- Ý kiến: Cử tri xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn đề nghị cần có chương trình hỗ trợ xây dựng làng nghề dệt thổ cẩm ở diện rộng để tạo thêm công ăn việc làm cho bà con nhân dân.
Trả lời: Trên địa bàn xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn có 2 làng nghề dệt thổ cẩm Bản Na và Bản Xốp Thập. Để các làng nghề dệt thổ cẩm tiếp tục phát triển và được nhân rộng, tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân trên địa bàn, hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương, UBND huyện Kỳ Sơn có văn bản đề nghị các địa phương đăng ký đề án đề nghị hỗ trợ chương trình khuyến công của tỉnh; quan tâm xây dựng các đề án, đăng ký hỗ trợ từ nguồn khuyến công tỉnh như: hỗ trợ đào tạo nghề, mua sắm công cụ làng nghề, tham gia hội chợ triển lãm, xây dựng phòng trưng bày, quảng bá thương hiệu…Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Kỳ Sơn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục Phát triển Nông thôn xây dựng kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề (đường giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước...), xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề theo Nghị quyết số 06/2019/NQ - HĐND ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An; tiếp cận các nguồn đào tạo nghề, tập huấn các nội dung để nâng cao phát triển ngành nghề của xã.
- Ý kiến: Cử tri kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng Cầu treo tại bản Xốp Nhĩ, xã Hữu Lập; cầu cứng qua khe Nậm Tắm từ bản Na Loi sang khu dân cư của xã; cầu tràn qua khe Nậm Tắm vào đường đi tuần tra và khu sản xuất của bản Na Khướng.
Trả lời:
- Cầu treo tại bản Xốp Nhị, xã Hữu Lập:
Ngày 29/12/2020, UBND tỉnh đã có Công văn số 9246/UBND-KT trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị hỗ trợ vốn ngân sách trung ương để xây dựng dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng huyện Kỳ Sơn giai đoạn 2021-2025, trong đó có công trình Cầu cứng tại bản Xốp Nhị qua sông Nậm Mộ tại xã Hữu Lập. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét.
- Cầu cứng qua khe Nậm Tắm từ bản Na Loi sang khu dân cư của xã:
Hiện nay, để đi từ bản Na Loi sang khu dân cư của xã có 2 đường, một đường đi qua cầu treo (đảm bảo cho người đi bộ và xe máy), một đường đi theo tuyến Na Loi – Đoọc Mạy vào khu dân cư. Việc đầu tư xây dựng cầu cứng đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn. Mặt khác, đã có 2 tuyến đường đi vào đảm bảo đi lại cho người dân. Vì vậy, đề xuất đầu tư xây dựng cầu cứng của cử tri là chưa cần thiết. Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Kỳ Sơn duy tu sửa chữa cầu treo và cải tạo, sửa chữa đường từ ngã ba tuyến Na Loi - Đoọc Mạy vào khu dân cư của xã, đảm bảo đi lại an toàn, thuận lợi.
- Cầu tràn qua khe Nậm Tắm vào đường đi tuần tra và khu sản xuất của bản Na Khướng:
Theo báo cáo của UBND huyện Kỳ Sơn, UBND huyện đã đưa công trình vào danh mục đề xuất kế hoạch đầu tư giai đoạn 2021-2025 bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và nguồn vốn theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 Quốc hội khóa 14, nhiệm kỳ 2016-2021 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, để thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình.
- Ý kiến: Cử tri phản ánh Theo Thông tư số 90/2014 TT-BTC ngày 11/12/2014 của Bộ Tài chính quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội từ khi thực hiện đến cuối năm 2019, việc thanh toán để nhận tiền hỗ trợ chỉ sử dụng hóa đơn thanh toán tiền điện kỳ trước (giấy biên nhận) là được. Nhưng từ Quý I/2020, Kho bạc Nhà nước huyện đề nghị phải có hóa đơn giá trị gia tăng mới thanh toán được, gây khó khăn cho UBND cấp xã trong việc thực hiện thanh toán. Đề nghị UBND tỉnh xem xét giải quyết.
Trả lời: Tiếp thu ý kiến phản ánh của cử tri, Kho bạc Nhà nước tỉnh đã thực hiện kiểm tra, rà soát tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước huyện, thị xã việc giải ngân các khoản chi chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội theo Thông tư số 190/2014/TT-BTC ngày 11/12/2014 của Bộ Tài chính, thì hiện nay không có khoản chi nào chưa được giải ngân qua KBNN vì lý do không có hóa đơn giá trị gia tăng.
Tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư số 190/2014/TT-BTC ngày 11/12/2014 của Bộ Tài chính quy định thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội hướng dẫn hồ sơ kiểm soát chi gửi đến KBNN bao gồm: “Danh sách các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Quyết định điều chỉnh hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện của cơ quan có thẩm quyền trong năm (nếu có); Quyết định hỗ trợ tiền điện của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Hóa đơn thanh toán tiền điện kỳ trước (bản chính) của hộ chính sách xã hội; Giấy đề nghị rút kinh phí của Ủy ban nhân dân cấp xã”.
Tại Khoản 4 Điều 7 Nghị định 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước hướng dẫn hồ sơ gửi đến KBNN: “Đối với chi trợ cấp theo quyết định trợ cấp của cấp có thẩm quyền: Dự toán chi tiết được cấp thẩm quyền giao; quyết định trợ cấp của cấp có thẩm quyền; Bảng kê nội dung thanh toán/tạm ứng (trường hợp chứng từ chuyển tiền của đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước không thể hiện được hết nội dung chi)”.
Như vậy, kể từ ngày 16/3/2020 (ngày có hiệu lực của Nghị định 11/2020/NĐ-CP) chi hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội đơn vị sử dụng ngân sách không phải gửi hóa đơn thanh toán tiền điện kỳ trước (giấy biên nhận) đến KBNN.
- Ý kiến: Cử tri xã Bảo Thắng, huyện Kỳ Sơn đề nghị ngành giáo dục quan tâm đầu tư xây dựng mới trường PTDTBTTH – THCS Bảo Thắng 2 tầng và nhà nội trú cho giáo viên. Đồng thời đề nghị ngành giáo dục cần rà soát lại các điểm trường lẻ hiện đã xuống cấp để có có kế hoạch tu sửa kịp thời.
Trả lời: Sau khi nhận được kiến nghị của cử tri xã Bảo Thắng, UBND huyện Kỳ Sơn đã tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học trên địa bàn xã Bảo Thắng, cụ thể:
- Trường PTDTBT TH&THCS Bảo Thắng đã thực hiện: san lấp mặt bằng xây dựng phòng học ghép (hơn 300 triệu đồng), xây dựng bờ rào sân trường, sửa chữa nhà nội trú giáo viên (hơn 600 triệu đồng), xây dựng 7 phòng học và 3 công trình vệ sinh bằng vật liệu tôn ghép (hơn 1 tỉ đồng); Chuẩn bị xây dựng dãy nhà học hai tầng (hơn 6 tỷ đồng).
- Trường Mầm non Bảo Thắng: Trong năm 2020 đã được đầu tư xây dựng 4 phòng học lắp ghép và đầu tư trang thiết bị tại điểm trường lẻ bản Sao Va với số tiền hơn 800 triệu.
Về cơ bản hiện nay các điểm trường lẻ đã được tu sửa, không còn phòng học tạm; Cơ sở vật chất của trường Mầm non, PTDTBT TH&THCS Bảo Thắng đã được đầu tư xây dựng tương đối đầy đủ đáp ứng nhu cầu dạy và học.
- Ý kiến: Cử tri xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn phản ánh: Hiện nay, trạm y tế xã đã xuống cấp, hư hỏng, không đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, cũng như nguy hiểm cho cán bộ đang công tác tại trạm. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xử lý.
Trả lời: Xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn đã được phê duyệt xây dựng mới trong Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn sử dụng nguồn vốn ODA của ADB (kinh phí trung ương và địa phương 10 triệu USD để xây dựng mới 32 và sửa chữa 33 trạm y tế xã trong giai đoạn 2020 – 2022, sẽ triển khai khi trung ương cấp vốn).
- Ý kiến: Cử tri huyện Kỳ Sơn đề nghị cần xem xét, điều chỉnh lại các hạng mục chấm điểm tiêu chí hộ nghèo với điều kiện của miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời xem xét chuyển các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo thành các chính sách hỗ trợ chung cho cả cộng đồng.
Trả lời:
* Về đề nghị xem xét, điều chỉnh lại các hạng mục chấm điểm tiêu chí hộ nghèo với điều kiện của miền núi, vùng sâu, vùng xa.
- Giai đoạn 2016 - 2020, bộ công cụ điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn quốc thực hiện theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2015-2020; Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/6/2016 và Thông tư số 14/2018/TT-BLĐTBXH ngày 26/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020. Hệ thống các tiêu chí chẩm điểm xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng đối với 2 khu vực: thành thị và nông thôn, trong đó, vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa như kiến nghị của cử tri thực hiện theo (Phiếu B) khu vực nông thôn.
Ngày 27/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang nghiên cứu, xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 07/2021/NĐ-CP trên địa bàn cả nước và bộ công cụ điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp hơn. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện đúng quy định sau khi có hướng dẫn của Bộ.
* Về đề nghị xem xét chuyển các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo thành các chính sách hỗ trợ chung cho cả cộng đồng:
Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có văn bản hướng dẫn chuyển đổi những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho những nhóm đối tượng này thành chính sách hỗ trợ chung cộng đồng. Tiếp thu ý kiến của cử tri, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh báo cáo và kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trình cấp có thẩm quyền xem xét.
- Ý kiến: Cử tri bản Chà Lắn, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng quan tâm nâng cấp thêm trạm phát sóng di động để phục vụ người dân trên địa bàn.
Trả lời: Trạm phát sóng thông tin di động do các doanh nghiệp viễn thông di động xây dựng theo Quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt. Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp TTDĐ tích cực phát triển trạm BTS vùng sâu, vùng xa. Từ năm 2016, các doanh nghiệp triển khai lắp đặt các trạm chiếm lĩnh độ cao (riêng VNPT đã lắp đặt trên 60 trạm trên các đỉnh núi cao), phủ sóng đáng kể cho các huyện miền núi cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, một số bản không thể phủ sóng được, cần phải có lộ trình.
Toàn huyện Kỳ Sơn hiện có 78 trạm BTS của 4 nhà mạng VNPT, Viettel và MobiFone, Vietnamobile phân bổ ở 100% các xã. Tại xã Hữu Lập huyện Kỳ Sơn hiện đã có 03 trạm (bản Xốp Thặp, UBND xã, bản Xốp Nhị); bản Chà Lẳn chưa có trạm phát sóng riêng. Hiện nay, Viettel đã quy hoạch 01 trạm phát sóng tại bản Chà Lẳn để tiến tới phủ sóng di động; ngoài ra, hai trạm Xốp Thặp và Xốp Thảng và một số trạm quy hoạch các xã lân cận Hữu Lập khi đưa vào vận hành sẽ cải thiện vùng phủ sóng của toàn xã Hữu Lập nói chung .
Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện Quy hoạch hạ tầng viễn thông theo Quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt đến năm 2020, trong đó có nhiều khu vực ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, thực hiện Quyết định 1179/QĐ-TTg ngày 04/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch của tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, trong đó có Phương án phát triển hạ tầng viễn thông thụ động. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh lập phương án phát triển hạ tầng viễn thông đáp ứng các yêu cầu phủ sóng 100% dân số của tỉnh Nghệ An.
Phan Trung Tú
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
(Tổng hợp)