng hộ Tương Dương quản lý tại địa bàn xã Nhôn Mai là 14.216,9 ha, trong đó diện tích đủ điều kiện để thiết kế bảo vệ rừng cung ứng DVMTR là 8.874,7 ha. Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương đã giao khoán 3.951,6 ha (khoán cho 13 cộng đồng và 08 hộ gia đình: 3.732,412 ha, khoán Tổ bảo vệ rừng xã Nhôn Mai: 219,198) chiếm 45%; Ban quản lý rừng Phòng hộ Tương Dương tự tổ chức quản lý bảo vệ 4.923,1 ha, chiếm 55%.

Diện tích đã giao khoán cho các cộng đồng và các hộ dân được thiết kế chủ yếu ở những vùng rừng gần bản, thuận lợi cho người dân đi tuần tra, bảo vệ của các hộ dân và cộng đồng dân cư;

Diện tích còn lại 4.923,1 ha Ban QLRPH Tương Dương tự tổ chức bảo vệ chủ yếu nằm ở vùng sâu, biên giới và xa khu dân cư, địa hình phức tạp, có nguy cơ bị xâm hại cao nên việc giao khoán cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn sẽ không đảm bảo hiệu quả.

Mặt khác Ban quản lý rừng phòng hộ Tương Dương là đơn vị sự nghiệp công lập có thu. Trong đó nguồn DVMTR là một trong những nguồn thu cơ bản nhất giúp Ban cân đối được nguồn kinh phí để chi trả lương cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Vì vậy Ban cần cân đối một phần diện tích bảo vệ rừng từ nguồn dịch vụ môi trường rừng để đảm bảo nguồn thu cho Ban đảm bảo kinh phí hoạt động.

  1. Cử tri Bản Na Tổng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương kiến nghị khắc phục đoạn đường Quốc lộ 7A từ ruộng Na Coi đến đoạn đường ngã 3 bản Na Tổng thường xuyên xẩy ra nước ngập vào mùa mưa, làm ách tắc giao thông và có nguy cơ ngập nhà dân.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo báo cáo của Cục QLĐB II, vị trí này tại Km142+350 QL7, hiện trạng đoạn tuyến hai bên đã có mương thoát nước đầy đủ, bên trái bố trí mương thoát nước rãnh chịu lực, bên phải rãnh hình thang. Tuy nhiên, phía trái tuyến do các hộ dân làm hàng rào nên lề cao hơn mặt đường dẫn đến tình trạng đọng nước, vào mùa mưa (trời mưa to) thoát nước chậm.

Để khắc phục tình trạng này, UBND huyện Tương Dương đã chỉ đạo UBND xã Tam Thái vận động, giải tỏa hàng rào do dân xây dựng. Ngay sau khi giải toản, đơn vị quản lý sẽ hạ bạt lề đảm bảo thoát nước trên đoạn tuyến.

  1. Cử tri các xã: Yên Tĩnh, Hữu Khuông, huyện Tương Dương kiến nghị sửa chữa tuyến đường 543C từ Yên Na đi Hữu Khuông đã bị hư hỏng, xuống cấp, Nhân dân đi lại gặp khó khăn và nguy hiểm.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Tuyến ĐT.543C (Km0 - Km74+00) dài 74Km được nâng lên đường tỉnh tại Quyết định số 5394/QĐ-UBND ngày 01/11/2016 của UBND tỉnh. Trong đó đoạn từ Km0+00 - Km51+800 do Sở GTVT Nghệ An quản lý, bảo trì (đi qua các xã Xã Yên Na, Yên Tĩnh, Hữu Khuông); đoạn Km51+800 - Km74+00 đang được Xây dựng cơ bản do UBND Huyện Tương Dương làm chủ đầu tư và quản lý.

Đoạn tuyến đi qua xã Yên Tĩnh, Hữu Khuông thuộc Km4+00 - Km51+800 dài 47,8Km. Hiện trạng tuyến đường khi bàn giao nhiều đoạn mặt đường xuất hiện ổ gà; lún lõm, rạn nứt, rãnh dọc và cống ngang bồi lấp đất, đá. Sau khi tiếp nhận quản lý, Sở đã chỉ đạo Đơn vị quản lý thực hiện tốt công tác BDTX như vá ổ gà, hót sụt đất đá sạt lở taluy dương, nạo vét khơi thông cống rãnh, sửa chữa cục bộ các vị trí bị hư hỏng nặng để đảm bảo ATGT cho người và phương tiện đi lại trên tuyến. Tuy nhiên do nguồn kinh phí duy tu, BDTX còn hạn chế nên việc duy tu, sửa chữa chưa đáp ứng yêu cầu của cử tri.

Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giao thông vận tải tăng cường chỉ đạo đơn vị quản lý thực hiện công tác quản lý, bảo trì; báo cáo UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn vốn sửa chữa nâng cấp mặt đường đoạn tuyến, đảm bảo đồng bộ tuyến đường, ATGT cho nhân dân đi lại trong vùng.

  1. Hội Cựu chiến binh xã Xá Lượng, huyện Tương Dương đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hội viên Hội cựu chiến binh không thuộc đối tượng người có công với cách mạng.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Đối tượng tham gia BHYT được quy định tại Điều 12, Luật số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT); Chương I, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. BHXH tỉnh Nghệ An kính đề nghị Cử tri thuộc Hội Cựu chiến binh căn cứ quy định nêu trên để xác định đối tượng tham gia BHYT, cụ thể:

- Trường hợp thuộc nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT quy định tại Điều 3, Chương I, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP, thì phối hợp với cơ quan chức năng để được lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT theo quy định.

- Trường hợp không thuộc nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ một phần mức đóng BHYT, phải tham gia BHYT theo hộ gia đình thì được giảm trừ mức đóng BHYT theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 7, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ: “Mức đóng bảo hiểm y tế của đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định này như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất”.