- Ý kiến: Cử tri xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương phản ánh tình trạng cột điện, hệ thống dây điện xuống cấp nghiêm trọng gây mất an toàn cho người dân. Đề nghị ngành điện quan tâm rà soát để thay thế các cột điện và hệ thống dây điện đã xuống cấp.
Trả lời: Theo báo cáo của Công ty Điện lực Nghệ An, lưới điện hạ thế được tiếp nhận từ địa phương được xây dựng từ lâu nên cũ nát, chắp vá, không theo quy hoạch. Trong thời gian qua Công ty đã tập trung đầu tư, cải tạo tuy nhiên do khối lượng trên địa bàn tỉnh quá lớn (hơn 16.000 km) và nguồn lực còn hạn chế nên hiện tại một số cột điện và nhánh rẽ xương cá chưa được cải tạo. Công ty đang tiếp tục tìm kiếm và tận dụng mọi nguồn vốn để nâng cấp, cải tạo. Kế hoạch đến năm 2025 lưới điện hạ thế sẽ được cải tạo hoàn chỉnh.
- Ý kiến: Cử tri xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải sinh hoạt của Sư đoàn 324 gây ra trên địa bàn. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xử lý.
Trả lời: Tiếp nhận ý kiến phán ánh của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với UBND huyện Đô Lương, Sư đoàn 324 để kiểm tra, xác minh nội dung cử tri phản ánh. Nước thải từ hoạt động sinh hoạt của cán bộ Sư đoàn 324 thải ra đoạn mương thoát nước xóm 1, xã Lạc Sơn có màu nâu và bốc mùi hôi thối.Để giải quyết tình trạng trên, Sư đoàn 324 đã hợp đồng với đội thu gom rác thải của xã Lạc Sơn để thực hiện thu gom rác thải 2 lần/tuần. Đồng thời tiến hành các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường như: Vệ sinh, khơi thông các tuyến mương qua xóm 1 xã Lạc Sơn và các hoạt động tổng vệ sinh khác. Nâng cấp hệ thống xử lý nước thải: Mở rộng bể lắng lọc nước thải đầu nguồn từ 7m 3 lên 10m 3 , bổ sung thêm 01 bể lọc nước bằng phương pháp cơ học (cát, sỏi, than hoạt tính). Phối hợp với đơn vị có chức năng (Công ty cổ phần môi trường Việt Anh- Phòng thí nghiệm- VIMCERT 231) phân tích để đánh giá chất lượng nước thải sau khi xử lý. Kết quả cho thấy: Các chỉ tiêu đều nằm trong ngưỡng cho phép quy định tại cột B QCVN 14:2008/BTNMT Quy chuẩn quốc gia về nước thải sinh hoạt. Như vậy, Sư đoàn 324 đã tiếp thu và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải sinh hoạt của Sư đoàn gây ra trên địa bàn.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Đô Lương, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của Sư đoàn 324 để xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền.
- Ý kiến: Cử tri kiến nghị UBND tỉnh cân đối ngân sách đầu tư, thực hiện Dự án nâng cấp kênh tiêu từ Yên Sơn, thị trấn qua khu đô thị Vườn Xanh, thị trấn Đô Lương
Trả lời: Dự án Cải tạo nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước cho khu vực thị trấn Đô Lương và các vùng lân cận huyện Đô Lương (trong đó Khu vực kênh tiêu Khu đô thị Vườn Xanh, thị trấn và các xóm thuộc xã Yên Sơn, Lạc Sơn xuống hồ Điều hòa chảy ra Rào Gang) đã được UBND huyện Đô Lương tổng hợp đưa vào danh mục đầu tư công giai đoạn 2021-2025.
- Ý kiến: Cử tri huyện Đô Lương phản ánh việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vẫn còn hình thức, đề nghị cần thực hiện thực chất hơn, nhất là nâng cao đời sống cho Nhân dân sau khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Trả lời: Việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới được thực hiện theo Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn nông thôn mới; địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 . Cụ thể như sau:
UBND xã tổ chức tự đánh giá, UBND huyện tổ chức thẩm tra, UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định và Đoàn thẩm định. Đoàn thẩm định có trách nhiệm trực tiếp khảo sát các nội dung, tiêu chí của từng ngành và đánh giá bằng phiếu thẩm định. Khi nhận được đầy đủ các phiếu thẩm định của từng thành viên Đoàn thẩm định, Hội đồng thẩm định tỉnh tổ chức họp, thảo luận, bỏ phiếu xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới cho từng xã (cuộc họp chỉ được tiến hành khi có từ 70% trở lên số thành viên Hội đồng có mặt); Văn phòng Điều phối nông thôn mới cấp tỉnh hoàn thiện hồ sơ đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới khi kết quả ý kiến nhất trí của các thành viên Hội đồng thẩm định dự họp phải đạt từ 90% trở lên, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Bên cạnh đó khi được thẩm định, UBMTTQ xã chủ trì lấy ý kiến của các hộ gia đình trên địa bàn xã được xét công nhận khi kết quả sự hài lòng phải đạt từ 90% trở lên và kết quả của việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân phải được thực hiện ít nhất 70% số hộ gia đình của các thôn, xóm (khu dân cư) trong xã.
- Ý kiến: Cử tri thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn và UBND huyện Đô Lương sớm giải quyết kinh phí 20 triệu đồng/hộ thực hiện dự án di dời khỏi vùng ngập lụt cho 21 hộ dân từ năm 2019 đến nay.
Trả lời: Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư để bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai, sạt lở đất, ngập lụt huyện Đô Lương được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Báo cáo kinh tế kỹ thuật tại Quyết định số 4349/QĐ-UBND ngày 25/9/2015. Hiện nay, dự án đã hoàn thành và đến cuối năm 2020 đã có 41 hộ dân tháo dỡ nhà nơi ở cũ để di chuyển đến nơi ở mới. Trong đó có 20 hộ di chuyển vào vùng dự án đúng quy định và được hỗ trợ kinh phí 20 triệu đồng/hộ theo quy định; 21 hộ còn lại đã nhận đất trong vùng dự án nhưng chưa làm nhà nên chưa đủ điều kiện để hỗ trợ nguồn kinh phí của Trung ương theo quy định tại Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ (mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ).
Để giúp người dân giảm bớt khó khăn và ổn định tình hình chính trị trên địa bàn, ngày 29/12/2020 UBND tỉnh đã có văn bản số 9227/UBND-NN về việc hỗ trợ các hộ dân di chuyển khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt huyện Đô Lương, trong đó cho phép UBND huyện Đô Lương được sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp của huyện để chi trả cho 21 hộ dân này. Đến nay, UBND huyện Đô Lương đã thực hiện chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng dự án di chuyển các hộ dân vùng ngập lụt cho các hộ dân.
- Ý kiến: Cử tri huyện Đô Lương phản ánh trong thời gian qua vẫn có sự tham gia của thế lực ngầm trong việc đấu giá đất ở, dẫn đến tình trạng người dân thực sự có nhu cầu khó trúng đấu giá. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo huyện quan tâm quy hoạch thêm những vùng đất ở theo hình thức định giá tạo điều kiện cho người dân có điều kiện khó khăn được mua đất.
Trả lời: 1. Cử tri huyện Đô Lương phản ánh trong thời gian qua vẫn có sự tham gia của thế lực ngầm trong việc đấu giá đất ở, dẫn đến tình trạng người dân có nhu cầu khó trúng đấu giá.
Để triển khai thực hiện Luật Đấu giá tài sản năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành các Văn bản: Quyết định số 2051/QĐ-UBND ngày 17/5/2017 phê duyệt Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 02/3/2018 về việc ban hành quy định về đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Quyết định số 07/2021/QĐ-UBND ngày 23/4/2021 sửa đổi bổ sung một số điều quy định ban hành kèm theo Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND. Đã góp phần nâng cao chất lượng đáu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh, đảm bảo công khai, khách quan, minh bạch, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá... Hiệu quả đấu giá ngày một nâng cao, an ninh chính trị ổn định và tăng thu ngân sách nhà nước.
Theo báo cáo của UBND huyện Đô Lương, trong thời gian qua tại địa bàn huyện đã tổ chức các cuộc đấu giá đất ở bằng hình thức gián tiếp ( bỏ phiếu kín ). Với hình thức đấu giá gián tiếp khâu bảo mật thông tin được đảm bảo từ lúc niêm phong thùng phiếu trước khi bỏ phong bì trả giá cho đến khi mở niêm phong thùng phiếu, công bố các phiếu trả giá. Bên cạnh mặt tích cực là địa phương đấu giá được đất với giá cao, tăng thu ngân sách nhưng cũng có mặt hạn chế là người dân địa phương có nhu cầu sử dụng lại khó trúng đấu giá, dẫn đến phải nhận chuyển nhượng lại đất của người khác với giá cao hơn. Như vậy, với hình thức đấu giá gián tiếp, tính bảo mật thông tin cao, và người dân muốn đấu giá được đất để sử dụng cũng phải tính toán để trả giá theo hướng cạnh trạnh chung, thậm chí những vị trí đất sinh lời cao phải trả giá cao hơn rất nhiều so với giá khởi điểm thì mới trúng được đấu giá. Trong thời gian qua việc tổ chức các cuộc đấu giá đất ở ở trên địa bàn huyện là công khai, minh bạch và đúng theo quy định của của pháp luật.
2. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo huyện quan tâm quy hoạch thêm những vùng đất ở theo hình thức định giá tạo điều kiện cho người dân có điều kiện khó khăn được mua đất.
Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 quy định các trường hợp nhà nước giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất phải theo quy định của tại khoản 2 Điều 118Luật đất đai, còn lại phải thông qua hình thức đấu giá. Trước khi đấu giá đất UBND cấp huyện căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá khởi điểm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tiến hành tổ chức đấu giá công khai, minh bạch, công bằng, khách quan. Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Đô Lương quan tâm quy hoạch thêm những vùng đất ở theo hình thức định giá tạo điều kiện cho người dân có điều kiện khó khăn được mua đất.
- Ý kiến: Cử tri xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương tiếp tục đề nghị UBND giải quyết dứt điểm đơn thư tranh chấp đất đai của 21 hộ dân có đất ở Bàu Kịnh thuộc xóm 2 xã Lạc Sơn với ông Nguyễn Cảnh Hà, Công ty An Thiên Lý, thành phố Hồ Chí Minh. Cử tri chưa đồng tình với việc trả lời của UBND tỉnh tại báo cáo kết quả giải quyết ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh.
Trả lời: Nội dung kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh có Báo cáo số 232/BC-UBND ngày 27/4/2017 báo cáo Thường trực Tỉnh ủy về kết quả kiểm tra, rà soát vụ việc khiếu kiện của 21 hộ dân trú tại xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương; đồng thời hướng dẫn 21 hộ công dân trú tại xã Lạc Sơn khởi kiện vụ việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đến Tòa án nhân dân huyện Đô Lương để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
- Ý kiến: Cử tri kiến nghị UBND tỉnh đầu tư kinh phí, chỉ đạo để xây dựng, h ệ thống mương thoát nước 2 bên đường Quốc lộ 15A
Trả lời: Quốc lộ 15 đoạn qua huyện Đô Lương có chiều dài 24,5km, thuộc lý trình Km273 – Km310+500. Trên đoạn tuyến có 10,399Km rãnh gia cố, rãnh kín và 5,095 Km rãnh đất dọc hai bên tuyến. Từ năm 2018 - 2020, Sở Giao thông vận tải đã thực hiện 03 dự án thuộc đoạn Km279+00 – Km289+00, với tổng kinh phí 37,5 tỷ đồng, sửa chữa nền, mặt đường, hệ thống thoát nước hiện có và bổ sung được 1960md rãnh dọc. Hiện nay, đang hoàn thiện để phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và tổ chức lựa chọn nhà thầu dự án sửa chữa mặt đường, hệ thống thoát nước các đoạn Km273+00 – Km279+00, Km 282+00 – Km282+900, QL.15, dự kiến triển khai trong quý II/2021. Đồng thời, năm 2021, Sở đã có công văn số 758/SGTVT-BQLBTĐB ngày 18/3/2021 báo cáo TCĐBVN tiếp tục xin chủ trương sửa chữa đột xuất nền, mặt đường, hệ thống thoát nước và ATGT đoạn Km286+800-Km288+600, QL.15 với tổng kinh phí ước tính là 4,7 tỷ đồng, trong đó kiến nghị sửa chữa, bổ sung 1600md rãnh kín.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Sở Giao thông vận tải thực hiện tốt công tác duy tu, thường xuyên vệ sinh hệ thống rãnh xây và đào rãnh đất ở những vị trí ách yếu để đảm bảo thoát nước tốt, vệ sinh và ATGT cho nhân dân đi lại trong vùng.
- Ý kiến: Cử tri xã Lạc Sơn, thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương tiếp tục phản ánh tình trạng xe quá khổ, quá tải gây mất an toàn giao thông, hư hỏng hệ thống đường giao thông trên địa bàn. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo xử lý.
Trả lời: Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt trong công tác kiểm soát xe quá tải, quá khổ trên địa bàn tỉnh. Ngay từ đầu năm UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 13/KH-UBND ngày 12/01/2021 về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm 2021, trong đó chỉ đạo Công an tỉnh, Sở GTVT, Cục Quản lý đường bộ II xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về xe chở hàng quá khổ, quá tải trên các tuyến đường.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-CAT ngày 25/02/2021 về tuần tra, kiểm soát, xử lý xe ô tô vi phạm chở hàng quá trọng tải cho phép trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Sở GTVT ban hành Kế hoạch số 292/KH-SGTVT ngày 22/4/2021 về cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với phương tiện chở hàng hóa quá tải, quá khổ, cơi nới kích thước thành thùng hoạt động trên các tuyến đường bộ thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An.
Riêng trên địa bàn huyện Đô Lương, các phương tiện vận tải hàng hóa hoạt động chủ yếu là xe tải, xe đầu kéo chở hàng vật liệu xây dựng. Nguồn hàng chủ yếu xuất phát từ các mỏ đá trên địa bàn huyện Yên Thành và các mỏ cát ở huyện Tân Kỳ, Đô Lương, Thanh Chương. Trong các tháng đầu năm 2021, Thanh tra Sở đã xử lý đối với232trường hợp vi phạm, xử phạt nộp KBNN số tiền là 1,029 tỷ đồng; tước GPLX: 96 trường hợp; tước Giấy CNKĐ ATKT&BVMT: 38 trường hợp; phù hiệu xe: 33 trường hợp; cắt thành thùng cơi nới: 42 trường hợp.
Tuy đã nỗ lực trong công tác kiểm soát tải trọng xe, nhưng hiệu quả còn chưa cao, vẫn còn tình trạng xe chở hàng quả khổ, quá tải trên các tuyến đường bộ như cử tri phản ánh. Trong thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở GTVT và Cục Quản lý đường bộ II tăng cường kiểm tra, xử lý các phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm trên các tuyến đường, nhất là các tuyến Quốc lộ do Trung ương quản lý; tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân liên quan về vận tải hàng hóa bằng xe ô tô; Chỉ đạo các Trung tâm đăng kiểm trực thuộc Sở GTVT kiên quyết từ chối đăng kiểm, không cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với những phương tiện cơi nới kích thước thành, thùng.
Đối với UBND huyện Đô Lươngyêu cầu các Doanh nghiệp khai thác mỏ ký cam kết về việc bốc xếp hàng hóa đúng với quy định của pháp luật, đảm bảo vệ sinh môi trường; Các doanh nghiệp vận tải ký cam kết không chở hàng quá khổ, quá tải, không cơi nới kích thước thành thùng xe, không chở hàng gây rơi vãi; Tổ chức rà soát, cắm đầy đủ các biển hạn chế tải trọng của cầu đường bộ trên các tuyến đường huyện, đường xã theo quy định... Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm trên các tuyến đường huyện, đường liên xã vì đây là các tuyến đường các phương tiện vi phạm thường di chuyển để trốn tránh khi các lực lượng chức năng thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ.
- Ý kiến: Cử tri xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương phản ánh việc cấp Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Trần Văn Tịch, liệt sỹ chống Pháp đã làm hồ sơ nhiều lần, qua nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp bằng. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo.
Trả lời: Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Ông Trần Văn Tịch chưa đủ điều kiện cấp Bằng Tổ quốc ghi công. Vì sau khi kiểm tra hồ sơ, các tài liệu có liên quan ông Trần Văn Tịch không có hồ sơ xác nhận liệt sĩ lưu tại UBND xã Lạc Sơn, UBND huyện Đô Lương và Sở Lao động - TB và XH; không có hồ sơ thể hiện ông Trần Văn Tịch hy sinh, được xác nhận liệt sĩ và chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công; qua kiểm tra rà soát thực tế, hiện nay chỉ có thông tin ghi tên trong nhà bia tưởng niệm liệt sĩ tại xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương. (Vấn đề này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 3743/LĐTBXH-VP ngày 25/9/2020 trả lời kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An về nội dung kiến nghị sửa đổi Điều 13, Thông tư số 16/2014/BLĐTBX ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và cấp bằng Tổ quốc ghi công như trường hợp liệt sĩ Trần Văn Tịch).
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 4442/LĐTBXH-NCC ngày 31/12/2020 kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hộiđề nghị trình Chính phủ có văn bản hướng dẫn, xem xét xác nhận liệt sĩ và cấp bằng Tổ quốc ghi công cho những trường hợp hy sinh trong các thời kỳ kháng chiến không có hồ sơ và chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công nhưng được đơn vị, nhân dân suy tôn là liệt sĩ và có tên trong nhà bia tưởng niệm liệt sĩ cấp xã (như trường hợp ông Trần Văn Tịch).
- Ý kiến: Cử tri thị trấn Đô Lương, huyện Đô Lương đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khi cấp quyết định hưởng mai táng phí theo Quyết định 42, 62, 49 đề nghị được cấp 03 bản chính, vì từ trước đến nay chỉ cấp 01 bản chính do vậy khi phát sinh một số thủ tục khác phải làm thủ tục cấp thêm gây khó khăn cho người dân.
Trả lời: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã tiếp thu kiến nghị của cử tri và chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp 02 bản y sao Quyết định hưởng mai táng phí theo Quyết dịnh 42, 62, 49 để làm Bảo hiểm y tế và chế độ mai táng phí.
Phan Trung Tú
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh
(Tổng hợp)