- Cử tri huyện Anh Sơn kiến nghị UBND tỉnh kiến nghị đưa tuyến đường từ đường 534 đi đập Đồng Quan vào danh mục đường hộ đê do UBND tỉnh quản lý và sửa chữa tuyến đường nay bị hư hỏng, xuống cấp.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Theo báo cáo UBND huyện Anh Sơn, tuyến đường từ đường tỉnh 534 đi đập Đồng Quan có chiều dài khoảng 1,4km. Tuyến đường đã bị hư hỏng, xuống cấp, thường xuyên ngập lụt vào mùa mưa nên đã gây khó khăn cho việc đi lại, ảnh hưởng đến an sinh người dân trong vùng. Năm 2020, UBND huyện Anh Sơn đã đầu tư kinh phí khắc phục sửa chữa được khoảng 300m đầu tuyến. Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Năm 2021, HĐND huyện Anh Sơn đã phê duyệt danh mục sửa chữa đoạn đường còn lại vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bằng nguồn vốn ngân sách huyện.
Đối với đề nghị đưa tuyến đường 534 đi đập Đồng Quan vào danh mục đường hộ đê do UBND tỉnh quản lý: Do huyện Anh Sơn là một trong những địa phương không có đê thuộc hệ thống đê điều tỉnh Nghệ An nên việc đưa tuyến đường từ đường 534 đi đập Đồng Quan vào danh mục đường hộ đê là không phù hợp quy định.
- Cử tri xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn phản ánh Xí nghiệp chè Hùng Sơn đóng tại xã Hùng Sơn, huyện Anh Sơn hoạt động không thường xuyên, việc thu mua nguyên liệu cho Nhân dân không ổn định. Cử tri kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến đề nghị Công ty Cổ phần nhà máy chè Nghệ An quan tâm, chỉ đạo hoạt động của Xí nghiệp chè Hùng Sơn.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Theo báo cáo của Xí nghiệp Chè Hùng Sơn: Năm 2022 đến thời điểm hiện tai trên địa bàn đã thu hoạch được 4 lứa chè nguyên liệu, trong đó xí nghiệp vẫn tổ chức sản xuất và thu mua 3 lứa đó là lứa 1, lứa 3, lứa 4 năm 2022. Đối với lứa 2, năm 2022 nằm trong giai đoạn chuyển đổi Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển chè sang Công ty Cổ phần tổng công ty Chè Nghệ An nên việc tổ chức sản xuất của lứa 2 có gián đoạn. Tuy nhiên, xí nghiệp đã thông báo trước cho các hộ dân và cùng với các hộ dân có phương án để tiêu thụ nguyện liệu không để một trường hợp nào nguyên liệu bị ứ đọng làm mất mát cho người dân trồng chè. Hiện nay, công ty và xí nghiệp đã ổn định cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động, trên cơ sở chỉ đạo, điều hành của Công ty Cổ phần tổng công ty Chè Nghệ An, xí nghiệp đã tổ chức sản xuất và thu mua hết nguyên liệu của những hộ dân hợp đồng với xí nghiệp và những hộ đồng ý bán nguyên liệu cho xí nghiệp, không từ chối thu mua nguyện liệu của một hộ dân nào.
- Cử tri xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí cho lực lượng dân phòng, thôn đội trưởng, tổ tự quản tại các địa phương đảm bảo hoạt động có hiệu quả.
UBND tỉnh trả lời như sau:
- Chính sách cho đối tượng lực lượng dân phòng thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 13/2020/NQ-HĐND ngày 13/11/2020 của HĐND tỉnh Nghệ An. Chính sách cho thôn đội trưởng, tổ tự quản tại các địa phương thực hiện tại Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh.
- Về bố trí kinh phí hỗ trợ hoạt động:
- a) Chính sách cho đối tượng lực lượng dân phòng: Hàng năm ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí; cụ thể năm 2022: bố trí 7.174 triệu đồng (trong đó, phụ cấp 4.524 triệu đồng, mua sắm phương tiện Phòng cháy chữa cháy: 2.650 triệu đồng).
- b) Đối với kinh phí hỗ trợ hoạt động thôn đội trưởng, tổ tự quản là một trong những nội dung thuộc nhiệm vụ chi quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội cấp xã. Ngân sách cấp xã căn cứ vào định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên quy định tại Nghị quyết số 21/2021/QĐ-UBND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh (theo đó, định mức phân bổ hỗ trợ chi quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội cấp xã theo mức 165 triệu đồng/xã/năm đối với xã loại I, 150 triệu đồng/xã/năm đối với xã loại II, 135 triệu đồng/xã/năm đối với xã loại III). Trong điều kiện ngân sách tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, mức hỗ trợ (trên) là phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, tuy chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu chi tại các địa phương, song so với chu kỳ ổn định ngân sách trước (giai đoạn 2017 - 2021), mức chi trên đã được cải thiện khá nhiều.
Việc phân bổ cụ thể kinh phí, căn cứ vào các quy định hiện hành và tình hình thực tế tại địa phương UBND cấp xã trình HĐND cùng cấp xem xét, quyết nghị phân bổ cho phù hợp.
- Cử tri huyện Anh Sơn phản ánh hiện nay huyện Anh Sơn không có phương tiện phòng cháy chữa cháy tại chỗ, vì vậy rất khó khăn khi có sự cố cháy xảy ra trên địa bàn. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ.
UBND tỉnh trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 5 Luật PCCC: “Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam”. Do đó, toàn xã hội và mọi người dân đều có trách nhiệm tham gia phòng cháy, chữa cháy; trong đó, lực lượng nòng cốt trong công tác phòng cháy, chữa cháy bao gồm: Dân phòng, lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở; lực lượng phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy. Trong những năm qua, để tăng cường phương tiện, thiết bị cho các lực lượng PCCC cơ sở, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị Quyết số 55/2016/NQ-HĐND ngày 16/12/2016 và Nghị quyết số 13/2020/NQ HĐND ngày 13/11/2020 (thay thế Nghị quyết số 55/2016/NQ-HĐND quy định về mức hỗ trợ thường xuyên đối với chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng và trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy đối với đội dân phòng trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Qua đó, đã trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ cho lực lượng dân phòng toàn tỉnh.
Riêng huyện Anh Sơn (có 156 đội dân phòng) đã được trang bị phương tiện, gồm: 95 bình bột chữa cháy MFZL8ABC, 91 bình khí MT5, 156 mũ chữa cháy, 151 quần áo chữa cháy, 163 đôi găng tay, 143 đôi ủng, 33 đèn bàn chuyên dùng, 08 câu liêm bồ cào, 19 hộp sơ cứu, 09 chiếc thang chữa cháy, 32 loa pin, 29 khẩu trang lọc độc, 07 máy thổi chữa cháy đeo vai. Đồng thời, chỉ đạo kiểm tra, hướng dẫn trang bị các phương tiện PCCC tại chỗ cho 394 cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn huyện Anh Sơn theo đúng quy mô, tính chất hoạt động của từng cơ sở theo quy định của pháp luật.
Đối với lực lượng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh phân cấp Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ số 5 thuộc Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (đóng quân tại huyện Đô Lương, cách trung tâm thị trấn huyện Anh Sơn 27 km) phụ trách công tác chữa cháy và cứu nạn trên địa bàn các huyện Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ; đồng thời trang bị đầy đủ thiết bị, phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp, cụ thể gồm: 04 xe chữa cháy; 01 xe cứu nạn, cứu hộ; 02 bơm chữa cháy; 01 xuống máy và các trang, thiết bị liên quan.