1. Cử tri bản Quăn, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ xây dựng cầu cứng vào khu vực Khe Chon để đảm bảo việc đi lại an toàn, thuận lợi cho người dân, nhất là vào mùa mưa lũ (cử tri đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết).

UBND tỉnh trả lời như sau:

Hiện nay, trên cơ sở đề xuất của các ngành, địa phương, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp, tham mưu kế hoạch đầu tư công trung hạn và năm 2022 và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, giao chi tiết. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, huyện Con Cuông được tập trung đầu tư xây dựng 11 công trình với tổng kế hoạch vốn trung hạn được giao hơn 373 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương: 228,687 tỷ đồng, ngân sách địa phương 145,306 tỷ đồng). Vì vậy, trước mặt, đề nghị UBND huyện Con Cuông tập trung chỉ đạo nhà thầu và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện và giải ngân nguồn vốn năm 2022, góp phần hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh đạt hiệu quả cao, chất lượng.

Đối với dự án cầu cứng khu vực Khe Chon đề nghị UBND huyện Con Cuông chủ động, rà soát sự cần thiết đầu tư, hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư làm căn cứ để huy động các nguồn vốn hợp pháp khác (nguồn tăng thu, tiếp kiệm chi ngân sách, lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia…).

  1. Cử tri Lô Văn Phong, trú tại bản Xiềng, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông phản ánh tình trạng đường điện ở bản Xiềng xuống cấp, hay bị ngắt đột ngột, gây chập cháy, hư hỏng các thiết bị của người dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục và hỗ trợ thiệt hại về tài sản cho người dân.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Lưới điện hạ thế bản Xiềng đã được đầu tư, thay thế toàn bộ dây dẫn bằng cáp vặn xoắn đảm bảo cấp điện và vận hành an toàn. Công ty Điện lực Nghệ An đã kiểm tra, rà soát lưới điện và làm việc trực tiếp với ông Lô Văn Phong. Thực tế như sau: Trước thời điểm tiếp xúc cử tri, trên địa bàn có xảy ra dông lốc gây sự cố mất điện đột ngột dẫn đến phản ánh trên, tuy nhiên không xảy ra tình trạng hư hỏng thiết bị của người dân.

  1. Cử tri Lang Thị Huyên, bản Nà Cỏ, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông kiến nghị đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung tại bản Nà Cỏ, xã Bình Chuẩn, vì hiện nay người dân đang dùng nước từ khe Chon không đảm bảo vệ sinh.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo báo cáo của UBND huyện Con Cuông: Bản Nà Cọ, xã Bình Chuẩn có hơn 200 hộ dân, nguồn nước sinh hoạt chủ yếu từ giếng đào và lấy nước từ khe Chon hạ lưu đập Nà Cọ. Do địa hình dốc, tại khu vực dân cư phía trên cao giếng đào thường xuyên thiếu nước vào mùa khô. Nên việc đề xuất xây dựng công trình nước sinh hoạt tự chảy là cần thiết, qua khảo sát ban đầu bể đầu nguồn đặt trên khe Cố, cách trung tâm bản Nà Cọ khoảng 3,5km, nguồn nước ổn định, có thể cung cấp đủ nước sinh hoạt cho số hộ dân bản Nà Cọ. Tuy nhiên, do nguồn vốn được phân bổ của các chương trình mục tiêu có hạn nên chưa đủ nguồn lực bố trí thực hiện hạng mục này.

  1. Cử tri Lang Thị Huyên, bản Nà Cỏ, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông kiến nghị sửa chữa đập thủy lợi Nà Cọ, xã Bình Chuẩn.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Đập thủy lợi Nà Cọ, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông là đập tràn bê tông được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV thủy lợi Tây Nam Nghệ An quản lý theo Quyết định 5808/QĐ-UBND.NN ngày 05/11/2015. Công trình phục vụ tưới cho 50,58 ha lúa nước trên địa bàn xã. Do xây dựng đã lâu nên hiện tại xuất hiện nhiều hư hỏng như bồi lấp thượng lưu, xói hạ lưu sân tiêu năng, kênh chính xuống cấp. Hàng năm, Công ty đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức điều tiết, duy tu bảo dưỡng thường xuyên các hạng mục công trình đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, do kinh phí sửa chữa nâng cấp lớn trong khi nguồn bảo trì có hạn nên nhiều hạng mục cần sửa chữa trong đó có đập Nà Cọ không thể thực hiện. Hiện nay, Công ty đã rà soát và có Công văn số 58/CV-TLTN ngày 11/5/2022 gửi UBND tỉnh và các Sở ngành xem xét bố trí nguồn vốn để sửa chữa trong đó có đập Nà Cọ.

  1. Cử tri Lang Thị Huyên, bản Nà Cỏ, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông kiến nghị hỗ trợ ống xi phông dẫn nước tại đập Kẹm Tẻ ra khu sản xuất phía ngoài thuộc Dự án 33.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Đập Khe Quằn (Nhân dân địa phương gọi là đập Kẹm Tẻ) được xây dựng từ năm 2010 thuộc dự án xây dựng làng định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Bình Chuẩn tại Quyết định số 3203/QĐ.UBND.NN ngày 07/7/2009 của UBND tỉnh Nghệ An. Hiện nay, công trình đã đi vào hoạt động. Năm 2021, UBND huyện bổ sung thiết kế, tổ chức thi công dẫn nước phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt tại khu tái định cư.

Ý kiến, kiến nghị của cử tri về việc hỗ trợ dẫn nước ra khu sản xuất để khai hoang làm ruộng nước với diện tích khoảng 2,0 ha. Tuy nhiên, nếu dẫn ống từ cuối công trình cấp nước sinh hoạt sẽ ảnh hưởng đến năng lực cấp nước cho khu tái định cư. Trong thời gian tới, trên cơ sở kế hoạch sử dụng đất được duyệt, UBND huyện Con Cuông sẽ giao UBND xã chỉ đạo tổ chức sản xuất phù hợp với diện tích trên.

  1. Cử tri Kha Văn Thái, bản Quẻ, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông kiến nghị lắp đặt các trạm bơm cho các thôn, bản không có hệ thống thủy lợi; làm đập tưới tiêu phục vụ sản xuất cho Nhân dân bản Quẻ.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Theo báo cáo của UBND huyện Con Cuông: Hiện nay trên địa bàn huyện Con Cuông có hơn 113 công trình thủy lợi, tưới cho hơn 1.600 ha lúa nước, chủ yếu là công trình đập dâng nhỏ, tưới từ 3 ha lúa nước trở lên. Do địa hình chia cắt, trên địa bàn huyện có hơn 700 ha ruộng hóc chọ, không tập trung, dọc theo các khe suối, chưa có hệ thống tưới kiên cố.

Kiến nghị của cử tri là rất chính đáng, UBND huyện cũng đã nhận được đề xuất của cử tri các xã, tuy nhiên việc xây dựng Hệ thống tưới kiên cố cho số diện tích này là rất khó khăn do diện tích ít, không tập trung và suất đầu tư quá cao. Hiện nay dân tự đắp đập tạm hoặc làm cọn nước để tưới.

Trên địa bàn xã Bình Chuẩn, cuối năm 2021 UBND huyện sử dụng nguồn hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa thí điểm hỗ trợ 02 máy bơm sử dụng sức nước. Hiện nay đang theo dõi và sẽ tổ chức đánh giá cuối năm 2022. Nếu hiệu quả có thể nhân rộng mô hình này cho những vùng có điều kiện phù hợp. Tuy nhiên, do huyện miền núi, ngân sách khó khăn nên kính đề nghị UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ ngân sách đầu tư các công trình tưới nhỏ lẻ.

  1. Cử tri Kha Văn Thảo, bản Đình, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông kiến nghị xây bờ kè chống sạt lở cho 2 cánh đồng từ dọc khe Chon, xã Bình Chuẩn, giáp ranh bản Xiềng xuống bản Đình và nắn dòng, xây kè khu vực ruộng từ cầu bản Tông đến bản Quăn.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Hiện nay trên địa bàn huyện Con Cuông, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa lũ các dòng khe thường xuyên thay đổi dòng chảy gây xói lở, mất đất sản xuất, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng. Mặt khác, nhiều khu vực có loài cây Mai Dương mọc làm cản trở và thay đổi dòng chảy.

Kiến nghị của cử tri UBND huyện đã tiếp nhận và có nhiều giải pháp công trình và phi công trình chẳng hạn như chỉ đạo phát quang dòng chảy, trồng cây bảo vệ bờ, xây kè, mỏ neo, nắn dòng các điểm xung yếu. Tuy nhiên do địa hình phức tạp nhiều khe suối, nguồn kinh phí huyện eo hẹp nên việc sạt lở gây mất đất sản xuất chưa được khắc phục dứt điểm.

Đối với 2 điểm sạt lở tại bản Đình và bản Tông, trong kế hoạch đầu tư công thuộc chương trình Nông thôn mới năm 2022, UBND xã đã đề xuất và UBND huyện đã kiểm tra, tổng hợp gửi đề xuất về UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Nếu được UBND tỉnh phê duyệt, hạng mục này sẽ được thực hiện trong năm 2022-2023.

  1. Cử tri Lô Văn Phong, trú tại bản Xiềng, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông phản ánh việc chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn mỗi năm được trả khác nhau, việc chi trả thường bị chậm. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, đảm bảo quyền lợi của người dân trong công tác bảo vệ rừng.

UBND tỉnh trả lời như sau:

- Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn mỗi năm được chi trả khác nhau do đơn giá (mức) chi trả hàng năm là khác nhau. Lý do: Đơn giá được xác định theo quy định tại mục II, Phụ lục VII của Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. Theo đó, đơn giá chi trả phụ thuộc vào số tiền dịch vụ môi trường rừng thực thu trong năm từ các cơ sở sản xuất thủy điện có sử dụng dịch vụ môi trường rừng (kinh phí thu hàng năm từ các cở sản này biến động theo sản lượng sản xuất của đơn vị) chia diện tích được xác định chi trả hàng năm.

- Việc chi trả thường bị chậm: Thời gian chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng được quy định tại Điều 69, Nghị định 156/2018/NĐ-CP. Theo đó, trước ngày 15/4 hàng năm Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh thông báo cho bên cung ứng dịch vụ môi trường rừng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng; Trước ngày 01/6 hằng năm, căn cứ số tiền thực nhận từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh, chủ rừng là tổ chức xác định số tiền chi trả cho bên nhận khoán bảo vệ rừng. Nội dung này, Quỹ thực hiện theo đúng quy định. Tuy nhiên, hàng năm Quỹ đã có gắng thông báo đơn giá sớm để các chủ rừng là tổ chức, tổ chức chi trả cấp huyện tính toán xác định số tiền chi trả và thực hiện chi trả cho các đối tượng thụ hưởng.

  1. Cử tri huyện Con Cuông đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sớm hỗ trợ xi măng để Nhân dân làm đường giao thông trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Căn cứ Nghị Quyết số 24/2020/NQ-HĐND ngày 13/13/2020 của HĐND tỉnh về một số chính sách trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025, sau khi có Quyết định phê duyệt danh sách đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới của các địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định giao chỉ tiêu hỗ trợ xi măng cho các địa phương. Tuy nhiên do phải thực hiện việc “đấu thầu mua sắm hàng hoá”, theo đó việc tổ chức đấu thầu phải đáp ứng được các nội dung:

- Có đủ nguồn vốn để tổ chức đấu thầu;

- Thực hiện đúng các bước đấu thầu theo quy định;

Do đó dẫn tới việc cung ứng xi măng cho các địa phương còn chậm và chưa kịp thời. Trong thời gian tới, Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan đẩy nhanh việc thực hiện đấu thầu. Dự kiến cuối quý III năm 2022 sẽ cung ứng được xi măng cho các địa phương để triển khai thực hiện.

  1. Cử tri huyện Con Cuông đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo đối với huyện miền núi, nhất là các thôn, bản cần có cơ chế hỗ trợ theo quy hoạch, kế hoạch hàng năm mà không bắt buộc đăng ký xây dựng nông thôn mới mới được cấp xi măng.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Chính sách hỗ trợ xi măng làm đường giao thông nông thôn thực hiện xây nông thôn mới là chính sách rất hiệu quả trong phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là đối với xây dựng nông thôn mới cấp thôn, xóm, bản. Kiến nghị của cử tri huyện Con Cuông là hoàn toàn đúng đắn và cũng là ý kiến của rất nhiều cử tri trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên do điều kiện ngân sách của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong khi nhu cầu của các địa phương cần được hỗ trợ xi măng để làm đường giao thông nông thôn là rất lớn nên việc hỗ trợ trợ xi măng cho các địa phương để thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch, kế hoạch hàng năm mà không bắt buộc đăng ký xây dựng nông thôn mới, mới được cấp xi măng là chưa thể cân đối để thực hiện.

Tuy nhiên căn cứ vào tình hình thực tế trong việc xây dựng nông thôn mới hàng năm và kiến nghị đề xuất của các địa phương, Văn phòng Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới sẽ có ý kiến để trình UBND tỉnh, HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

  1. Cử tri xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo bố trí kinh phí đầu tư bảo vệ các danh lam thắng cảnh trên địa bàn xã, như: hang thằm Pỏng và hang Thằm Tông.

UBND tỉnh trả lời như sau:

- Đối với kinh phí đầu tư danh lam thắng cảnh:

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 7 Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND ngày 31/7/2020 của UBND tỉnh quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (gọi chung là di tích) trên địa bàn tỉnh Nghệ An: UBND huyện Con Cuông có nhiệm vụ đầu tư kinh phí và bố trí kinh phí đối ứng cùng ngân sách tỉnh, kinh phí từ các khoản thu hợp pháp từ các hoạt động phát huy giá trị di tích, nguồn xã hội hóa để thực hiện việc tu bổ, tôn tạo, duy tu, bảo dưỡng, chống xuống cấp, tu sửa cấp thiết di tích và quản lý các nội dung có liên quan thuộc thẩm quyền quản lý.

- Đối với kinh phí bảo vệ các danh lam thắng cảnh:

Căn cứ vào định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên quy định tại Nghị quyết số 21/2021/QĐ-UBND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh về Ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022, ổn định đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Nghệ An; kinh phí chi trả phụ cấp bảo vệ các khu di tích, văn hoá đã được tính trong định mức chi sự nghiệp Văn hóa cấp huyện. UBND huyện Con Cuông căn cứ các quy định hiện hành, chủ động cân đối nguồn kinh phí sự nghiệp Văn hóa cấp huyện để bố trí kinh phí bảo vệ các danh lam thắm cảnh theo đúng quy định.

  1. Cử tri Kha Văn Thu bản Xiềng, xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông đề nghị tỉnh hỗ trợ xây dựng khu thiết chế văn hóa thể thao của xã.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 13/12/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa thể thao ở cơ sở, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với huyện Con Cuông tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở cho huyện 1 nhà văn hóa xã 2,8 tỷ đồng (xã Thạch Ngàn); 3 nhà văn hóa bản, mỗi nhà 320 triệu đồng (bản Nà Cọ, xã Bình Chuẩn; bản Đồng Tiến, xã Lạng Khê; bản Kim Sơn, xã Lục Dạ).

Trước mắt đề nghị UBND huyện Con Công kiểm tra, rà soát lại thiết chế văn hóa - thể thao của xã Bình Chuẩn để đưa vào kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và lồng ghép từ các nguồn hợp pháp khác để thực hiện.

Trong thời gian tới khi được HĐND tỉnh và UBND tỉnh tiếp tục bố trí kinh phí để thực hiện Hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hóa – thể thao theo Nghị quyết số 30/NQ HĐND, Sở Văn hóa và Thể thao sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành và huyện Con Cuông kiểm tra và đối chiếu với nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên quy định tại Quyết định số 08/QĐ-UBND ngày 07/5/2021, để tham mưu UBND tỉnh xem xét hỗ trợ cho xã Bình Chuẩn theo quy định.

  1. Cử tri Lang Thanh Hai, bản Hồng Thắng, xã Đôn Phục, huyện Con Cuông phản ánh chế độ chính sách đối với dân quân làm nhiệm vụ hiện nay theo Nghị quyết 54/2016/NQ-HĐND ngày 16 tháng 12 năm 2016 của HĐND tỉnh mới chỉ quy định chế độ ngày công, chưa có hỗ trợ tiền ăn theo quy định của Trung ương, đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo hỗ trợ.

UBND tỉnh trả lời như sau:

Nghị quyết 54/2016/NQ-HĐND ngày 16 tháng 12 năm 2016 của HĐND tỉnh đã hết hiệu lực. Hiện nay HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 08/NQ-HĐND ngày 13 tháng 8 năm 2021 về quy định số lượng Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã và mức trợ cấp ngày công lao động đối với dân quân trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đối với tiền ăn của dân quân khi làm nhiệm vụ: Thực hiện theo quy định Điều 11 và Điều 12, Nghị định 72/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ.