- Cử tri bản Long Thắng và bản Hạnh Tiến, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo đưa bản Long Thắng và bản Hạnh Tiến vào lộ trình được sử dụng điện lưới quốc gia.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Dự án cấp điện lưới điện Quốc gia cho các xã, thôn bản chưa có điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An là dự án lớn, có tầm quan trọng đặc biệt đối với An ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội. Do nguồn vốn đầu tư lớn và mức độ bức thiết các khu vực khác nhau nên dự án được chia làm nhiều giai đoạn đầu tư xây dựng theo phân bổ nguồn vốn Ngân sách Trung ương hàng năm.
Đến nay Công ty Điện lực Nghệ An đã triển khai hoàn thành 02 giai đoạn, giai đoạn 3 của dự án cơ bản hoàn thành và đang triển khai giai đoạn 4.
Cấp điện cho Bản Long Thắng, Bản Hạnh Tiến, xã Hạnh Dịch Quế Phong thuộc giai đoạn 4. Hiện nay đang triển khai công tác tư vấn thiết kế bản vẽ thi công và sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Theo kế hoạch dự án hoàn thành và đóng điện trong năm 2023.
- Cử tri và Nhân dân xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong kiến nghị cấp có thẩm quyền tăng mức phí chăm sóc, bảo vệ rừng, phí dịch vụ môi trường rừng để tương xứng với công tác chăm sóc, bảo vệ rừng của nhân dân, nhất là khi xã Hạnh Dịch nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạch.
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Về kiến nghị tăng mức phí chăm sóc, bảo vệ rừng:
Để đảm bảo tiền công bảo vệ rừng, chăm sóc rừng cho nhân dân xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đã tập trung, ưu tiên bố trí lồng ghép các nguồn vốn bảo vệ rừng khác (nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, giai đoạn 2012 - 2020) cho địa bàn xã Hạnh Dịch lớn hơn rất nhiều so với các xã khác, nơi nguồn dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) có đơn giá cao hơn.
Nguồn vốn lồng ghép từ Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn xã Hạnh Dịch đã được bố trí cụ thể như sau: Năm 2020 là 2.800.200.000 đồng/6.749.800.000 đồng chiếm 41,5% tổng kinh phí được giao; Năm 2021 là 1.528.380.000 đồng/3.543.645.000 đồng chiếm 43,5% tổng kinh phí được giao.
Như vậy, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đã thực hiện giao khoán bảo vệ rừng cho người dân trên địa bàn huyện Quế Phong nói chung và xã Hạnh Dịch nói riêng để tạo thu nhập từ rừng, nâng cao đời sống, góp phần ổn định đời sống nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Trên địa bàn xã Hạnh Dịch, nơi có đơn giá DVMTR thấp, Ban quản lý Khu BTTN Pù Hoạt đã chủ động lồng ghép các nguồn vốn khác nhau trên một đơn vị diện tích giao khoán để đảm bảo đơn giá giao khoán tương đương với các khu vực khác trên địa bàn huyện Quế Phong.
- Về kiến nghị tăng mức phí dịch vụ môi trường rừng:
Việc xác định mức (đơn giá) chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho 01 ha rừng được thực hiện theo quy định tại mục II, Phụ lục VII, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. Theo đó, đơn giá chi trả cho 01 ha rừng cung ứng DVMTR tại một lưu vực phụ thuộc vào số tiền thực thu trong năm từ bên sử dụng DVMTR và diện tích rừng có cung ứng DVMTR tại lưu vực đó.
Địa bàn xã Hạnh Dịch của huyện Quế Phong có diện tích rừng cung ứng DVMTR thuộc lưu vực Nhà máy thủy điện Sao Va, đây là thủy điện có công suất rất thấp (chỉ có 3 MW) nên số tiền DVMTR thu được ít (khoảng 300 triệu/năm), trong khi đó diện tích rừng trong lưu vực này lại lớn (gần 16 nghìn ha), do vậy đơn giá bảo vệ rừng DVMTR thực tế tại lưu vực thủy điện Sao Va thuộc xã Hạnh Dịch rất thấp, tùy biến động nguồn thu từng năm thì đơn giá chỉ đạt từ 19.367 đồng/ha – 25.835 đồng/ha (bao gồm cả chi phí quản lý của chủ rừng là tổ chức).
Do đơn giá chi trả DVMTR tại lưu vực này quá thấp, nên những năm gần đây Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chủ động cân đối các nguồn kinh phí để tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, Hội đồng quản lý Quỹ, UBND tỉnh hỗ trợ, bù đơn giá chi trả DVMTR cho lưu vực thủy điện này nói riêng và các lưu vực thủy điện khác có mức chi trả thấp dưới 100.000 đồng/ha/năm nói chung. Do vậy, 02 năm gần đây (năm 2020, 2021) đơn giá tại lưu vực thủy điện Sao Va thuộc xã Hạnh Dịch sau khi được hỗ trợ, bù giá đã đạt mức 150.000 đồng/ha (bao gồm cả chi phí quản lý của chủ rừng là tổ chức). Tuy vậy, đối với những diện tích rừng thuộc lưu vực thủy điện trong năm đã được thụ hưởng nguồn vốn Ngân sách nhà nước thì không được hỗ trợ, bù giá từ tiền DVMTR.
Như vậy, căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ và các quy định hiện hành thì Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tính toán, xác định mức (đơn giá) chi trả tiền DVMTR hàng năm đúng quy định. Đồng thời, đối với các lưu vực có đơn giá chi trả DVMTR hàng năm thấp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã chủ động cân đối kinh phí, tham mưu điều tiết, hỗ trợ bù giá để tăng thêm kinh phí chi trả DVMTR cho các đối tượng bảo vệ rừng.
- Cử tri xã Quang Phong, huyện Quế Phong kiến nghị UBND tỉnh sớm bố trí kinh phí giao đất gắn với giao rừng cho Nhân dân.
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Đề án giao rừng gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cứ trên địa bàn tỉnh Nghệ An được thực hiện từ năm 2018-2021 theo các Quyết định: Số 4213/QĐ-UBND ngày 20/8/2018 và điều chỉnh tại Quyết định số 3776/QĐ-UBND ngày 25/9/2019 của UBND tỉnh Nghệ An. Đến năm 2022, UBND tỉnh quyết định gia hạn thời gian thực hiện đến 31/12/2023 tại Quyết định số 425/QĐ-UBND ngày 22/02/2022.
- Ngày 15/4/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 956/QĐ-UBND về việc giao chỉ tiêu kế hoạch thực hiện Đề án giao rừng gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh đợt 1 năm 2022 (trong đó giao chỉ tiêu UBND huyện Quế Phong thực hiện Đề án đợt 1 năm 2022 với khối lượng 3.955,20 ha với tổng vốn đầu tư 1.600.000.000 đồng).
- Căn cứ Quyết định số 342/QĐ-SNN.KHTC ngày 16/5/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt dự toán kinh phí giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Quế Phong (đợt 1) năm 2022; Quyết định số 1972/QĐ-UBND ngày 06/7/2022 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt danh mục dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu giao rừng gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Quế Phong (đợt 1) năm 2022. Thì nguồn kinh phí thực hiện giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Quế Phong đợt 1 năm 2022 đã được bố trí trong dự toán chi ngân sách năm 2022 của Hạt Kiểm lâm huyện Quế Phong với số tiền 1.600.0000.000 đồng.
- Đến nay Hạt Kiểm lâm Quế Phong đang triển khai thực hiện Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Quế Phong theo đúng kế hoạch UBND huyện Quế Phong đã đăng ký.
- Cử tri xã Quang Phong, huyện Quế Phong đề nghị UBND tỉnh yêu cầu Công ty Thanh Thành Đạt thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 9346/UBND – CN ngày 01/12/2021, trong đó bàn giao 70ha đất chồng lấn và diện tích tự nhiên không trồng rừng về địa phương quản lý; giao đất, giao rừng cho người dân trên địa bàn.
UBND tỉnh trả lời như sau:
UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 9346/UBND-CN ngày 01/12/2021, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND huyên Quế Phong thu hồi phần diện tích khoảng 70 ha đất tại thửa số 51, tờ bản đồ số 2, do chồng lấn với các hộ dân trồng keo trong khoảng thời gian Công ty làm thủ tục thuê đất theo đề nghị của UBND huyện Quế Phong, để giao lại cho chính quyền địa phương quản lý giao đất sản xuất cho người dân.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 3693/STNMT-QLĐĐ ngày 27/6/2022 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Công văn số 9346/UBND-CN ngày 01/12/2021 của UBND tỉnh. Theo đó, đề nghị Công ty TNHH Thanh Thành Đạt khẩn trương phối hợp với UBND huyện Quế Phong để thực hiện nội dung được giao theo Công văn 9346/UBND-CN ngày 1/12/2021. Tuy nhiên, đến nay Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, vẫn triển khai chậm nội dung này. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Sở, ngành tiếp tục đôn đốc chỉ đạo thực hiện.