1. Cử tri xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương kiến nghị tiếp tục triển khai Dự án đê Yên, Lương, Khai thi công dở dang; đồng thời có giải pháp để đảm bảo an toàn cho 4 hộ gia đình nằm trong dự án khi mùa mưa bão sắp đến.

UBND tỉnh trả lời như sau:

- Về việc triển khai Dự án:

Dự án Sửa chữa, nâng cấp đê Lương - Yên - Khai, huyện Thanh Chương đoạn từ K0+00 - K3+262,66 được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đầu tư và kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 3885/QĐ-UBND.NN ngày 22/9/2011, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Chủ đầu tư; nguồn vốn thực hiện dự án từ nguồn hỗ trợ của Trung ương để khắc phục hậu quả mưa lũ, chương trình củng cố nâng cấp đê sông và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 9/2011. Đến nay, khối lượng thi công ước tính đạt 63% giá trị hợp đồng. Nguồn vốn đã bố trí cho dự án là 20.420 triệu đồng, còn thiếu 16.559 triệu đồng. Do khó khăn về nguồn vốn nên các đơn vị không thể tiếp tục thi công phần còn lại. Để đảm bảo các chính sách hiện hành, Chủ đầu tư dự kiến chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công, xin cắt dự án đối với phần chưa thực hiện để xây dựng dự án mới trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và hỗ trợ kinh phí trong thời gian tới.

- Về việc đảm an toàn cho 04 hộ gia đình nằm trong dự án khi mùa mưa bão sắp đến:

Theo kế hoạch giải phóng mặt bằng để thi công dự án phải tiến hành di dời tái định cư 17 hộ. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên từ năm 2016 đến nay dự án đang tạm dừng thi công và việc di dời tái định cư của các hộ dân nói trên chưa thực hiện được.

Theo Điểm b, Khoản 2, Điều 27 Luật Đê điều quy định “Những công trình, nhà ở hiện có không phù hợp với quy hoạch thì phải di dời; trong khi chưa di dời được thì có thể sửa chữa, cải tạo để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân nhưng không được mở rộng diện tích mặt bằng”. Vì vậy, trong thời gian chưa di dời tái định cư được thì công trình, nhà ở của các hộ dân nói trên có thể sửa chữa, cải tạo nhưng không được mở rộng diện tích mặt bằng.

Để đảm bảo an toàn cho các hộ gia đình trong mùa mưa bão, UBND huyện Thanh Chương giao UBND các xã và đơn vị liên quan kiểm tra, theo dõi diễn biến thời tiết để hỗ trợ kịp thời cho các hộ gia đình theo phương án Phòng, chống thiên tai năm 2022 đã được UBND huyện Thanh Chương phê duyệt.

  1. Cử tri Nguyễn Văn Phượng, Chủ tịch UBMTTQ xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương kiến nghị UBND tỉnh sớm trả lời việc dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau tại xã Thanh An, huyện Thanh Chương có gia hạn hay không để người dân được biết và chủ động trong việc sử dụng đất phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Trường hợp có gia hạn đối với dự án này, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Dự án Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau tại xã Thanh An, huyện Thanh Chương được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 550/QĐ-UBND ngày 14/02/2017; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 3515310746 ngày 19/02/2017; UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 tại Quyết định số 5868/QĐ-UBND ngày 05/12/2017.

Theo báo cáo của nhà đầu tư, đến nay nhà đầu tư đã hoàn thành công tác thống kê, kiểm đếm tài sản; thỏa thuận đền bù, bồi thường GPMB với các hộ dân với diện tích 25,8ha/285,33ha. Tổng vốn đầu tư đã thực hiện đến tháng 11/2021 là 12,165 tỷ đồng.

Dự án đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương kiểm tra trong năm 2021 theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 6179/UBND-CN ngày 25/8/2021.

Ngày 22/02/2022, UBND tỉnh có Văn bản số 1103/UBND-CN giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để làm việc với nhà đầu tư, thống nhất phương án xử lý. Hiện nay, UBND tỉnh đang xem xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 1023/SKHĐT-DN ngày 25/3/2022 để triển khai theo đúng quy định.

  1. Cử tri xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương đề nghị UBND tỉnh có ý kiến với Chủ đầu tư Dự án Thủy điện Bản Vẽ triển khai xây dựng các hạng mục: chợ nông thôn, bia tưởng niệm liệt sỹ, sân chơi bãi tập… cho 2 xã tái định cư, vì đây là một trong những hạng mục được nêu trong Dự án tái định cư.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Đối với các nội dung liên quan đến các tồn tại, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thủy điện Bản Vẽ, UBND tỉnh đã báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, sớm xem xét, chỉ đạo Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, EVN sớm giải quyết các tồn tại vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thủy điện Bản Vẽ tại các văn bản: số 4368/UBND-CN ngày 08/7/2020, số 5100/UBND-CN ngày 23/7/2021 và đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo EVN (ngày 18/3/2021). Tuy nhiên, đến nay chưa có ý kiến chỉ đạo để có cơ sở thực hiện. Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục làm việc Bộ Công Thương để có phương án và kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để có ý kiến với Bộ Công Thương về nội dung trên.

  1. Cử tri xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương kiến nghị xây dựng bờ kè sông Giăng (từ Chợ Chùa lên bãi Trung Hòa) đang bị sạt lở nghiêm trọng.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo báo cáo UBND huyện Thanh Chương: Từ năm 2019 đến nay do ảnh hưởng của mưa lũ đoạn bờ sông Giăng (từ chợ Chùa lên bãi Trung Hòa) đã bị sạt lở, đặc biệt có khoảng 150m bờ sông thuộc xóm Liên Chung, xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương sạt lở nghiêm trọng làm ảnh hưởng trực tiếp đến 07 hộ dân. Để khắc phục tạm thời, UBND huyện Thanh Chương đã chỉ đạo UBND xã trực tiếp xây dựng các phương án phòng chống sạt lở như đóng cọc tre, cọc gỗ và trồng các loại cây chống sạt; bố trí ngân sách huyện gia cố một số hạng mục công trình bị ảnh hưởng.

Về lâu dài, để đảm bảo an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng trong khu vực cần thiết phải xây dựng kè kiên cố. Tuy nhiên, do chiều dài sạt lở lớn và khó khăn về kinh phí nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Để đảm bảo an toàn cho người và tài sản của người dân, kính đề nghị UBND tỉnh giao UBND huyện Thanh Chương rà soát, báo cáo đề xuất đầu tư gửi Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh xem xét, đáp ứng nguyện vọng thiết thực của cử tri.

  1. Cử tri xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương phản ánh Dự án đê từ xã Thanh Lương đi xã Thanh Yên đã kết thúc nhưng chỗ giáp múi giữa 2 xã mùa mưa lụt còn ảnh hưởng, các hộ dân nằm trong diện giải phóng mặt bằng chưa được đền bù.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Dự án sửa chữa, nâng cấp đê Lương – Yên – Khai, huyện Thanh Chương đoạn từ K0+000 đến K3+262,66 được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt đầu tư và kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 3885/QĐ-UBND.NN ngày 22/9/2011, giao Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư; nguồn vốn thực hiện dự án từ nguồn hỗ trợ của Trung ương để khắc phục hậu quả mưa lũ, chương trình củng cố nâng cấp đê sông và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 9/2011, kéo dài hơn 10 năm, đến nay vẫn chưa hoàn thành, nguồn vốn còn thiếu chưa được bố trí 16.487.000 đồng (tổng mức đầu tư 36.979.000 đồng, nguồn vốn đã bố trí 20.492.000 đồng).

Để đảm bảo các chính sách hiện hành, Chủ đầu tư dự kiến chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công, xin cắt dự án đối với phần chưa thực hiện để xây dựng dự án mới trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và hỗ trợ kinh phí trong thời gian tới.

  1. Cử tri Đặng Anh Dũng, thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương kiến nghị tiếp tục triển khai, sớm hoàn thành dự án điểm tái định cư Khe Mừ, hiện nay dự án vẫn dang dở, các hạng mục công trình xây dựng bỏ hoang, xuống cấp.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Tại điểm khe Mừ, xã Thanh Thuỷ: Theo quy mô thiết kế, điểm tái định cư này bố trí cho 120 hộ. Đến nay, các hạng mục đã hoàn thành 100% khối lượng theo thiết kế được phê duyệt.

Ngày 24/5/2022, Chi cục Phát triển nông thôn đã có văn bản số 178/PTNT-KHTC gửi Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo, đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng. Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản xin ý kiến các sở ngành liên quan, đến thời điểm này đã có ý kiến chấp thuận của Sở Công Thương và Sở Giao thông Vận tải, hiện đang chờ ý kiến của Sở Xây dựng để tổng hợp.

Sau khi có văn bản chấp thuận công tác nghiệm thu, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ giao Chi cục Phát triển Nông thôn tiến hành làm các thủ tục cần thiết để bàn giao công trình đưa các hộ dân vào vùng tái định cư ổn định cuộc sống.

  1. Cử tri xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương kiến nghị nâng cấp đường ra đò Phuống.

UBND tỉnh trả lời như sau:

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1647/QĐ-UBND ngày 10/6/2022 về việc….với tổng mức đầu tư 901.018.000 đồng.Hiện nay, Ban An toàn giao thông tỉnh đang tổ chức lựa chọn nhà thầu. Dự kiến công trình Sửa chữa nâng cấp đường lên xuống bến đó Phuống, xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương sẽ được triển khai và hoàn thành trong năm 2022.

  1. Cử tri xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương kiến nghị hoàn thành đường tỉnh lộ 533B còn 500 m chưa thực hiện xong.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Tuyến ĐT.533B dài 10 Km được nâng lên đường tỉnh theo quyết định số 5394/QĐ-UBND ngày 01/11/2016 và giao cho Sở Giao thông vận tải Nghệ An quản lý, bảo trì. Đoạn tuyến đi qua xã Thanh Ngọc thuộc Km1+700-Km8+600 ĐT.533B. Quy mô đoạn tuyến Km1+700 – Km7 là mặt đường đá dăm láng nhựa, Đoạn Km7+00 – Km8+600 là mặt đường Bê tông nhựa; Các đoạn từ Km1+700 – Km6+050 và Km6+550 – Km8+600 có Bmặt = 5,5m, Bnền = 6,5m; Đoạn Km6+050 – Km6+550 có Bmặt = 3,5m, Bnền = 6,5m

Thời điểm nâng cấp, trên tuyến ĐT.533B có nhiều đoạn xuống cấp, hư hỏng nặng, mất ATGT. Từ khi tiếp nhận quản lý, bảo trì, Sở đã tập trung chỉ đạo Đơn vị quản lý thực hiện tốt công tác BDTX, đảm bảo ATGT như vá ổ gà trên tuyến, sửa chữa cục bộ một số vị trí mặt đường hư hỏng nặng từ Km7+800-Km8. Đồng thời cũng đã triển khai nhiều dự án để sửa chữa các vị trí hư hỏng, mất ATGT, nâng cấp mở rộng mặt đường như Km0+700-Km5+500, Km6+700-Km7, thị trấn Thanh Chương đi nhà máy sắn với kinh phí gần 10,1 tỷ đồng.

Hiện nay, đoạn qua xã Thanh Ngọc chỉ còn đoạn tuyến Km6+050-Km6+550 dài 500m, có Bmặt = 3,5m, Bnền = 6,5m, mặt đường đá dăm láng nhựa đã hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng đi lại của nhân dân. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí công tác quản lý, bảo trì còn nhiều khó khăn hạn chế nên đến nay đoạn tuyến chưa được sửa chữa.

Thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục chỉ đạo đơn vị quản lý tăng cường công tác quản lý, BDTX. Đồng thời, thực hiện sửa chữa nâng cấp mở rộng đồng bộ trên toàn tuyến khi đảm bảo điều kiện về nguồn vốn.

  1. Cử tri xã Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương kiến nghị sửa chữa tuyến đường Quốc lộ 46C đoạn đi qua xã Thanh Thịnh, đoạn cầu Hói, cầu Ba Bến.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo thông tin từ Cục Quản lý đường bộ II: Quốc lộ 46C đi qua địa bàn xã Thanh Thịnh dài khoảng 3,36 km thuộc đoạn có lý trình từ Km92+00 - Km95+360. Hiện đoạn tuyến đang được Ban Quản lý dự án 4 – Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện thi công sửa chữa những vị trí mặt đường bị hư hỏng thuộc kế hoạch bảo trì đường bộ năm 2022. Dự án sẽ hoàn thành trong năm 2022.

  1. Cử tri các xã: Phong Thịnh, Thanh Hòa, Thanh Nho và Thanh Đức, huyện Thanh Chương kiến nghị nâng cấp tuyến đường chợ Chùa (xã Phong Thịnh) đi xã Thanh Đức bị hư hỏng, xuống cấp.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Tuyến đường từ Phong Thịnh đi Thanh Hòa, Thanh Nho, Thanh Đức là tuyến đường huyện ĐH.362 có tổng chiều dài 16,5km, tuyến đường đã được nhựa hóa tuy nhiên qua nhiều năm sử dụng hiện nay nhiều đoạn xuống cấp. Hàng năm, UBND huyện đều vận hành nguồn vốn và trích ngân sách huyện để sửa chữa tuyến đường này, đến nay đã sửa chữa được hơn 2km với kinh phí 2,6 tỷ đồng. Năm 2022, UBND tỉnh tiếp tục bố trí 800 triệu đồng từ nguồn bảo trì đường bộ để sửa chữa tuyến đường.

Do điều kiện nguồn lực còn nhiều khó khăn nên việc sửa chữa, nâng cấp tuyến đường chưa đáp ứng yêu cầu cử tri. Thời gian tới, UBND huyện Thanh Chương tiếp tục tăng cường công tác bảo trì trên tuyến và thực hiện sửa chữa, nâng cấp khi đảm bảo điều kiện về nguồn vốn.

  1. Cử tri xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương kiến nghị nâng cấp đường Quốc lộ 46, đoạn chạy qua xóm Phật Sơn (khoảng 300m) bị xuống cấp, hệ thống thoát nước 2 bên đường bị tắc, nhiều cống không có khả năng thoát nước gây ngập úng, thiệt hại tài sản cho Nhân dân trong xóm.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo thông tin từ Cục Quản lý đường bộ II: Tuyến QL46 không qua địa bàn xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương; hiện qua địa bàn xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương có tuyến QL46B. Hiện trạng đoạn tuyến có nền, mặt đường không xuất hiện hư hỏng, đảm bảo khai thác bình thường; hệ thống thoát nước đảm bảo, không có cống bị tắc, sập.

  1. Cử tri huyện Thanh Chương đề nghị UBND tỉnh thực hiện chi hỗ trợ đối với Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư thực hiện cuộc vận động và các phong trào được phát động ở địa phương theo quy định tại khoản 11, Điều 4 Thông tư số 212/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Căn cứ Thông tư số 121/2017/TT-BTC ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính Quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND ngày 20/7/2018 quy định mức chi hỗ trợ đối với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp xã thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An; theo đó, tại điểm 2 Điều 2 quy định mức chi hỗ trợ đối với Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cụ thể như sau:

- Đối với các khu dân cư của các xã thuộc vùng khó khăn; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo: 6.000.000 đồng/năm/khu dân cư;

- Đối với các khu dân cư còn lại: 5.000.000 đồng/năm/khu dân cư.

Vì vậy, mức chi hỗ trợ đối với Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư của các xã thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Nghị quyết số 07/2018/NQ-HĐND như trên là phù hợp. Lý do:

- Nội dung nhiệm vụ chi của Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư của các xã thuộc vùng khó khăn về cơ bản là tương đồng;

- Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, mức hỗ trợ trên là phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và thực tiễn địa phương.

  1. Cử tri xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương đề nghị UBND tỉnh quan tâm chế độ chính sách cô nuôi tại các Trường Mầm non, hỗ trợ đóng BHXH như cán bộ không chuyên trách để yên tâm công tác.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Đối tượng người lao động nấu ăn, chăm sóc và bảo vệ cảnh quan trong trường mầm non được quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ, Thông tư 15/2001/TT-BTCCBCP ngày 11/4/2001 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ về việc Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

  1. a) Nguồn kinh phí và chế độ thực hiện:

- Đối với người bảo vệ, vệ sinh, tạp vụ: đơn vị cân đối từ nguồn NSNN cấp và nguồn phần thu học phí để chi trả chế độ;

- Thu để chi trả tiền thuê khoán người nấu ăn và chi phí tổ chức bán trú các cấp học (trừ các cơ sở giáo dục được hưởng chính sách theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ): mức thu tối đa 200.000đ/HS/tháng;

- Thu để cân đối chi trả tiền thuê khoán người nấu ăn đối với các cơ sở giáo dục được hưởng chính sách theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ: mức thu tối đa 100.000đ/HS/tháng. Đơn vị tính toán chi phí hợp lý để tổ chức nấu ăn bán trú; tương xứng với quy mô trường lớp, học sinh và mặt bằng thuê khoán người lao động trên địa bàn; đồng thời cân đối phần ngân sách được hỗ trợ để đề xuất mức thu phù hợp với khả năng đóng góp của người học.

Không áp dụng thu để thuê khoán người nấu ăn đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục đã được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 10/2019/NQ-HĐND ngày 12 tháng 7 năm 2019 quy định chế độ hỗ trợ nhân viên các trường phổ thông dân tộc bán trú và phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

- Chi trả tiền thuê khoán người nấu ăn:

+ Mức tiền lương thỏa thuận giữa người lao động và Hiệu trưởng nhà trường nhưng phải đảm bảo không thấp hơn lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động do Chính phủ quy định (theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động).

+ Số người hợp đồng nấu ăn tại các trường mầm non tùy theo tình hình thực tế của nhà trường nhưng không vượt quá số người quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ Quy định về khung vị trí làm việc và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Số người hợp đồng nấu ăn tại các trường phổ thông tùy theo tình hình thực tế của nhà trường để bố trí cho hợp lý, phù hợp với đặc thù của cấp học (định mức tham khảo có thể khoảng 70 học sinh/01 người nấu ăn).

+ Khuyến khích các cơ sở giáo dục tính toán số người nấu ăn phù hợp, tiết kiệm về số lượng người lao động hợp đồng nhưng tuyên truyền, vận động phụ huynh thống nhất ủng hộ mức thỏa thuận đóng góp bảo đảm tăng thu nhập và được đóng bảo hiểm hàng tháng cho đối tượng này theo quy định của Luật lao động, nhằm ổn định cuộc sống để yên tâm công tác.

  1. b) Về việc đóng BHXH và hỗ trợ kinh phí đóng BHXH

- Khuyến khích các cơ sở giáo dục tính toán số người nấu ăn, người bảo vệ, vệ sinh, tạp vụ phù hợp khả năng kinh phí, tiết kiệm về số lượng người lao động hợp đồng nhưng tuyên truyền, vận động phụ huynh thống nhất ủng hộ mức thỏa thuận đóng góp bảo đảm tăng thu nhập và được đóng bảo hiểm hàng tháng cho đối tượng này theo quy định của Luật lao động, nhằm ổn định cuộc sống để yên tâm công tác.

Về việc hỗ trợ kinh phí đóng BHXH: UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu về chính sách này trong thời gian tới.

  1. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất trường học, cụ thể:

+ Đầu tư tu sửa Trường Trung học cơ sở và Trường Tiểu học xã Thanh Mỹ (cử tri xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương);

+ Xây dựng một số phòng học còn thiếu tại Trường học Trung học cơ sở Nho Hòa (cử tri xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương);

+ Đầu tư tu sửa Trường THCS Đại Đồng (cử tri xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương);

UBND tỉnh trả lời như sau:

- Trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bênh COVID-19 và mưa bão, lũ lụt xẩy ra dồn dập trên địa bàn tỉnh; nhưng các cấp, các ngành đã tập trung hỗ trợ các cơ sở giáo dục bổ sung các điều kiện đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ dạy và học, nhất là cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo chuẩn hóa và thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, dự kiến năm học 2022-2023 trên địa bàn toàn tỉnh còn có gần 1000 điểm trường lẻ, đang còn hơn 1000 phòng học tạm, mượn chưa bao gồm các phòng học xuống cấp; từ nay đến 2025, nhu cầu đầu tư kiên cố hóa phòng học trung bình mỗi năm khoảng 1000 phòng học. Trong đó, trên địa bàn huyện Thanh Chương có 54 điểm trường lẻ các cấp học mầm non, TH và THCS.

UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND huyện Thanh Chương tiếp tục rà soát quy mô phát triển giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của các trường học, điểm trường lẻ trên địa bàn huyện để sáp nhập trường, điểm trường lẻ thuận lợi về giao thông, thuận lợi cho học sinh để việc đầu tư cơ sở vật chất tại các trường, điểm trường lẻ có hiệu quả lâu dài, không giàn trải tránh lãng phí các nguồn lực đầu tư. Rà soát các công trình, phòng học…xuống cấp trầm trọng; Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, UBND huyện xây dựng kế hoạch và nhu cầu kinh phí đầu tư CSVC của từng nhà trường, huy động các nguồn lực và lồng ghép các nguồn kinh phí để tập trung đầu tư xây dựng và mua sắm thiết bị tại trường chính, việc đầu tư các điểm trường lẻ cần rà soát lại và cân nhắc thật kỹ trước khi thực hiện. Từ đó, đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ bổ sung nguồn kinh phí (Tham mưu, phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch 305/KH-UBND về thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An (theo danh mục chi tiết, cụ thể của đề án). Xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ xây dựng các mô hình đảm bảo các điều kiện chăm sóc, giáo dục, nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở giáo dục, nhất là các điểm trường vùng khó khăn.

  1. Cử tri xã Cát Văn, huyện Thanh Chương đề nghị UBND tỉnh công nhận Liệt sỹ đối với 98 người bị tử nạn tại cống Hiệp Hòa (huyện Đô Lương); tăng mức phụ cấp cho thân nhân của 98 người này; xây dựng Bia tưởng niệm...

UBND tỉnh trả lời như sau:

- Về đề nghị công nhận liệt sĩ đối với 98 người bị tử nạn tại cống Hiệp Hòa (huyện Đô Lương):

Căn cứ Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng thì những người bị chết do tai nạn tại cống Hiệp Hòa không thuộc các trường hợp để xem xét công nhận liệt sỹ.

Tại khoản 2, điều 71, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ hướng dẫn biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (thay thế Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09/4/2013 của Chính phủ) quy định: “Không áp dụng xem xét công nhận đối với những trường hợp sau: Chết từ ngày 31 tháng 12 năm 1994 trở về trước, đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện công nhận liệt sĩ hoặc đã báo tử theo chế độ tử sĩ hoặc quân nhân từ trần, tai nạn lao động”. 98 người tử nạn ngày 03/01/1978 tại cống Hiệp Hòa, xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An là thanh niên tham gia khai thông hệ thống sông đào sau chiến tranh, tử nạn do tai nạn cống sập đất đá vùi lấp, đã được UBND tỉnh giải quyết theo Quyết định số 202- CP ngày 31/10/1979 của Hội đồng Chính phủ về việc tạm thời quy định cụ thể một số chế độ đãi ngộ đối với đội thủy lợi trong Hợp tác xã nông nghiệp cho thân nhân chủ yếu của người tử nạn (hy sinh), vì vậy không thuộc các trường hợp hy sinh để xác nhận liệt sĩ theo quy định.

- Về đề nghị tăng mức phụ cấp cho thân nhân của 98 người này:

Hiện có 32 người là thân nhân của 98 người tử nạn tại cống Hiệp Hòa xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng; mức trợ cấp là 540.000đồng/người/tháng. Mức trợ cấp trên được thực hiện theo Quyết định số 6302/QĐ-UBND ngày 29/12/2015 của UBND tỉnh về điều chỉnh mức trợ cấp cho thân nhân của những người bị chết do tai nạn lao động khi tham gia xây dựng công trình cống Hiêp̣ Hòa tại huyện Đô Lương từ mức 360.000đồng/người/tháng lên mức 540.000 đồng/người/tháng; áp dụng theo quy định của Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Việc thực hiện chế độ cho các thân nhân của các nạn nhân luôn thời gian qua luôn được thực hiện kịp thời, đúng theo Quyết định của UBND tỉnh.

- Về vấn đề xây dựng Bia tưởng niệm:

Ngày 05/6/2018, Tỉnh ủy Nghệ An đã có Công văn số 3258-CV/TU đồng ý chủ trương xây dưng bia chứng tích công trình Cống Hiệp Hòa năm 1978.

Ngày 21/12/2021, UBND tỉnh đã có Công văn số 9957/UBND-NN về việc tổ chức xây dựng hạng mục bia tưởng niệm cống Hiệp Hòa và giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành, Đoàn thể liên quan để tham mưu thực hiện. Hiện nay, vấn đề này Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang chủ trì tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện.